Bó tay với việc bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc?

(ANTĐ) - Luật Khám chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Theo đó, một trong những quy định là bác sỹ không được bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sỹ đông y, lương y). Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, tình trạng bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc vẫn diễn ra hết sức phổ biến và hầu như không được xử lý.

Bó tay với việc bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc?

(ANTĐ) - Luật Khám chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Theo đó, một trong những quy định là bác sỹ không được bán thuốc dưới mọi hình thức (trừ bác sỹ đông y, lương y). Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, tình trạng bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc vẫn diễn ra hết sức phổ biến và hầu như không được xử lý.

Vốn là bác sỹ Trưởng khoa, nên phòng khám của bác sỹ Nguyễn Văn H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhi đến khám. Tuy nhiên điều mà các phụ huynh rất thắc mắc là có đến 99% các cháu bé khi đến khám dù bị viêm họng, viêm tai, viêm phế quản hay viêm phổi... đều được bác sỹ kê kháng sinh Zinnat và bán thuốc luôn tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Hương (phường Dịch Vọng Hậu) chia sẻ: Tôi thường đưa con đến đây khám vì gần nhà. Song tôi không hiểu là 10 lần đến khám thì cả 10 lần cháu đều được kê cùng một loại thuốc kháng sinh. Hỏi các phụ huynh khác cũng nhận được câu trả lời như thế. Khám xong bác sỹ lấy thuốc luôn và thông thường giá thuốc cao hơn bên ngoài khoảng 30%.  

Đối với những cháu bé biếng ăn, gầy còm không còn lạ phòng khám của bác sỹ Lê Thị C trên đường Nguyễn Khuyến. Bởi bác sỹ có thuốc pha “độc nhất vô nhị” với tác dụng bé sẽ ăn ngon miệng, tăng cân mà không phòng khám nào có được. Giá của một lọ thuốc bác sỹ tự pha là 400.000 đồng và cũng “trời” mới biết được trong đó có những thành phần gì.    

Không chỉ bác sỹ H, C mà theo khảo sát của phóng viên, có khá nhiều các phòng khám bác sỹ vừa kê toa vừa bán thuốc. Thậm chí có phòng khám bác sĩ chỉ đưa cho người nhà những viên thuốc và dặn: Sáng 1 viên, chiều 1 viên. Người bệnh không được biết là mình đang uống thuốc gì. Hỏi thì bác sĩ bảo: Chị không cần phải biết, cứ thế mà uống.  

Tình trạng bác sỹ vừa kê toa vừa bán thuốc phổ biến nhất là phòng khám nhi, phụ sản, tim mạch, tiêu hóa... Theo Sở Y tế, Hà Nội hiện có gần 6.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân và đã phân cấp quản lý cho phòng y tế các địa phương.

Tuy nhiên công tác quản lý ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, chưa phát hiện hết vi phạm. Mặc dù Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương thắt chặt công tác thanh, kiểm tra, nếu phát hiện bác sĩ nào vừa kê đơn vừa bán thuốc sẽ xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng, nếu tái phạm số tiền phạt là 5 triệu đồng nhưng trên thực tế vẫn chưa có trường hợp bác sỹ nào bị xử phạt. 

Như vậy việc bác sỹ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc nghiễm nhiên được coi như là chuyện “bình thường” dù trong Luật là cấm. Lãnh đạo ngành có lúc chùn tay vì sợ bác sỹ bỏ việc. Người bệnh vẫn sẽ còn bị “chặt chém”, lòng tin, y đức bị mài mòn và gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe người dân.    

Theo các chuyên gia y tế, để “trị” được bán sỹ bán thuốc cần một tổ chức nghề nghiệp độc lập gồm những người có uy tín, không chịu sự chi phối công tư. Y sỹ đoàn sẽ cấp phép cho nhà thuốc, phòng mạch và thực hiện việc kiểm tra. Nếu phát hiện nhà thuốc, phòng mạch vi phạm quy chế, lần thứ nhất sẽ phạt nặng, lần thứ hai sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề có thời hạn và lần thứ ba sẽ thu hồi giấy phép hành nghề vĩnh viễn. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cũng cho biết Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, thay thế cho Nghị định 45/2005/NĐ-CP với mức xử phạt khá cao cho hành vi bác sỹ bán thuốc và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Nhóm PV Ban Cuối tuần

(Thực hiện)

Lực lượng thanh tra y tế còn mỏng

Nhiều năm trước hiện tượng người hành nghề khám chữa bệnh, vừa kê đơn vừa bán thuốc là có, tồn tại chủ yếu ở các phòng khám chuyên khoa, thậm chí một số phòng khám đa khoa. Sau khi có luật cấm hành vi này Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc thanh, kiểm tra các phòng khám với quan điểm là làm nghiêm túc, kiên quyết xử lý vi phạm. 

