Bị "khủng bố" điện thoại và cách xử lý

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Thời gian gần đây bạn tôi liên tục nhận những cuộc điện thoại quấy rối, lúc thì nhắn tin, lúc lại gọi điện. Vậy người quấy rối bị xử lý như thế nào thưa luật sư?Nguyễn Văn Hùng (Quận Hà Đông, Hà Nội)

Bị "khủng bố" điện thoại và cách xử lý ảnh 1

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Trước hết bạn có thể khiếu nại doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn tố cáo ra cơ quan công an để yêu cầu giải quyết. Với hành vi này, người quấy rối có thể bị xử lý bởi các biện pháp khác nhau tùy từng mức độ khác nhau.

Về xử lý hành chính: căn cứ điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định:  

“...3. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Về xử lý hình sự: Với mức độ và nội dung nghiêm trọng, có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người quấy rối bạn có thể bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự:

+ Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 - Bộ luật Hình sự như sau: 

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

+ Tội vu khống quy định tại Điều 156 - Bộ luật Hình sự như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.

Bị "khủng bố" điện thoại và cách xử lý ảnh 2Luật sư Đặng Thành Chung (Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh; Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Lưu ý: Mức độ của hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, nghĩa là hành vi nêu trên phải gây ra những ảnh hưởng xấu ở mức độ nhất định đến nhân phẩm, danh dự của người bị hại (theo Điều 155, 156 - BLHS) hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại (theo Điều 156 - BLHS). Tuy nhiên, việc chứng minh mức độ nghiệm trọng hiện nay chỉ mang tính định tính nên gặp nhiều khó khăn để xác định.