Bi kịch của sản phụ Ấn Độ 15 tiếng đi khắp 8 bệnh viện mà không nơi nào nhận

ANTD.VN - Neelam Kumari Gautam thức dậy lúc 5h sáng hôm 5-6 với những cơn đau chuyển dạ. Nhưng sản phụ ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã phải tìm tới 8 bệnh viện khác nhau trong 15 tiếng đồng hồ giữa trời nắng nóng mới có nơi tiếp nhận. Điều đó cho thấy, dịch Covid-19 đang tàn phá hệ thống y tế ở đây như thế nào.

Thấy vợ đau đẻ, Bijendra Singh, chồng của Gautam đưa vợ vào sau chiếc xe 3 bánh rồi đưa đến bệnh viện. Nhưng cứ từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, Gautam đau đến mức gần như không thở được nữa nhưng không nơi nào chịu nhận. “Tại sao các bác sĩ không nhận? Có vấn đề gì vậy? Em chết mất”, cô hỏi chồng mình hết lần này đến lần khác.

Bi kịch của sản phụ Ấn Độ 15 tiếng đi khắp 8 bệnh viện mà không nơi nào nhận ảnh 1Bệnh nhân có triệu chứng sốt và ho chờ khám tại một bệnh viện ở New Delhi vào tháng 3-2020

Từ sốc đến… hoang mang 

Trước kia, khi mọi thứ đang yên ổn, Bijendra Singh, 31 tuổi và vợ 30 tuổi đã hy vọng mua được một căn hộ ở Noida, một đô thị vệ tinh của New Delhi có những tòa nhà cao bằng kính, nhiều trung tâm thương mại và bệnh viện. Gautam làm việc cho một dây chuyền lắp ráp sản xuất dây điện còn chồng là kỹ thuật viên của một tòa báo. Cả 2 vợ chồng kiếm được khoảng 8.000 USD mỗi năm, có thể xếp vào tầng lớp trung lưu đang lên của Ấn Độ. Con đầu của họ đã 6 tuổi và đây là lần thứ hai Gautam sinh con.

Bệnh viện đầu tiên mà vợ chồng Gautam tìm tới khi cô chuyển dạ là Bệnh viện kiểu mẫu ESIC, một bệnh viện công lớn ở Noida. Điều đầu tiên bác sĩ nói với họ: “Tôi sẽ tát các người nếu tháo khẩu trang ra”. Họ đã bị sốc, nhưng Gautam khó thở nên họ không tranh luận. Cô cầu xin được trợ giúp bình ôxy, nhưng thay vì giúp đỡ, bác sĩ bảo họ đến một bệnh viện công khác ở phía bên kia của Noida. Ở đó, cô cũng bị từ chối. Một bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, do Gautam cần được chăm sóc đặc biệt nên bệnh viện không thể đáp ứng.

Anh Bijendra Singh bắt đầu hoang mang. Đại dịch Covid-19 đang lan tràn, Ấn Độ có số ca nhiễm trong 1 ngày nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ hoặc Brazil nên hệ thống y tế đã quá căng thẳng và có nơi đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Gần đây, nhiều người trong thành phố đã chết trên đường phố hoặc sau xe cứu thương, hay bị từ chối nhập viện.

Ngay cả trước khi có dịch Covid-19, các bệnh viện ở Ấn Độ đã bị quá tải. Chính phủ Ấn Độ chi gần 2.000 rupee (khoảng 26 USD) mỗi người mỗi năm cho ngân sách y tế. Nhà chức trách hy vọng quá trình phong tỏa bắt đầu vào cuối tháng 3 và chủ yếu được gỡ bỏ vào đầu tháng 6 sẽ làm chậm sự lây lan của virus và giúp các thành phố có thời gian mở rộng quy mô bệnh viện trước khi chịu sự tấn công tồi tệ nhất. Nhưng  điều đó đã không xảy ra hoặc các biện pháp không đủ mạnh. Đến giờ, Thủ đô New Delhi vẫn thiếu hàng nghìn giường bệnh, chính quyền trung ương đã biến hàng trăm toa xe lửa làm bệnh viện dã chiến. 

