Bơi giữa mùa đông trong lâu đài cổ ở Budapest

ANTD.VN - Trước hôm lên đường, tôi đã gạch toẹt cái khâu tắm nước nóng ở trong lịch trình. Hơn 20 euro cho một vé vào, lại còn phơi mình ra ngoài trời rét run chỉ 8oC trong bộ bikini, với người không biết bơi như tôi thì vé vào cửa 2 euro cũng còn là quá đắt. Nhưng nhìn trên ảnh, Széchenyi Bath trông giống như một tòa lâu đài. Tắm trong lâu đài ư? Tôi sẵn sàng trả gấp đôi giá vé để được tận hưởng cái cảm giác công tước ấy. 

Đến Budapest, Hungary - người có kinh nghiệm nào cũng khuyên phải đi tắm nước nóng. Lúc chúng tôi yêu cầu Trung, một người bạn thổ dân sống 20 năm bên ấy dẫn đi bể bơi nước nóng, cậu hơi ngớ người ra và chúng tôi thì ngớ người vì sự ngạc nhiên của cậu. Cậu bảo tắm táp gì, chỗ đó là dành cho mấy ông già về hưu.

“Ngày trước bố tôi hay tắm ở đó” - cậu bảo thế. “Nhưng mà trên mọi cuốn sách chỉ dẫn du lịch, người ta bảo nếu chưa tắm Széchenyi thì coi như chưa đến Budapest” - chúng tôi cãi lại. Cậu ấy nhún vai coi như miễn bàn, chúng tôi là khách quý, muốn đi đâu thì cậu sẽ đưa đi đấy, chứ không nên bình luận về điểm nào đáng để đi ở Budapest. 

Ở khu tắm nóng trị liệu lớn nhất châu Âu

Chúng tôi xếp hàng mua vé, gửi đồ và thay quần áo trong những cabin đầy nhóc dân Budapest và khách du lịch, rồi chạy ù ra bể bơi. Một cái bể ngoài trời mù mịt hơi nước nằm lọt thỏm giữa công trình kiến trúc Neo-Baroque, giống như bạn đang tắm ở sân giữa một tòa lâu đài.

Lúc từ trong khu thay đồ chui ra, chân giẫm lên mặt đá lát lạnh toát, nghĩ chừng mình dại đi đánh đu với dân xứ lạnh, nhưng khi nhảy xuống bể nước ấm sực mới thấy những bức hình trên mạng chụp một nhóm đàn ông Budapest mặc quần tắm ngồi đánh cờ vua dưới bể bơi giữa trời mùa đông là có lý. 

Nhà văn Di Li

Széchenyi được xây dựng từ năm 1913, là khu tắm nóng trị liệu lớn nhất châu Âu, cũng nhờ thành phố này được xây dựng trên những dòng suối khoáng chảy ngầm trong lòng đất mà nhiệt độ lên tới 77oC. Khi dẫn nước lên bể bơi ngoài trời, nhiệt độ của nó xuống còn 27-38oC. Chúng tôi nhảy xuống và trèo lên, tất cả các bể, trong nhà và ngoài trời. Không thể đếm được Széchenyi có bao nhiêu bể lớn nhỏ (có cái chỉ rộng chục m2), nhưng mỗi bể chúng tôi thử tắm vài phút, phòng sauna cũng chui vào ngồi 3 phút. Tổng cộng cũng mất cả tiếng đồng hồ.

“Tôi chẳng bao giờ quên được người phụ nữ mặc đồ bơi đã chỉ cho tôi cách tìm lại chiếc túi, vì nếu không ai nói cho tôi biết điều đó, tôi cũng sẽ lặng lẽ rời khỏi Széchenyi không một lời oán thán vì chắc bụng rằng với một chiếc túi vô chủ, chỉ cần tơ hơ nửa phút nơi công cộng đã đủ không cánh mà bay. Ấy là điều hết sức bình thường. Còn sự tìm lại được túi của tôi ở nơi đông nghịt như vậy mới thực là sự khác thường”.

Nhà văn Di Li

Lúc đến đây, cậu Trung phải gọi điện về nhà hỏi đường xem có đúng là bể bơi nằm ở khu công viên thành phố hay không. Cậu cũng không nghĩ vé đắt đến thế và khi hai bố con hớn hở lặn ngụp trong cái bể ùng ục nước khoáng, cậu toét miệng nói rằng cả nhà cậu chưa từng vào đây bao giờ. Sao lại thế, vợ chồng cậu đã thành thổ dân Budapest rồi kia mà.

Thôi thì nghĩ ấy cũng là chuyện thường, một người bạn của gia đình tôi sống hơn 20 năm ở Singapore còn chưa vào Sentosa bao giờ và một cậu cháu họ của tôi ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc cũng chưa vào cung điện Gyeongbokgung. Mà mãi đến năm 22 tuổi tôi mới vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám đấy thôi. Thành thử nhiều lần đi nước ngoài, tôi toàn dẫn… thổ dân đi chơi. 

