Biến nhà ở thành kho chứa hàng, xảy cháy không còn đường chạy

ANTD.VN - “Việc xảy ra hỏa hoạn với loại hình nhà ở lẫn với cơ sở kinh doanh là điều khó tránh khỏi, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã khuyến cáo, tuyên truyền” - Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cảnh báo.

Lực lượng cứu hỏa chữa cháy cứu nạn tại vụ cháy phố Vọng

Vụ cháy ngôi nhà tại phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng vào ngày 19-7, khiến hai mẹ con tử vong có nguyên nhân từ việc nhà ở lẫn với cơ sở kinh doanh hàng hóa. Ngôi nhà ở, vừa là kho chứa hàng, lại không theo quy cách, nên khi xảy cháy tất cả hàng hóa trong đó biến thành mồi cho lửa.

Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa có mặt nhưng do ban công các tầng trên đều bị bịt bằng lồng sắt, đã gây khó khăn cho việc cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Tương tự, một cửa hàng vừa kinh doanh tạp hóa vừa làm nơi ở tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội đã xảy cháy làm một người tử vong hồi đầu năm 2017. 

Cháy do ý thức chủ quan

Hai vụ cháy nêu trên chỉ là điển hình trong số hàng trăm vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Những vụ cháy thương tâm xảy ra thời gian gần đây chủ yếu do sự chủ quan, thờ ơ với việc đề phòng hỏa hoạn của người dân. Cùng với đó, các quy định về loại hình nhà ở và kinh doanh thông thường chưa cụ thể và cũng chưa có chế tài xử lý. 

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH Bộ Công an cho biết: “Luật PCCC và các văn bản luật có liên quan đã quy định cụ thể về các yêu cầu PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ và chưa phù hợp với các loại hình nhà ở, đặc biệt là nhà ở trong khu dân cư đã cũ và nhà ở kết hợp kinh doanh.

Những khó khăn chủ yếu là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu ở các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác PCCC còn hạn chế. Một số đơn vị chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC và CNCH”.

Bên cạnh đó, việc rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, do phải tuân thủ quy trình, quy định về thủ tục ban hành.

Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC để giải quyết những cơ sở đặc thù như tại Hà Nội, đặc biệt các tuyến phố cổ, làng nghề truyền thống, tàu, thuyền du lịch biển… chưa được quan tâm, chú trọng. Quá trình triển khai thực hiện, do hạn chế về nguồn kinh phí và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, việc tuyên truyền về cháy nổ vẫn chưa được sâu sát, ý thức phòng ngừa cháy nổ của người dân chưa cao.

Thượng tá Bùi Quang Việt cũng chỉ rõ, phương tiện chữa cháy và CNCH rất lạc hậu, nhiều phương tiện sử dụng lâu năm, thường xuyên hỏng hóc, hiệu quả hoạt động kém; trang thiết bị bảo hộ cá nhân, bảo đảm an toàn cho CBCS trực tiếp chữa cháy, CNCH thiếu nghiêm trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo cháy sớm, tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, CNCH còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp nước phục vụ chữa cháy còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, mạng lưới các bể, trụ nước tại đô thị hiện nay còn thiếu, nhiều nơi bị hư hỏng… không đáp ứng được yêu cầu khi tổ chức chữa cháy. 

Nguyên nhân chính do chập điện 

Hai lý do gây khó khăn lớn nhất khi chữa cháy tại khu dân cư là cơ sở hạ tầng giao thông và nguồn nước chữa cháy. Do hệ thống giao thông trong khu dân cư rất phức tạp, đặc biệt là các đô thị, nhiều ngõ ngách, nhỏ hẹp, nhiều tuyến đường người dân tự ý xây các cột bê tông chắn ngang, nên xe chữa cháy không vào được. Đường dây điện chằng chịt, các nhà xây mái che cũng khiến xe chữa cháy khó khăn trong quá trình di chuyển.

Tình trạng tắc đường, ý thức của người tham gia giao thông kém, xe chữa cháy di chuyển đến nơi xảy ra cháy rất khó khăn vì nhiều người không nhường đường. Nguồn nước thiếu, và đặc thù các vụ cháy nhà dân thường xảy ra vào ban đêm, rất khó phát hiện hoặc phát hiện muộn, dẫn đến không chữa cháy kịp thời, là những khó khăn mà lực lượng PCCC gặp phải.

Đại tá Trần Văn Vụ phân tích: “Chiếm tới 60% nguyên nhân chính gây cháy là do đường dây dẫn điện đã sử dụng lâu năm, dưới tác động của mưa nắng, công suất tiêu thụ điện tăng, dẫn đến quá tải gây chập các thiết bị tiêu thụ điện như tủ lạnh, tivi, nồi cơm điện… Các mối nối dây dẫn điện dẫn đến phóng điện, hồ quang điện dẫn đến cháy cũng chiếm 10% nguyên nhân gây cháy. 5% tiếp theo là do sơ suất, bất cẩn khi sử dụng điện. Một số nguyên nhân khác như hút thuốc lá, trẻ em nghịch lửa, sự cố kĩ thuật máy và do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng khô hanh cũng gây cháy”.

Cũng theo đại diện Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, ý thức, nhận thức, trách nhiệm của chủ hộ gia đình và của nhân dân về PCCC vẫn còn hạn chế; không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện. Một nguyên nhân nữa là vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nhất là trong việc sản xuất nhỏ và vừa, các quy định về PCCC chưa thực sự có trách nhiệm, dẫn đến các vụ cháy thương tâm. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện Luật PCCC đến người dân tuy quyết liệt nhưng vẫn ở trong phạm vi nhất định.

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN) cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ do điện gây ra chủ yếu là do người dân chưa tuân thủ các quy định trong xây dựng công trình mới, người dân tự lắp đặt và thiết kế đường điện, không có lực lượng chuyên ngành hướng dẫn. Họ thường sử dụng thiết bị điện không đảm bảo chất lượng, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong quá trình sử dụng không tuân thủ quy định về an toàn chất lượng, không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hàng năm và nhiều người chỉ biết sử dụng từ lúc mua… đến lúc hỏng.