Cá chết trắng Hồ Tây do ô nhiễm hữu cơ vượt mức?

ANTD.VN - Ngày 3-10, liên quan tới hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nước trong Hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ quá lớn.

Thủ phạm chính là nước thải sinh hoạt?

Liên quan đến việc lấy mẫu cá và nước Hồ Tây để xét nghiệm, ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Chi cục đã lấy mẫu cá chết và mẫu nước tại Hồ Tây để xét nghiệm, tìm nguyên nhân chính xác khiến cá Hồ Tây bị chết hàng loạt những ngày qua. Theo ông Hoàng Tiến Minh, vài ngày nữa sẽ có kết quả phân tích, khi đó các cơ quan chức năng sẽ công bố nguyên nhân cho người dân biết.

Tiến sỹ Bùi Quang Tề, chuyên gia đầu ngành về thủy sản cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây những ngày qua là do nhiều nguyên nhân gộp lại, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do nước trong Hồ Tây đã bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép.

Lượng cá chết ở Hồ Tây cơ bản đã được thu gom trong ngày 3/10

Theo đó, các nguồn nước thải như nước thải sinh hoạt tại các hộ dân, các khu đô thị lớn ven Hồ Tây, nước thải từ các nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí ven Hồ Tây đổ thẳng vào hồ. “Lượng nước thải hữu cơ đổ vào quá lớn khiến hàm lượng NH3 tăng cao. Việc thiếu ô xy chính là nguyên nhân khiến cá chết. Thông thường, nếu đủ ô xy, amoniac sẽ được oxi hóa thành Nitrit (NO2), nếu đủ ô xy nữa thì từ Nitrit oxi chuyển hóa tiếp thành Nitrat (NO3) thì nước không độc. Cũng có thể xét đến hiện tượng tảo nở hoa nhưng tôi cho rằng, thiếu ô xy để phân hủy các chất hữu cơ là nguyên nhân là chính”, TS. Bùi Quang Tề phân tích.

Một chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý môi trường cũng cho rằng, do nước trong Hồ Tây bị ô nhiễm, cộng với việc thi công mương dẫn nước thải ở Thụy Khuê đã “vô tình” chặn mất đường dẫn nước thải sinh hoạt của các hộ dân, khiến lượng nước thải này chảy ngược về hồ. Cùng với đó, lượng tảo trong hồ những ngày qua phân hủy mạnh đã lấy mất khí ô xy trong nước hồ.

Cá chết không phải do thời tiết

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, có nguyên nhân do thời tiết tác động, TS Bùi Quang Tề cho biết, nguyên nhân thời tiết có thể được loại trừ vì thời gian qua không xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan hay dị thường nào.

Cùng chung quan điểm này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, thời tiết từ đầu năm 2016 đến nay ở miền Bắc (trong đó có Hà Nội) đều có hình thái chung là ít nắng nóng, mưa nhiều liên tục, nhiệt độ trung bình đều ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Còn đối với nắng nóng thì mùa nóng năm 2016 được cho là khát mát mẻ. Đỉnh điểm của nắng nóng trong vòng 10 năm qua là năm 2014-2015, ghi nhận nắng nóng kỷ lục nhưng cũng không ghi nhận hiện tượng gì bất thường ở Hồ Tây.

“Tất cả các tham số về thời tiết mà Trung tâm quan trắc từ đầu năm tới nay đều khá ổn định”, ông Lê Thanh Hải thông tin. Theo đó, lãnh đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, các nhà khoa học và cơ quan chức năng nên trọng tâm nghiên cứu về yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân khiến cá Hồ Tây chết hàng loạt.

TS Bùi Quang Tề cũng cho rằng, số lượng các nhà hàng, khu đô thị lớn và dân cư xung quanh Hồ Tây rất nhiều, hàng ngày xả ra một lượng nước thải khổng lồ đổ vào Hồ Tây, trong khi đó, đến nay vẫn chưa áp dụng biện pháp gì để làm sạch nước hồ này. “Vấn đề ô nhiễm Hồ Tây, xử lý nước thải đổ vào hồ đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chưa làm được. Thành phố Hà Nội phải làm quyết liệt, xử lý nước thải không cho đổ trực tiếp vào Hồ Tây, nếu không sẽ còn tái diễn những đợt cá chết trắng như thế này”, TS Bùi Quang Tề bày tỏ.