Bộ luật Hình sự có hiệu lực, nợ bảo hiểm xã hội sẽ giảm mạnh?

ANTD.VN - Từ ngày 1-1-2018, hành vi gian lận, trốn đóng… bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bị xử lý hình sự. Trong đó, mức cao nhất nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chủ doanh nghiệp có thể lĩnh án tới 7 năm tù. 

Răn đe mạnh mẽ

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 12-2017, tổng số nợ BHXH của các doanh nghiệp là 5.737 tỉ đồng chiếm 3% số kế hoạch thu, giảm 0,8% so với năm 2016. Trước đó, tổng số nợ BHXH đến cuối tháng 10 vẫn ở mức cao, hơn 16.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: “Để có được kết quả trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động nợ đọng từ 3 tháng trở lên, phải đóng đủ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp trước thời điểm 31-12-2017”.

Qua thanh tra, kiểm tra 11.800 đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam phát hiện gần 20.000 lao động chưa được đóng, đóng thiếu BHXH với số tiền truy đóng hơn 60,5 tỉ đồng; 30.772 lao động bị doanh nghiệp đóng không đúng mức BHXH quy định, với số tiền truy đóng gần 28,5 tỉ đồng”.

Cơ quan BHXH đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 356 đơn vị, xử phạt 4,8 tỉ đồng. Trước khi thanh tra, kiểm tra, số tiền doanh nghiệp nợ các loại BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp hơn 1.694 tỉ đồng. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp đã nộp lại gần 720 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, do Bộ Luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, quy định hành vi gian lận, trốn đóng…bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bị xử lý hình sự. Trong đó, mức cao nhất nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chủ doanh nghiệp có thể lĩnh án tới 7 năm tù. Nhờ vậy, con số nợ hơn 16.000 tỷ đồng đã giảm xuống đáng kể.

Không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng

Theo quy định mới, với những doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đều phải truy thu; cố tình chây ì sẽ bị khởi tố. Việc xử lý hình sự để đảm bảo công bằng trong kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho hay: “Bộ luật Hình sự quy định rõ, những trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động sẽ bị xử lý hình sự. Dù vậy, chúng ta vẫn có xử phạt vi phạm hành chính chứ không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng.

Tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ, doanh nghiệp có khó khăn không, vẫn hoạt động bình thường hay cố tình trốn đóng? Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần phải có hướng dẫn thật cụ thể như thế nào là các hành vi “gian lận”, “gian dối” hay “thủ đoạn khác”.

Theo ông Phạm Lương Sơn, những chế tài hình sự về hành vi trốn đóng và gian lận đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp tăng nặng chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng răn đe tích cực. Do đó, BHXH đang đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật để nhiều người biết, nhất là giới chủ sử dụng lao động nắm bắt để thực hiện theo đúng quy luật luật pháp, tránh không bị xử lý hình sự.

Mặc dù vậy, trong năm 2018, BHXH sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xử lý triệt để trong việc khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng lâu dài để tạo tính răn đe mạnh mẽ. BHXH Việt Nam đang phối hợp với tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn; thanh tra, xử phạt doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an và tòa án theo quy định của Bộ luật Hình sự.