“Tai ương bất ngờ”

Ở hồ bơi Széchenyi cuối cùng đã xảy ra một câu chuyện mà đến chết tôi chẳng quên được. Là sau khi lên bờ và mở tủ đựng đồ trong cabin thay quần áo, tôi tìm thấy đủ thứ quen thuộc của mình, từ chiếc khăn tắm bé xíu, đôi sandal đã mòn gót, hai chai dầu tắm và gội loại du lịch, chai nước suối, quần áo đã thay ra, trừ… chiếc xắc tay. Mà trong xắc tay là toàn bộ của nả của chuyến đi: Hộ chiếu, tiền tệ, thẻ tín dụng và giấy tờ các loại, hai chiếc điện thoại.

Tôi bị sốc, bị choáng, bị tê liệt thần kinh, bị ngay đơ như máy tính đứng hình. Qua phút choáng sốc ban đầu, tôi lờ mờ nhận ra một sự thật kinh hoàng là trước khi xuống bể, tôi đã cẩn thận cho tất cả những đồ đạc của nợ vào trong tủ như của quý, còn thứ đáng quý thì tôi tiện tay để trên nóc tủ. Em gái tôi cũng choáng không kém, nó mở toang tủ đồ của nó để tìm kiếm nhằm mục đích cho tôi tuyệt vọng thêm lần nữa. 

Sau này tôi tự thêm cho mình một triết lý: Trong giây đầu tiên khi đối mặt với cái chết, người đầu tiên mà bạn nghĩ đến là ai thì đó chính là người quan trọng nhất cuộc đời bạn. Và trong số những đồ vật nằm trong chiếc túi bị mất, hình ảnh nào hiện lên đầu tiên trong vỏ não bạn, đích thị ấy là thứ quan trọng nhất.

Trong vòng một phần nghìn giây, cuốn hộ chiếu màu xanh mà ngày thường tôi vẫn chê nó xấu lù lù trồi lên trong đầu, khiến tôi suýt hóa điên, và cú pháp thứ hai hiện ra sau hộ chiếu là Đại sứ quán. Thế này là xong phim rồi, tôi sẽ phải cầu viện Đại sứ quán Việt Nam ở Hungary. Vậy là nghỉ chơi, khỏi phải bay đi đâu. Giờ sẽ là chuỗi ngày lo âu và thấp thỏm mong về được đến nhà. Khu du lịch này dễ có đến cả nghìn người và ai mà bỏ qua được một chiếc túi có nội dung thú vị đến thế. 

Có lẽ nhìn vẻ mặt chuyển màu xanh đỏ vàng tím của tôi, một bà Hungary đẫy đà, phúc hậu quay sang thản nhiên hỏi bằng tiếng Anh, tay vẽ trong không khí một hình chữ nhật:

- Có phải cô đi tìm một chiếc túi màu nâu to bằng ngần này?

- “Yes”… - Tim tôi đang đứng im từ nãy giờ nhảy nhót lên.

- Hãy xuống phòng bảo vệ. Họ đang giữ ở đó.

Người Hungary nào cũng phúc hậu

Tôi chỉ kịp cảm ơn rồi vội lao ra khỏi cabin đầy người và hỏi đường xuống phòng bảo vệ ngay khi bắt gặp một nữ nhân viên mặc đồng phục đang đi ngược chiều.

- Có chuyện gì thế?

- Tôi bỏ quên chiếc túi và người ta chỉ tôi xuống phòng bảo vệ. 

Chị ta đành bỏ dở công việc của mình và quay lại theo hướng tôi đang đi:

- Đi theo tôi.

Cứ như thể tất cả mọi người ở đây đều biết đến chiếc túi của tôi vậy. Ở phòng bảo vệ, một người đàn ông phúc hậu mặc đồng phục (dường như tôi thấy ai ở đất nước này cũng phúc hậu thì phải) lấy ra một tờ khai bảo tôi liệt kê tất cả những gì có trong túi vào đấy.

Thấy tôi có vẻ luống cuống, anh ta liền đưa một tờ giống hệt mà anh ta đã kê khai sẵn rồi bảo tôi chép vào cho nhanh. Vừa chép tôi vừa mắc cười: One Vietnamese Passport, One iPhone, One Nokia, 850 USD, 202 Euro, 200.000… Ở dấu ba chấm, anh ta lúng túng bảo chẳng biết viết cái đơn vị tiền tệ này thế nào, tôi điền nốt “Vietnam Dong”. Tiền để dành để đi taxi từ sân bay về đây mà.

Hai người bảo vệ kiên nhẫn chờ tôi khai xong, ký tên rồi họ cũng ký ở dưới theo cách có người thứ ba làm chứng, hàm ý chúng tôi đã cùng có mặt để bàn giao đầy đủ tài sản bị mất cho khách hàng. 

Tôi chẳng bao giờ quên được người phụ nữ mặc đồ bơi đã chỉ cho tôi cách tìm lại chiếc túi, vì nếu không ai nói cho tôi biết điều đó, tôi cũng sẽ lặng lẽ rời khỏi Széchenyi không một lời oán thán vì chắc bụng rằng với một chiếc túi vô chủ, chỉ cần tơ hơ nửa phút nơi công cộng đã đủ không cánh mà bay. Ấy là điều hết sức bình thường. Còn sự tìm lại được túi của tôi ở nơi đông nghịt như vậy mới thực là sự khác thường.