Bị kẻ gian rút hàng loạt tiền khỏi ngân hàng sau khi mất thẻ ATM

ANTD.VN - Một phụ nữ ở Hà Đông (Hà Nội) bị mất ví và chỉ một tiếng sau, kẻ gian đã rút hàng loạt tiền khỏi tài khoản ngân hàng của chị.  Nữ bị hại tỏ ra rất bức xúc vì chị đã kịp thời phát hiện hành vi này, song không thể ngăn lại được vì “quá trình báo khóa thẻ khẩn cấp lên tổng đài ngân hàng gặp quá nhiều khó khăn”.
Vừa qua, một phụ nữ ở Hà Đông (Hà Nội) đã bị mất ví và chỉ một tiếng sau, chị bị kẻ gian rút hàng loạt tiền khỏi tài khoản ngân hàng. Nữ bị hại tỏ ra rất bức xúc vì chị đã kịp thời phát hiện hành vi này, song không thể ngăn lại được vì “quá trình báo khóa thẻ khẩn cấp lên tổng đài ngân hàng gặp quá nhiều khó khăn”. PV Báo ANTĐ đã trao đổi trực tiếp với chị để ghi nhận ý kiến cụ thể.
Vừa qua, một phụ nữ ở Hà Đông (Hà Nội) đã bị mất ví và chỉ một tiếng sau, chị bị kẻ gian rút hàng loạt tiền khỏi tài khoản ngân hàng. Nữ bị hại tỏ ra rất bức xúc vì chị đã kịp thời phát hiện hành vi này, song không thể ngăn lại được vì “quá trình báo khóa thẻ khẩn cấp lên tổng đài ngân hàng gặp quá nhiều khó khăn”. PV Báo ANTĐ đã trao đổi trực tiếp với chị để ghi nhận ý kiến cụ thể.

“Nếu được xử lý kịp thời, tôi đã không bị mất nhiều tiền như thế!”

Ngày 21-12, PV Báo ANTĐ đã gặp chị Nguyễn Thúy Nga (SN 1984, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) để trao đổi về sự việc mà chị không may gặp phải. 

Theo lời chia sẻ của chị Nga, vào lúc 17 giờ 30 ngày 18-12, chị bị mất ví khi đang trên đường về nhà. Trong ví có thẻ ATM của ngân hàng Vietcombank, chứng minh thư nhân dân, cùng một số giấy tờ khác của chị Nga. Sau đó khoảng một tiếng, điện thoại của chị xuất hiện tin nhắn báo có người đang kiểm tra và rút tiền từ tài khoản ngân hàng của chị.

“Tôi không nghĩ tới việc kẻ lấy ví của mình có thể nhanh chóng rút tiền như vậy. Sau đó, tôi nghiệm ra rằng có thể vì tôi đặt mật khẩu quá dễ đoán, là ngày tháng năm sinh của mình, và kẻ gian lần ra từ thông tin trên CMND”, chị Nga cho hay.

Chị Nga và chồng chia sẻ sự việc với PV Báo ANTĐ

Điều khiến người phụ nữ này rất bức xúc là sau khi kẻ gian rút tiền 2 lần từ một cây ATM, chị và chồng đã lập tức gọi điện lên đường dây nóng của ngân hàng Vietcombank, song không thể liên lạc được với tổng đài viên.

“Phải tới cuộc gọi thứ 3, tức là sau 14 phút, tôi mới được gặp tổng đài viên của ngân hàng đó. Nhân viên này còn hỏi han lòng vòng mất thời gian rồi mới tiến hành khóa tài khoản ngân hàng cho tôi. Khi ấy, kẻ gian đã rút thành công 7 lần, với tổng số tiền bị lấy là 20 triệu đồng (6 lần rút 3 triệu đồng, 1 lần rút 2 triệu đồng – PV)”, chị Nga bày tỏ.

Theo nữ bị hại trên, trong ví của chị còn có thẻ visa của một ngân hàng khác, song chị đã báo khóa thẻ rất nhanh chóng, “chỉ 5 giây là gặp được tổng đài viên và mất 10 giây tất cả để ngân hàng khóa thẻ visa cho tôi”. Qua đó, chị Nga cho rằng ngân hàng mà chị dùng thẻ ATM đã xử lý quá chậm trễ.

Được biết, trong ngày 20-12, chị Nga đã tới Hội sở chính của ngân hàng Vietcombank gây bức xúc để gửi đơn khiếu nại về việc xử lý đối với trường hợp của chị, gây ra thiệt hại tài sản.

“Tôi muốn ngân hàng cần phải có hệ thống tiếp nhận thông báo khẩn cấp từ khách hàng hiệu quả, nhanh chóng hơn, để tránh việc mất nhiều tiền như trường hợp của tôi”, chị Nga đề xuất.

Chiều 21-12, PV Báo ANTĐ đã liên hệ với Vietcombank, và được hẹn sẽ trả lời về sự việc sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng. Khi có thông tin hồi đáp, Báo ANTĐ sẽ tiếp tục đăng tải.

Chuyên gia ngân hàng: “Khách hàng quả là không may…”

Cũng trong ngày 21-12, PV Báo ANTĐ đã trao đổi về sự việc với một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng (vị chuyên gia đề nghị ẩn danh), để có những ý kiến khách quan, đa chiều.

Theo chuyên gia này, hệ thống khiếu nại khẩn cấp của ngân hàng bị cho là khó liên lạc không phải là lỗi, mà phụ thuộc quy trình tiếp nhận, có thể ngân hàng này phức tạp hơn ngân hàng khác. Ngoài ra, có thể khách hàng gọi đúng vào thời điểm có quá nhiều cuộc gọi chứ không hẳn lúc nào cũng khó liên lạc như vậy.

“Trong sự việc vừa qua, theo quan điểm của tôi thì ngân hàng không thể hỗ trợ được gì cho khách hàng, vì đã luôn khuyến cáo khách sử dụng những mật khẩu khó đoán biết, không nên dùng mật khẩu là ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số nhà… Đã từng có những trường hợp thẻ tiền bị con cái, người giúp việc hay bạn bè rút mà khách hàng không hề biết gì”, vị chuyên gia bày tỏ.

Thẻ ATM và mật khẩu truy cập là 2 "chìa khóa" của tài khoản ngân hàng. Nếu đặt mật khẩu quá dễ đoán, những "chìa khóa" này sẽ mất tác dụng

Qua sự việc nói trên, chuyên gia này cũng cho rằng, ngân hàng nên xem xét xử lý trong những trường hợp trình báo khẩn cấp thì nên rút gọn thủ tục, và nếu có thể thì tạo cơ chế cho khách hàng tự khóa thẻ bằng cú pháp tin nhắn hay trên iBanking.

“Nếu làm được như vậy thì hiệu quả sẽ rất cao và kịp thời. Tôi cho rằng nữ khách hàng quả là không may, vì có mật khẩu quá dễ đoán và lại rơi vào thời điểm khó liên lạc với tổng đài viên. Lời khuyên của tôi là mọi người không nên dùng mật khẩu dễ đoán để sử dụng cho thẻ ATM, tài khoản iBanking hay những tài khoản quan trọng khác”, chuyên gia ngân hàng chia sẻ.