Bị lộ thông tin người dùng: Khách hàng cần làm gì?

ANTD.VN - Năm 2018 chứng kiến hàng hoạt vụ lộ thông tin người dùng, khách hàng nghiêm trọng. Mới nhất, thông tin được cho là của khách hàng một số doanh nghiệp lớn bị tiết lộ trên một diễn đàn mạng. Nếu là nạn nhân của các vụ việc này, khách hàng và người sử dụng nên làm gì?

Khi Internet càng ngày càng phổ biến cùng các ứng dụng của nó, việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng càng ngày càng trở nên phức tạp. Trong năm 2018, hàng hoạt vụ bê bối liên quan đến việc để lộ dữ liệu người dùng, thông tin khách hàng xảy ra, không chỉ tại các công ty, doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả các mạng xã hội lớn.

Cuối tháng 3-2018, Facebook đối diện với vụ bê bối liên quan đến việc để lộ thông tin người dùng. Theo đó, dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dụng mạng xã hội này bị công ty Cambridge Analytica tiếp cận và sử dụng trái phép.

Tiếp theo Facebook, đầu tháng 10-2018, Google đóng cửa mạng xã hội Google + vì để lộ thông tin người dùng trong giai đoạn 2015-2018.

Tại Việt Nam, cùng thời điểm, ngày 13-10-2018, website Ngân hàng Hợp tác xã bị tấn công mạng, tin tặc tuyên bố lấy được dữ liệu của 275.000 khách hàng và đòi tiền chuộc 100.000 USD. 

Trong vòng 2 tuần đầu tháng 11-2018, tin tặc tiết lộ thông tin thẻ được cho là của khách hàng Thế giới di động trên một diễn đàn mạng. Cũng tại diễn đàn này, vài ngày sau, dữ liệu nhân viên được cho là của chuỗi bán lẻ Con Cưng bị tung ra. Khi các vụ việc này chưa hết nóng, tin tặc lại tiếp tục công khai một số dữ liệu và tuyên bố chúng thuộc về các khách hàng của FPT Shop.

Sau Thế giới di động, Con Cưng, đến lượt FPT Shop vào tầm ngắm của tin tặc

Mặc dù chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào từ các đơn vị trên nhưng rõ ràng, việc dữ liệu cá nhân mà khách hàng cung cấp cho các các công ty, doanh nghiệp có thể bị lộ ra ngoài trở thành mối nguy nhãn tiền.

Là nạn nhân, khách hàng có thể làm gì?

Theo các chuyên gia, với tốc độ lan truyền như hiện nay, một khi thông tin đã bị lộ thì rất khó khắc phục. Do đó, khi xảy ra sự cố, người dùng cần nhanh chóng vô hiệu hóa các thông tin này để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân mình và những người khác có liên quan.

Các thông tin cá nhân mang tính chất định danh, định vị như địa chỉ gia đình, số điện thoại, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, ngày cấp… có thể được sử dụng để xác nhận người dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, thư điện tử hoặc đặt lại mật khẩu của một dịch vụ trực tuyến nào đó. Tin tặc cũng có thể sử dụng để mạo danh nộp đơn xin vay tiền hoặc thẻ tín dụng.

Thực tế, rất khó khắc phục khi những thông tin dạng này bị lộ. Các khách hàng nên hạn chế tối đa việc đặt mật khẩu hoặc thiết lập các bước xác thực có liên quan đến các thông tin này. Đồng thời, họ cũng nên lưu giữ nhật ký hoạt động tín dụng của mình cẩn thận đề phòng trường hợp tin tặc mạo danh vay tiền hoặc làm thẻ tín dụng.

Đối với các thông tin ngân hàng, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và các thông tin liên quan khác, tội phạm có thể khai thác để thực hiện các giao dịch trực tuyến dựa trên thông tin có trong thẻ.

Khi gặp sự cố lộ thông tin ngân hàng, khách hàng nên cập nhật thông tin để biết các thông tin gì đã bị tiết lộ ra ngoài để, ngay lập tức, yêu cầu ngân hàng hỗ trợ, tránh bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện giao dịch gây thiệt hại.

Sau các vụ tấn công mạng, các khách hàng cũng nên đổi mật khẩu truy nhập vào các dịch vụ trực tuyến liên quan để đảm bảo an toàn.