Chính phủ Ấn Độ rõ ràng kêu gọi phải duy trì các dịch vụ khẩn cấp, nhưng những bệnh nhân cần điều trị vẫn cứ bị từ chối, đặc biệt là ở Thủ đô New Delhi. “Hiện tại cơ hội nhập viện cho không chỉ những người mắc Covid-19 mà những người có nhu cầu chữa bệnh đặc biệt khác rất ít hoặc gần như không có”, Đại sứ quán Đức tại New Delhi cảnh báo. Sau khi hình ảnh đăng trên truyền hình Ấn Độ cho thấy xác chết đặt ở hành lang bệnh viện và bệnh nhân khóc lóc cũng không được ngó ngàng tới, một hội đồng xét xử tại Tòa án Tối cao Ấn Độ cho biết “tình hình ở New Delhi thật khủng khiếp và thảm hại”.

Hệ quả của khủng hoảng chồng chất

Trong một cuộc khủng hoảng chồng chéo, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi còn đang phải giải quyết căng thẳng về tranh chấp biên giới lãnh thổ mới nảy sinh. Tuần trước, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng khi đụng độ với binh lính Trung Quốc tại khu vực biên giới trên dãy Himalaya trong cuộc đối đầu nguy hiểm nhất giữa hai cường quốc hạt nhân trong nhiều thập kỷ. Chưa kể, nền kinh tế Ấn Độ suy yếu vì đại dịch Covid-19 đã “thổi bay” hơn 100 triệu việc làm. Mong muốn xoay chuyển nền kinh tế, ông Modi đã từ chối lời khuyên của các chuyên gia y tế về việc phong tỏa trở lại, thay vào đó là yêu cầu Ấn Độ phải nới lỏng hạn chế hơn nữa.

Trong khi đó, việc tiếp nhận các bệnh nhân mới, dù mắc hay không mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Một số bác sĩ cho rằng, các bệnh viện tư nhân rất sợ phải tiếp nhận bệnh nhân mới - đặc biệt là những người có vấn đề về hô hấp - vì họ không muốn mạo hiểm để rồi bị đóng cửa. 

“Chính sách của chính phủ đã tạo ra sự hỗn loạn này”, ông Rajesh Kumar Prajapati, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và cựu giáo sư trường y cho biết. Khi các khiếu nại bắt đầu chồng chất phản ánh việc các bệnh viện từ chối bệnh nhân, Bộ Y tế nước này đã ban hành một chỉ thị nhấn mạnh rằng tất cả các bệnh viện cần tiếp nhận tất cả các bệnh nhân, bất kể là bệnh nhân Covid-19 hay không.

Nhưng rõ ràng không phải ai cũng nghe. Một cậu bé 13 tuổi ở Agra đã chết vì bệnh đau dạ dày hồi tháng 4 sau khi bị 6 bệnh viện quay lưng. Một cậu bé khác ở Punjab, bị tắc nghẽn đường thở nhưng bị 7 bệnh viện từ chối tiếp nhận. Ông Thejesh G. N., một kỹ sư điện tử ở trung tâm công nghệ Bangalore của Ấn Độ đã xây dựng một cơ sở dữ liệu theo dõi các trường hợp tử vong được báo cáo công khai và thấy rằng, ít nhất 63 người đã chết trong những tuần gần đây vì bị cơ sở y tế từ chối chăm sóc. 

