Bộ GD-ĐT cảnh báo vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành học sinh

ANTD.VN - Sau liên tiếp các vụ bạo hành, tát học sinh tại Quảng Bình, Hà Nội, hôm nay, ngày 6/12, Bộ GD-ĐT đã phải yêu cầu triển khai ngay việc quán triệt toàn thể cán bộ, nhà giáo, nhân viên nâng cao đạo đức nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, ở một số địa phương để xảy ra các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. 

Gần đây nhất là vụ một giáo viên ở Quảng Bình phạt học sinh 231 cái tát khiến em này phải nhập viện. Ngày 3/12, một phụ huynh ở Hà Nội cũng phản ánh việc con mình bị cô giáo phạt bằng cách yêu cầu một học sinh khác tát con 50 cái.

Ngành giáo dục gần đây liên tục để xảy ra những vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành học sinh

Trước tình trạng này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục quán triệt đội ngũ cần phải nhận thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Bộ cũng yêu cầu các sở thành lập các đoàn công tác, kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, các quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo. 

Các sở cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý, huy động các lực lượng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.

Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc có biện pháp để thường xuyên nắm bắt thông tin tại các cơ sở giáo dục để chủ động xử lý, giải quyết ngay khi sự việc xảy ra.

Ngoài ra, các sở GD-ĐT phải tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống sư phạm trong bối cảnh hiện nay; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học.