Bí kíp dạy con ngoan mà không cần đòn roi

ANTD.VN -Nhiều cha mẹ tin rằng "yêu thì cho roi cho vọt", kỉ luật thép sẽ khiến trẻ nghe lời và ngoan ngoãn. Nhưng nhiều bà mẹ trên thế giới cho rằng quát mắng con không đem lại lợi ích gì. Ngay cả với những đứa trẻ ngỗ nghịch nhất, họ cũng có cách để con ngoan ngoãn mà không phải dùng đến đòn roi.


Cách dạy con của cha mẹ Ấn Độ

Cha mẹ Ấn Độ không bao giờ quát mắng hay phạt khi con mắc lỗi. Họ dạy con bằng bí quyết riêng khiến những đứa trẻ ngỗ nghịch nhất cũng nghe lời. Đó là dạy con bằng tình yêu thương, kiểm soát thông tin. Các bậc phụ huynh Ấn Độ kiểm soát nghiêm túc các chương trình tivi, họ chỉ cho phép con xem các chương trình nghệ thuật và giáo dục. Quy tắc bàn ăn: Ở tuổi lên 2, hành vi nghịch ngợm bên bàn ăn của trẻ có thể được tha thứ, nhưng một đứa trẻ 10 tuổi thì không.

Chìa khóa cho việc nuôi dạy con là đặt mối quan hệ dựa trên tình yêu, sự ấm áp và tôn trọng lẫn nhau

Bên cạnh đó, cha mẹ là một tấm gương sáng. Cha mẹ Ấn Độ rất tích cực trong việc định hình thói quen và tính cách tương lai của trẻ. Đó là lí do tại sao họ luôn dạy con bằng cách thực hiện hành động như một tấm gương sáng, chứ không chỉ dạy dỗ bằng lời nói. Trẻ em Ấn Độ được dạy về tinh thần và sự khoan dung ở trường. Trường học dạy trẻ cách nói lên suy nghĩ của bản thân và thảo luận với người khác. Họ dạy trẻ yoga, rèn luyện trí nhớ và nụ cười. Những bài học có hệ thống sẽ kích thích và giúp trẻ phát huy tiềm năng riêng.

Dạy trẻ vượt lên chính mình. Nhiệm vụ chính của mọi trẻ em Ấn Độ là trở nên tốt hơn bản thân mình mỗi ngày, chứ không phải trở thành người giỏi nhất. Việc xếp hạng học sinh ở đây được cho là không cần thiết. Hàng tháng, những học sinh vượt lên bản thân mình tốt nhất được tuyên dương.

Không đòn roi, không nước mắt, sự yêu thương, bao dung và kiên nhẫn là điểm mấu chốt trong phương pháp giáo dục trẻ em Ấn Độ mà bậc phụ huynh nào cũng nên áp dụng.

Trừng phạt trẻ là phản tác dụng, bố mẹ sẽ không nhận được những hành vi tích cực mà mình mong muốn

Phương pháp Kazdin

Bác sĩ Kazdin là giám đốc của Trung tâm Nuôi dạy con Yale của Đại học Yale và một người đi đầu nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý trẻ em. Cốt lõi của phương pháp nuôi dạy con của Kazdin là đơn giản chỉ là dạy trẻ hành xử một cách phù hợp - không phải bằng cách giải thích hay nói cho trẻ hiểu, mà bằng sự khích lệ những hành vi phù hợp hơn.

Cùng với sự khích lệ đó, ông cũng khuyên cha mẹ nên công nhận và khen ngợi những hành vi tốt của trẻ theo một cách chủ động và tích cực. Ngay cả với những đứa trẻ cực kỳ hư hỏng hay tức giận, bác sĩ Kazdin cũng cho rằng trừng phạt trẻ là phản tác dụng, bố mẹ sẽ không nhận được những hành vi tích cực mà mình mong muốn ở con.

Phương pháp hòa bình

Theo bác sĩ Laura Markham - nhà tâm lý học lâm sàng ĐH Columbia, khi đối diện với một đứa trẻ đang hành xử không ngoan, bố mẹ nên trước tiên phản ứng bằng cách đến gần với con, kết nối và cố gắng hiểu vấn đề từ góc độ của đứa trẻ, và nói lại với con để thể hiện sự thấu hiểu con.

Điều đó không có nghĩa là phải đồng ý với những điều tiêu cực của con, mà là để trẻ thấy rằng bạn công nhận và hiểu những điều đó, dù chúng không phải điều tốt. Kỷ luật tạo ra một cuộc tranh giành quyền lực giữa bố mẹ và trẻ, dựa trên nỗ lực bắt con phải phục tùng theo ý muốn của mình của các bậc phụ huynh. Cuộc tranh giành này sẽ dẫn đến sự giận dữ, thất vọng và những cảm xúc tiêu cực cho cả hai bên.

Chìa khóa cho việc nuôi dạy con, theo bác sĩ, là đặt mối quan hệ dựa trên tình yêu, sự ấm áp và tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải là những quyền lực mà bố mẹ bắt buộc con phải tuân theo. Nhưng, để sự ấm áp và tình yêu được truyền tải, bố mẹ phải luôn hiện diện và đồng cảm với trẻ, hay nói cách khác, là luôn tạo ra không khí hòa bình.

Phương pháp tích cực

Đây là phương pháp được phát triển dựa trên lĩnh vực tâm lý tích cực, trên ý tưởng nuôi dưỡng tài năng, những điểm mạnh và những khả năng để giúp một ai đó trở thành một người tốt hơn thay vì việc cứ cố gắng sửa chữa những khiếm khuyết của họ.

Theo đó, bố mẹ nên giúp con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và đưa ra những lựa chọn phù hợp, thay vì đòi hỏi sự nghe lời của con. Phương pháp này hầu như liên quan đến việc bố mẹ phải đóng vai trò như những tấm gương của những hành vi tốt cho trẻ noi theo. Một phụ huynh hay quát mắng, làm tổn thương hay trừng phạt cũng sẽ nuôi dạy những đứa con cư xử giống hệt như vậy. Hãy chỉ nuôi dạy con theo cách mà bạn muốn được nuôi dạy.