Bi kịch của sản phụ Ấn Độ 15 tiếng đi khắp 8 bệnh viện mà không nơi nào nhận ảnh 2Phòng tổ chức tiệc cưới ở Thủ đô Ấn Độ được trưng dụng làm bệnh viện tạm thời dành cho bệnh nhân Covid-19

Cảnh sát cũng không thể can thiệp

Bệnh viện thứ ba mà vợ chồng Gautam tìm đến, Bệnh viện Shivalik, là nơi đã điều trị cho cô vì những rắc rối trước khi sinh. Lần này, các bác sĩ đã cho cô thở ôxy, nhưng họ nói rằng có thể sản phụ đã nhiễm Covid-19 nên nhất định bảo bệnh nhân phải rời đi. “Chúng tôi là một bệnh viện sản nhi, nên chỉ có thể giúp trong khả năng”, Giám đốc bệnh viện, ông Ravi Mohta nói. Hai vợ chồng lại quay xe. Gautam yếu hẳn đi. Cô ngừng nói và bắt đầu toát mồ hôi. Cô bám lấy tay chồng. “Cứ như thể bác sĩ không muốn giúp cô ấy. Họ không quan tâm đến việc cô ấy còn sống hay đã chết”, Singh nói.

Tại bệnh viện thứ tư, một chi nhánh của Fortis, tập đoàn lớn về chăm sóc sức khỏe Ấn Độ, người chồng đã cầu xin máy thở. Và câu trả lời của bác sĩ là: “Cô ấy sẽ chết. Đưa cô ấy đến bất cứ nơi nào anh muốn”. Trong một tuyên bố, bệnh viện cho biết họ không còn chỗ trống vào thời điểm đó. Họ đã thử 3 bệnh viện khác, vội vàng hết lần này đến lần khác. Khi tất cả từ chối, Bijendra Singh đã gọi cảnh sát. Hai nhân viên cảnh sát đã gặp anh tại lối vào của Viện Khoa học Y tế Chính phủ, một bệnh viện công lớn và cố gắng thuyết phục các bác sĩ tiếp nhận sản phụ. Nhưng các bác sĩ cũng không nghe cảnh sát.

Cuối cùng, họ gọi xe cứu thương chạy đến bệnh viện Max siêu đặc biệt ở Ghaziabad, cách đó hơn 40km. Lúc ấy là chiều muộn, trời vẫn sáng, nhiệt độ bên ngoài khoảng 38 độ C. Đã hơn 8 tiếng trôi qua kể từ khi Gautam và chồng rời khỏi nhà, mong sớm mẹ tròn con vuông. Nhưng bệnh viện Max, bệnh viện thứ 8 mà họ tìm đến ngày hôm đó đã cho câu trả lời đau lòng tương tự: không có giường. Gautam mắt nhắm, miệng thì thào: “Hãy cứu tôi”. Singh nói với xe cứu thương vội vã trở lại Viện Khoa học Y tế Chính phủ.

Trên đường đi, Bijendra Singh nắm chặt tay vợ, cầu xin cô đừng bỏ cuộc. Khi họ tới được bệnh viện cuối cùng, vợ anh đã ngừng thở, đầu gục sang một bên. Singh nhảy ra khỏi xe cứu thương, túm lấy xe lăn và điên cuồng đưa cô vào phòng cấp cứu. Vào lúc 8h05 tối hôm đó, sau 8 bệnh viện khác nhau và 15 giờ, sản phụ được tuyên bố là đã chết. Thai nhi cũng không qua khỏi. Một cuộc điều tra sơ bộ của chính phủ cho biết, Ban giám đốc và nhân viên bệnh viện đã phạm lỗi bất cẩn. Vụ án đã bị khởi tố và đang trong thời gian điều tra.

Khi họ tới được bệnh viện cuối cùng, Neelam Kumari Gautam đã ngừng thở, đầu gục sang một bên. Singh nhảy ra khỏi xe cứu thương, túm lấy xe lăn và điên cuồng đưa cô vào phòng cấp cứu. Vào lúc 8h05 tối hôm đó, sau 8 bệnh viện khác nhau và 15 giờ, sản phụ được tuyên bố là đã chết. Thai nhi cũng không qua khỏi. Vụ án đã được khởi tố và đang trong thời gian điều tra.