Bình yên

ANTĐ - Sau chiến tranh, hòa bình lập lại trên vương quốc nọ. Để  kỷ niệm ngày chiến thắng, nhà vua treo giải thưởng lớn cho người  nào vẽ được bức tranh đẹp nhất về sự bình yên để treo tại cung điện. Rất nhiều họa sĩ và cả những người yêu thích hội họa đã hào hứng tham gia, hy vọng giành giải thưởng và quan trọng là ai cũng mong muốn tác phẩm của mình được treo tại cung điện hoành tráng. 

Đến ngày hẹn, mọi người nô nức mang tranh vào cung để nhà vua chấm. Nhưng suốt buổi sáng nhà vua không cảm thấy hài lòng với một bức tranh nào cả. Đến cuối buổi chiều, nhà vua đã chọn ra được hai bức tranh mà ông ưng ý nhất. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả, mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ in bóng những  ngọn núi xanh thẫm cao sừng sững bao quanh, bên trên là bầu trời nắng dịu với những đám mây trắng lờ lững trôi. Tất cả những ai ngắm đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo. Bức tranh còn lại cũng vẽ núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá, trên cao là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp nhập nhằng, bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Mọi người xem đều lắc đầu, bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào nhưng ai nấy đều ngạc nhiên tột độ khi nhà vua quyết định chấm bức tranh này đoạt giải. Để cho tiếng ồn ào lắng xuống, nhà vua mới mỉm cười chỉ cho mọi người thấy, đằng sau dòng thác đổ ầm ầm tung bọt trắng xóa có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá, trong bụi cây có một tổ chim, ở đó con chim mẹ đang mớm mồi cho đàn con của mình, an nhiên, tự tại. Mọi người lúc đó mới ồ lên. Nhà vua nói: “Đây mới là sự bình yên thật sự! Sự bình yên không có nghĩa là ở  một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên chính là khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh, an nhiên, tự tại”.