"Bộ quy tắc ứng xử… online"

ANTD.VN - Tuần qua, Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gây sự chú ý đặc biệt bởi số lượng người tham gia. 

Bởi, theo thống kê, Việt Nam có hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số với thời lượng trung bình 138 phút mỗi ngày, cao hơn với mức độ trung bình toàn cầu 31%. Tại đây, một trong những vấn đề phải đối mặt trong kỷ nguyên số và cũng là chủ đề được quan tâm nhất khi các chuyên gia đều cho rằng trong môi trường mạng xã hội bị nhiễu bởi những phát ngôn “vẩn đục” với mục đích gây thù ghét thì rất cần có một Bộ quy tắc ứng xử để thanh lọc những phát ngôn kiểu đó. Bộ quy tắc này được xây dựng dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu với 4 nhà cung cấp là: Facebook, Twitter, 

Microsoft và Youtube. Theo đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) sẽ có quy trình xem xét thông báo liên quan đến thông tin thù hận - nói xấu bất hợp pháp. Bất kể khi nào tiếp nhận được “báo cáo” từ người sử dụng mạng xã hội, công ty CNTT sẽ đối chiếu với quy định và phát luật Việt Nam, nếu đúng là thông tin bất hợp pháp sẽ lập tức loại bỏ trong 24 giờ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung, tùy theo mức độ và tính cấp thiết... 

Soi chiếu theo điều kiện mà Liên minh châu Âu đưa ra là những phát ngôn mang tính tiêu cực phải được Facebook, Twitter và Youtube xóa bỏ khỏi mạng xã hội trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo. Thực tế, trên các trang mạng xã hội đều có chức năng “thông báo vi phạm” cho phép người dùng “báo cáo” những nội dung sai sự thật, phỉ báng, kích động, truyền bá bạo lực và thù hận, bình luận bằng những lời lẽ khiếm nhã, nói xấu, bôi nhọ danh dự…, song việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế. 

Tại hội thảo, khảo sát của VPIS công bố, có 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Một tỉ lệ quá cao, tuy nhiên, tất cả đều bất lực… cho qua. Cũng tại đây, rất nhiều những dẫn chứng được nêu ra, đơn cử tại Pháp, một nghị sĩ từng bị xử phạt 3.000 EU vì cho bạn đăng phát ngôn thù ghét trên trang cá nhân của mình.

Một số người dùng mạng xã hội tại Pháp bị xử phạt khi có phát ngôn ủng hộ khủng bố hay kỳ thị sắc tộc. Tại Đức - quốc gia đi đầu trong việc thực thi bộ quy tắc ứng xử này bằng cách hợp tác với Facebook để gỡ bỏ thông tin độc hại. Bất cứ mạng xã hội nào không gỡ bỏ những tin giả, phát ngôn gây thù ghét hay các thông tin bất hợp pháp khác sẽ nhận hình phạt lên tới 50 triệu Euro... 

Trong bối cảnh khung pháp luật của Việt Nam còn nhiều khoảng trống về vấn đề này, việc đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử để thanh lọc những phát ngôn trên mạng xã hội tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng. Đồng thời, những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, giáo dục cũng sẽ được tăng cường. Bởi, trong cộng đồng sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đều mong đợi qua “Bộ quy tắc ứng xử... online” để môi trường mạng không bị “nhiễu”.