Bộ Y tế: Tình trạng bán thực phẩm online, hàng "xách tay" rất đáng lo ngại

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 7, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng quảng cáo và bán hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng online diễn biến phức tạp, không đảm bảo chất lượng, khó kiểm soát…

Cảnh báo tình trạng quảng cáo, bán hàng thực phẩm qua mạng diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, các hình thức quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại; lên đơn hàng và giao hàng qua đặt hàng online, chuyển hàng qua bưu điện, thuê người vận chuyển... đang khá phổ biến, gây rất nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm.

Đặc biệt, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về sản phẩm diễn biến phức tạp. Tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng “xách tay” cũng chưa được kiểm soát. Tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm cũng rất phổ biến…

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP, đặc biệt bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP.

Cũng trong báo cáo của Bộ Y tế gửi Quốc hội, cơ quan này cho biết, qua triển khai công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia trong năm 2017 và năm 2018 giúp giảm giá thuốc. Cụ thể, trong năm 2018, nhờ triển khai đàm phán giá đối với các thuốc biệt dược gốc đã tiết kiệm, giảm được 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại).

Theo Bộ Y tế, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia. Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, Bộ sẽ thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Dược năm 2016.