Buộc nhưng chưa chặt

(ANTĐ) - Để khẳng định một người nào đó có tội thì phải chứng minh được người đó có đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm. Tiếp đó, tòa án phải ra một bản án và chỉ khi nào bản án có hiệu lực pháp luật thì người đó mới bị coi là có tội. Về lý thuyết thì đơn giản vậy, nhưng quá trình tố tụng không hẳn thế.

Buộc nhưng chưa chặt

(ANTĐ) - Để khẳng định một người nào đó có tội thì phải chứng minh được người đó có đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm. Tiếp đó, tòa án phải ra một bản án và chỉ khi nào bản án có hiệu lực pháp luật thì người đó mới bị coi là có tội. Về lý thuyết thì đơn giản vậy, nhưng quá trình tố tụng không hẳn thế.

Việc buộc tội thuộc thẩm quyền của VKS mà các kiểm sát viên là người thực hành quyền công tố tại tòa. Vì được theo dõi nhiều phiên tòa, thậm chí cả những phiên tòa có đông bị cáo, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và bị truy tố với nhiều tội danh khác nhau, tôi và một số đồng nghiệp có thể thấy rõ một điều, việc buộc tội các bị cáo đôi khi còn thiếu chặt chẽ, chưa thuyết phục.

Nói một cách cụ thể hơn, người thực hành quyền công tố chưa làm rõ được các mặt chủ quan, chủ thể, khách quan, khách thể của tội phạm, mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, thậm chí chưa xác định rõ được khách thể mà tội phạm xâm hại...

Chính vì thế, tại một số phiên tòa, đại diện VKS đã phải thay đổi tội danh đã truy tố, thay đổi khung hình phạt, xác định chưa chuẩn các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung...

Trong một số trường hợp, việc tranh luận giữa luật sư (bên gỡ tội) và kiểm sát viên (bên buộc tội) cũng bộc lộ nhiều điều bất ổn. Kiểm sát viên đối đáp chưa thật thuyết phục trước những yêu cầu của luật sư để bảo vệ cái mà mình cho là đúng hoặc không đối đáp lại mà chỉ trả lời rất chung chung là: Những vấn đề đó đã được sáng tỏ trong lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, trong cáo trạng hoặc trong một tài liệu nào đó.

Tóm lại là chưa thỏa đáng. Tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tòa án nhưng nếu cứ buộc tội theo cách đó thì rõ ràng việc tranh tụng là không ổn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xét xử mà còn là uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Mong rằng những tồn tại trên sớm thay đổi theo chiều hướng tích cực để từ đó có những phán quyết công bằng, nghiêm minh.

Trung Thành