Bí quyết sống thọ của người nhiều tuổi nhất Việt Nam

ANTĐ - “Không rượu, không thuốc lá, không cờ bạc, sống nhân đức, thủy chung biết yêu thương chia sẻ, thường xuyên uống mật ong, lao động chân tay, không ăn kiêng…” là những bí quyết sống lâu của vợ chồng cụ Trương Triêm (104 tuổi), Trần Thị Cháu (106 tuổi) ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị - cặp vợ chồng vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là 1 trong 2 cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay.

Cụ ông Trương Triêm đã 104 tuổi nhưng vẫn sống khỏe mạnh

Bí quyết trường thọ đặc biệt của đôi vợ chồng già

Trước đó, Tổ chức kỷ lục Việt Nam tuy xác lập vợ chồng cụ Cao Viễn (106 tuổi) và cụ Vũ Thị Hai (100 tuổi) tại làng Phượng Lịch (xóm 2, xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) là vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam nhưng không lâu sau đó, tổ chức này phối hợp với Hội người cao tuổi tỉnh Quảng Trị đã phát hiện thêm “cặp vợ chồng” sống thọ nhất có vợ lớn hơn tuổi chồng là cụ Trần Thị Cháu (106 tuổi), cụ Trương Triêm (104 tuổi)  hiện ở thị xã Quảng Trị. Lần tìm theo địa chỉ mà Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố, chúng tôi tìm về phường An Đôn - thị xã Quảng Trị. Người dân cho biết, trước đây hai cụ sống chung với nhau ở KP2, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị nhưng mấy tháng gần đây, do cụ bà bị đau nên các con đã đón về chăm sóc. Cụ bà sống với anh con thứ ba là Trương Ngọc Khôi (60 tuổi) ở khu phố 3, thị xã Quảng Trị. Cụ ông sống với con trai thứ 2 là Trương Ngọc Hiệp (61 tuổi) ở đường Phan Châu Trinh, thị xã Quảng Trị .

Hai cụ sinh được 7 người con (6 trai, 1 gái) và có 21 cháu nội, ngoại cùng 19 chắt, 5 chít. Con cái của các cụ đều đã lớn tuổi, con trai đầu là Trương Ngọc Minh hiện sống với con cháu ở Sài Gòn năm nay cũng đã bước sang tuổi 70. Gặp cụ bà tại nhà con trai thứ ba là anh Trương Ngọc Khôi, chị Bùi Thị Em vợ anh Khôi cho biết “Gần đây cụ mới đau không đi lại được, phải cần tới con cháu chăm sóc, chứ trước đây cụ khỏe mạnh lắm, đi lại sinh hoạt bình thường và ăn uống rất điều độ. Giờ tuy nằm một chỗ nhưng trí nhớ cụ còn minh mẫn lắm, 106 tuổi rồi mà tai cụ còn rất thính, ai nói chuyện gì ngoài nhà cụ đều nghe hết cả”. Trò chuyện với cụ bà, cụ kể “Ngày xưa lấy cụ ông do cha mẹ cưới gả chứ trước đó chưa có biết mặt nhau, về sống với nhau cũng thành quen, ngày ông đi làm đồng, cày ruộng, thả bỏ, bắt lươn, còn cụ thì đi chợ buôn bán nhỏ kiếm tiền, kiếm gạo nuôi cả nhà. Ngày xưa đói khổ là vậy mà sinh 7 đứa con, đứa nào cũng khỏe mạnh, cao to hết”. 

Cụ ông đang ngồi ở chiếc ghế trên thềm nhà, trông da dẻ cụ ông còn hồng hào, vẫn còn đi lại và chuyện trò minh mẫn lắm. Ngỏ ý muốn tìm hiểu bí quyết sống thọ và hạnh phúc của hai cụ, cụ cười: Trừ rượu, thuốc lá là từ nhỏ đến giờ cụ không chạm tới, hễ ai có mời thì cụ nói: “cho tau chén mật ong uống thay còn được”. Ngày trước còn trẻ đi chăn bò trên rừng, rừng có nhiều tổ ong nên cụ thường đốt tổ lấy mật ong uống nhiều, nay dù tuổi đã cao nhưng biết cụ hay uống mật ong nên trong nhà lúc nào cũng có chai mật ong để sẵn cho cụ khi cụ cần đều có.

Hạnh phúc đặc biệt tới bách niên

Kể về thời trai trẻ của mình, cụ Trương Triêm cảm thấy vui và tự hào. Cuộc sống của 2 cụ gắn với ruộng vườn bằng công việc đồng áng, cày cấy quanh năm, nhưng thế mà vui và hạnh phúc, thời gian rảnh rỗi cụ thường chăn bò và thả trúm lươn. Vợ chồng sống với nhau đã ngót nghét 80 năm nhưng chưa cãi vã lần nào. Có miếng ngon còn nhường cho nhau, việc nặng việc nhẹ đều chia sẻ nhau cùng làm, cùng chung sức nuôi dạy con cái và chăm lo cho gia đình. Cụ bảo hạnh phúc không ở đâu xa mà ở ngay trong chúng ta, sống phải lấy nhân đức làm đầu, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương lẫn nhau, vợ chồng thì phải chung thủy và san sẻ cho nhau mọi điều, có như thế mới giữ được hạnh phúc bền lâu. Cụ thường dạy bảo con cháu rằng chẳng có ai giàu vì cờ bạc, rượu chè. Thế nên cụ căn dặn các con phải tránh xa những thứ đó. Con cháu của cụ bây giờ đều thành đạt, người sống ở quê, người vào ở Sài Gòn, người ra ở Nghệ An, đứa sang tận Hàn Quốc, cháu chắt thì đứa làm giáo viên, làm Nhà nước, hay dự án đều có cả nhưng dù ở đâu, hễ vào lễ tết hay có dịp giỗ chạp thì đều thu xếp công việc để về quê sum vầy với gia đình. Ngồi cạnh đó, người con dâu Nguyễn Thị Liên Phương còn khoe, bây giờ cụ còn khỏe lắm, bún cụ có thể ăn hết 2 tô, đến bữa ăn cụ không bỏ bữa nào, tuy bây giờ tuổi già ngủ ít nhưng ăn uống cụ còn đều đặn lắm. 

Mới đây, con cháu làm ăn ở khắp nơi đã tụ hội về để tổ chức mừng thọ cho hai cụ, hôm đó con trai trưởng ở Sài Gòn đã 70 tuổi rồi, ngã gãy chân không về được, cụ còn gọi điện vô dặn: “Lớn tuổi rồi đi từ từ kẻo ngã nghe con!”, câu nói đó khiến người con cảm động rơi nước mắt. Thế mới thấy, “con dù lớn vẫn là con của cha mẹ, đi suốt cuộc đời cha mẹ vẫn theo con”. Bây giờ, dù đã qua cái tuổi bách niên được vài năm, nhưng hai cụ vẫn sống với nhau rất tình cảm, nhìn hai cụ ngồi bên nhau nắm tay như thời còn son trẻ khiến nhiều người chứng kiến đều rất vui mừng. Cuộc đời này mấy người hạnh phúc được như hai cụ, chỉ bởi hai cụ biết giữ gìn mà thôi.