Cà tím chứa chất chống ung thư và lưu ý khi ăn để tránh ngộ độc

ANTD.VN - Cà tím là thực phẩm nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe, trong cà tím chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp cải thiện lưu thông máu và chứa hàm lượng calo thấp, nhiều nước nên tốt cho việc giảm cân.

Cà tím chứa chất chống ung thư và lưu ý khi ăn để tránh ngộ độc ảnh 1

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim 

Theo một số nghiên cứu, các chất chống oxy hóa trong cà tím có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tiêu thụ cà tím thường xuyên sẽ làm giảm mức độ cholesterol xấu (LDL) và chất béo trung tính, đây là những nguyên nhân chính gây bệnh tim. 

Kiểm soát đường trong máu

Cà tím có nhiều chất xơ có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm tốc độ tiêu hóa và hấp thu đường trong cơ thể. Sự hấp thu chậm này giữ cho lượng đường trong máu ổn định và ngăn chặn sự tăng đột biến lượng đường trong máu. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu sự hiện diện của polyphenol có thể làm giảm sự hấp thu đường và tăng tiết insulin. 

Giảm cân

Cà tím có nhiều chất xơ và ít calo khiến chúng trở thành một thực phẩm hoàn hảo để giảm cân. Chất xơ  tạo cảm giác no lâu hơn, do đó làm giảm lượng calo. 

Chống ung thư

Cà tím có chứa 13 loại hợp chất phenolic có khả năng chống lại ung thư và hỗ trợ điều trị ung thư.  Cà tím có khả năng phòng ngừa những căn bệnh ung thư vì nó còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể. Bạn nên ăn cà tím nguyên cả vỏ vì các nghiên cứu cho thấy, lớp vỏ cà tím chứa nhiều chất xơ hơn cả ruột.

Duy trì huyết áp

Cà tím không chỉ giảm cholesterol xấu trong cơ thể, nó còn bảo vệ trái tim. Vỏ và thịt của cà tím chứa flavonoid quan trọng có thể giúp ổn định huyết áp và giảm căng thẳng. Cà tím chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim, và tác động đến các mạch máu nuôi dưỡng tim. 

Cải thiện trí nhớ

Chất dinh dưỡng có trong cà tím tốt cho sức khỏe tinh thần và nhận thức, giúp loại bỏ các độc tố, tăng lưu lượng tuần hoàn não vì vậy tốt cho khả năng phân tích và duy trì trí nhớ.

Ngăn ngừa thiếu máu

Một trong những nguyên nhân gây thiếu máu là do thiếu sắt, trong cà tím giàu chất sắt, giúp dự phòng thiếu máu. Ngoài ra, cà tím có vai trò quan trọng trong tạo hồng cầu vì giúp chuyển hóa protein.

Lưu ý khi ăn cà tím

Trong cà tím có chứa một chất gọi là solanine, có tác dụng chống oxy hóa và ức chế tế bào ung thư nhưng cũng có tác dụng kích thích lên các trung tâm hô hấp, vì vậy khi ăn quá nhiều cà tím có thể gây độc. Để giảm chất này, khi chế biến bạn nên cho thêm chút giấm sẽ thúc đẩy sự phân hủy của solanine. Không nên uống nước ép cà tím vì rất dễ xảy ra ngộ độc khi cà chưa được nấu chín. Để tránh độc, chỉ nên ăn cà tím 2-3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 100-200g bằng cách nấu chín.

Bạn không nên nấu cà tím ở nhiệt độ quá cao bởi ở nhiệt độ quá cao, cà tím sẽ thất thoát nhiều chất dinh dưỡng. Thậm chí, cách chế biến chiên rán có thể làm hao hụt đến 50% lượng vitamin trong cà tím. Ngoài ra, lưu ý là khi ăn bạn không nên bỏ vỏ cà tím bởi vỏ cà có chứa vitamin nhóm B và vitamin C rất có lợi cho sức khỏe.

Những người mắc bệnh dạ dày ăn nhiều cà tím dễ gây ra tiêu chảy nặng. Bên cạnh đó, những người  bị thấp khớp, đau nhức khi trời lạnh không nên ăn nhiều và thường xuyên… Người bị hen suyễn, mắc bệnh thận cũng không nên ăn cà tím bởi cà tím chứa lượng oxalate cao - loại axit có trong thực vật mà nếu ăn quá nhiều dễ gây sỏi thận.

Cà tím và thịt cua đều là thực phẩm tính lạnh. Thường xuyên ăn cùng nhau gây khó chịu cho dạ dày, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến tiêu chảy. Phụ nữ đang mang thai khi ăn cà tím, nên chọn cà tím còn tươi vì cà tím để lâu chứa nhiều solanine có hại cho cơ thể.