Khoảng 3-5 năm trở lại đây, Thanh tra Sở Y tế không bắt được trường hợp người hành nghề khám chữa bệnh nào vừa kê đơn, vừa bán thuốc. Đa số các phòng khám đa khoa sau khi có quy định đều thành lập nhà thuốc và được cấp giấy phép, hoạt động hợp pháp. Có thể cá biệt vẫn có một số phòng khám vi phạm, đặc biệt là các phòng khám chuyên khoa hoặc các phòng khám ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên việc xử lý phải dựa trên hồ sơ trong khi lực lượng thanh kiểm tra còn rất mỏng. Vì vậy đỏi hỏi rất cao ở ý thức tự giác chấp hành của cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời là sự hợp tác của người dân. 13 năm nay, Sở Y tế đã có đường dây nóng 04.37333071 hoạt động 24/24h, mọi người dân phát hiện hành vi vi phạm có thể thông báo để Thanh tra Sở kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Việt Cường,

Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội

Gia tăng tình trạng kháng kháng sinh

Hiện nay các nhà y học rất lo lắng vì thuốc kháng sinh trước đây tỏ ra rất tốt rất hiệu quả trong điều trị thì nay đã bị nhiều loại vi khuẩn đề kháng. Những bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh mà không biết là loại kháng sinh gì sẽ hết sức nguy hiểm. Bởi khi bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nhưng dùng kháng sinh không đúng sẽ không tiêu diệt hẳn được vi trùng gây bệnh. Lúc bệnh nhân nhập viện, các bác sỹ cấy máu, nước tiểu nhưng vẫn không phát hiện ra bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi trùng nào. Lý do là con vi trùng không chết, nó chỉ bị ức chế không hoạt động nhưng sau đó sẽ tập thích nghi và gây nhiễm trùng nặng hơn. 

Tại các bệnh viện đều có những trường hợp bị kháng kháng sinh do dùng thuốc kháng sinh không có toa tại các phòng mạch tư. Khi bệnh nhân rơi vào trường hợp này sẽ phải sử dụng đến kháng sinh đắt tiền, thời gian điều trị kéo dài. Trong trường hợp không còn kháng sinh nào để trị thì bệnh nhân sẽ chết mà không rõ nguyên nhân.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Lượng
Bệnh viện Bạch Mai

Rất muốn cấm nhưng không thể cấm

Hầu hết các phòng mạch tại Lạng Sơn hiện nay đều bán thuốc. Theo Luật Khám chữa bệnh mới, bác sỹ không được vừa kê đơn vừa bán thuốc nhưng thực tế các phòng khám đều lách luật bằng cách thuê dược sỹ đứng tên mở một nhà thuốc trong khuôn viên phòng khám. Chính vì vậy khi thanh tra y tế đi kiểm tra thì các phòng mạch này đều không phạm luật, vì vậy rất khó xử lý.

Thực ra điều này cũng dễ lý giải, lợi nhuận từ việc khám tại các phòng mạch tư nhân không nhiều, lợi nhuận chủ yếu là từ bán thuốc. Bác sỹ mở phòng mạch tư đầu tư số vốn không hề nhỏ, nhưng chi phí mỗi lần khám chỉ khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc bán thuốc lại cao hơn rất nhiều. Chính vì thế, các phòng mạch tìm mọi cách lách luật để thu được lợi nhuận cao hơn từ các phòng mạch tư nhân. Cho nên Nhà nước dù rất muốn cấm nhưng không thể cấm. Để cấm được việc các phòng mạch không vừa kê đơn, vừa bán thuốc, cần phải quy định rõ ràng việc nhà thuốc không cùng địa điểm với phòng mạch, hay khoảng cách bao xa giữa phòng mạch và nhà thuốc. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng, vừa kê đơn vừa bán thuốc.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Trọng,
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Khó quản lý

Bác sỹ thường được các trình dược viên mời bán thuốc và qua mỗi đơn thuốc sẽ có phần trăm hoa hồng. Đó là khoản thu nhập không nhỏ đối với các bác sĩ đông bệnh nhân. Vì lợi nhuận bác sỹ bán thuốc với giá trên trời và không quan tâm đến lợi ích của người bệnh là hành vi sai trái và vô trách nhiệm. Đa số thuốc được lột ra khỏi bao bì nên không ai biết là thuốc gì, còn hạn dùng hay không. Bên cạnh đó nhiều loại thuốc nội và thuốc ngoại khá giống nhau. Bác sỹ bán thuốc nội nhưng giá thuốc ngoại thì cũng chẳng ai biết. Việc bác sỹ bán thuốc còn làm cho Nhà nước thất thu thuế.   

Mặc dù Luật cấm nhưng sẽ khó thực hiện vì trên địa bàn thành phố có hàng nghìn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trong khi lực lượng chức năng kiểm tra thì quá mỏng. Vì vậy tốt nhất người dân khi đi khám bệnh nên yêu cầu bác sỹ kê đơn và tránh mua thuốc tại các phòng mạch.

Chị Nguyễn Thu Minh
Phường Thành Công, quận Ba Đình