Bộ Giáo dục nhắc nhở học sinh không viết vào sách giáo khoa để tránh lãng phí

ANTD.VN - Sau khi rà soát và thừa nhận một số sách giáo khoa có in bài tập và không thể dùng lại, Bộ Giáo dục vừa yêu cầu học sinh không viết vào sách giáo khoa để tránh lãng phí.

Trước đánh giá của dư luận về việc lãng phí SGK khi chỉ sử dụng một lần, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong trường phổ thông

Theo Bộ GDĐT, việc sử dụng lại sách giáo khoa hiện mới đạt 35%, dù đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn, nhắc nhở các em có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ vào sách.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng và tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng nhiều lần, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục ở địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn sách giáo khoa để sử dụng lâu bền.

Ngoài ra, chỉ thị cũng nêu sở GD&ĐT chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, giáo viên vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, khiến học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

SGK tiểu học vẫn có phần bài tập in sẵn để học sinh điền vào ngay trên lớp

Bộ trưởng GD&ĐT cũng yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam rà soát, đánh giá cụ thể về việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành, để có phương án chỉnh sửa bản thảo, nhằm hạn chế việc học sinh ghi vào sách.

Đã in sao lại yêu cầu bỏ?

Trước yêu cầu này, một số phụ huynh, giáo viên thắc mắc, SGK của học sinh là do phụ huynh bỏ tiền ra mua. Việc in sẵn bài tập vào SGK là để tạo thuận tiện cho học sinh học bài thì vì sao lại không cho làm bài tập vào SGK của họ? “Nếu đã không đồng ý viết vào SGK thì không nên in bài tập vào sách. Còn đã in rồi chứng tỏ là cần thiết phải đưa vào SGK thì vì sao lại yêu cầu bỏ qua phần bài tập trong SGK?” - chị Nguyễn Hải Hà, phụ huynh học sinh trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội đặt vấn đề.

Trước thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Thực tế đúng là có việc học sinh làm bài tập, trả lời câu hỏi trực tiếp vào sách giáo khoa. Điều này là để giảm tải cho học sinh phải mang quá nhiều sách vở, trong đó có các sách bài tập đi kèm. Đặc biệt, với học sinh Tiểu học đầu cấp, các em không thể viết quá nhiều nên làm luôn vào sách giáo khoa sẽ giúp các em học thuận tiện hơn” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ.

“Tuy nhiên, để tránh lãng phí và vẫn có thể sử dụng lại được, trường chúng tôi đã hướng dẫn giáo viên, học sinh từ nhiều năm nay chỉ dùng bút chì để viết vào sách giáo khoa thay vì viết bút mực, bút bi. Như vậy, sách giáo khoa sau khi sử dụng vẫn có thể để lại cho các em học tiếp.

Cách làm này cũng được phổ biến cho nhiều trường trong quận để cuối năm học, gia đình nào không có nhu cầu để lại cho con nhỏ hơn sử dụng sách giáo khoa thì sẽ quyên góp trong ngày hội sách giáo khoa, ủng hộ các trường miền núi. Với cách làm này, sách giáo khoa sẽ được sử dụng triệt để, không gây lãng phí như nhiều phụ huynh lo ngại. Tuy nhiên, nếu các trường không quan tâm, quán triệt tới giáo viên, học sinh thì quả thật là sách giáo khoa sẽ không thể sử dụng lại” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai khẳng định.

Được biết, đầu năm học 2018-2019, các trường tiểu học quận Đống Đa, Hà Nội đã huy động được hơn 5.000 cuốn SGK để ủng hộ các học sinh nghèo miền núi thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh sử dụng SGK hiệu quả.