Cả xã hội mong giảm tải

ANTD.VN - Giảm tải bệnh viện, giảm tải ùn tắc giao thông và giảm tải chương trình giáo dục phổ thông là 3 điều mong đợi nhất của cả xã hội. 

Trong đó, giảm tải môn học cho học sinh được quan tâm đặc biệt, bởi giáo dục là quốc sách, là đầu ra của nguồn lực chất lượng đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hội nhập sâu rộng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dự thảo chương trình của các môn học/ hoạt động giáo dục từ cấp Tiểu học đến THPT của Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố trở thành “điểm nóng” được dư luận hết sức quan tâm và kỳ vọng.

Điểm nổi bật nhất trong chương trình giảm tải các môn học là gì? Đó là lấy học sinh làm trung tâm, chuyển từ việc “nhồi nhét” kiến thức hàn lâm, kiểu thầy đọc - trò chép, “học vẹt” sang phát huy năng lực, trí sáng tạo của học sinh. Theo đó, sẽ giảm bớt những kiến thức khó, những bài học có tính lắt léo, đánh đố học sinh chỉ cốt “chạy” theo những cuộc thi, thành tích.

Ví như môn Toán sẽ giảm bớt những kiến thức khó, không thiết thực với học sinh như kiến thức về tứ giác nối tiếp ở THCS, số phức ở THPT. Tuy nhiên, giảm tải không có nghĩa là bớt kiến thức một cách cơ học mà quan trọng là tổ chức lại nội dung. Môn Lịch sử có thể là một điển hình trong cách thức giảm tải này. Trước đây, môn học này ở cấp học nào cũng dạy theo kiểu “đồng tâm”, dài lê thê, bắt học sinh phải thuộc lòng chi tiết, thì sắp tới ở tiểu học giáo viên sẽ dạy thông qua những câu chuyện lịch sử hấp dẫn.

Ở cấp THCS sẽ dạy thông sử, THPT dạy thêm chủ đề xuyên suốt. Việc tích hợp các môn học có liên quan cũng là một cách giảm tải. Đơn cử, thay vì dạy Vật lý, Hóa học ở THCS như hiện nay, chương trình mới tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên. Môn Tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, nội dung cốt lõi là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình giáo dục phổ thông mới chính là phát triển năng lực học sinh. Một số môn học/ hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật, âm nhạc. Chương trình giáo dục phổ thông mới còn phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy của giáo viên, thay vì “nhồi nhét”, phải cho học sinh thực hành, học bằng trải nghiệm thực tế.

Nếu không thay đổi tư duy, cứ dạy theo lối mòn thì vẫn chỉ cho “ra lò” một thế hệ học gạo, “mọt sách”, yếu kém kỹ năng trong cuộc cạnh tranh thị trường lao động ngày càng khốc liệt. Có thể nói, không chỉ hàng triệu học sinh cả nước phấn chấn mà người dân đều cảm thấy nhẹ nhõm khi giảm tải gánh nặng sách vở, kiến thức đang đè nặng trên vai học sinh bao năm nay.