Bệnh tâm phế mạn

(ANTĐ) - Tâm phế mạn là trường hợp phì đại tâm thất phải thứ phát do tăng áp lực động mạch phổi, gây nên bởi những bệnh làm tổn thương các chức năng hoặc cấu trúc của phổi như bệnh: Phế quản - phổi - mạch máu, thần kinh và xương lồng ngực. Trừ những trường hợp tăng áp lực động mạch phổi do bệnh tim trái (hẹp 2 lá) hoặc tim bẩm sinh.

Bệnh tâm phế mạn

(ANTĐ) - Tâm phế mạn là trường hợp phì đại tâm thất phải thứ phát do tăng áp lực động mạch phổi, gây nên bởi những bệnh làm tổn thương các chức năng hoặc cấu trúc của phổi như bệnh: Phế quản - phổi - mạch máu, thần kinh và xương lồng ngực. Trừ những trường hợp tăng áp lực động mạch phổi do bệnh tim trái (hẹp 2 lá) hoặc tim bẩm sinh.

Bệnh tâm phế mạn là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Bệnh tâm phế mạn là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Bệnh thường gặp ở người già, tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ, theo thống kê tử vong do tâm phế mạn chiếm 8,4% trong tổng số tử vong vì bệnh tim mạch và chiếm 7% bệnh phổi ở Việt Nam.

Về triệu chứng lâm sàng của bệnh tâm phế mạn thường có 2 giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Ho nhiều, khạc đờm màu vàng, có khi ra mủ. Có cơ khó thở giống như hen và thể tích thở ra bị giảm. Thỉnh thoảng có những đợt ho kịch phát.

Giai đoạn suy thất phải: Lúc đầu thường khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi làm việc nhẹ, đi bộ hoặc nghỉ ngơi, đau vùng gan, có cảm giác nặng, căng vùng gan, vị trí không cố định. Đau xuất phát từ vùng thượng vị hay hạ sườn phải lan xuống bụng ra sau lưng hoặc lên xương ức. Thường có dấu hiệu báo trước như hồi hộp, đánh trống ngực, đầy bụng, buồn nôn.

Bệnh tâm phế mạn là bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị theo dõi thường xuyên và tích cực.

Y học hiện đại điều trị tâm phế mạn bằng kháng sinh, corticoid, thuốc làm giãn phế quản, ôxy liệu pháp, thuốc lợi niệu và trợ tim.

Bệnh tâm phế mạn đã được y học cổ truyền biết đến từ rất lâu dưới mệnh danh là “đàm ẩm”, “thủy thũng”.

Theo y học cổ truyền, tâm phế mạn có nhiều thể bệnh khác nhau.

a. Thể đàm trọc

Triệu chứng: Ho đàm nhiều, sắc trắng, dính nhớt lẫn bọt, suyễn thở đoản hơi, đoản khí, sợ gió, mệt mỏi vô lực, ăn ít, chất lưỡi hơi nhạt. Rêu trắng nhớt.

Bài thuốc: Hà tô tử 9g, bán hạ 9g, đương quy 9g, cam thảo 6g, tiền hồ 6g, hậu phác 6g, nhục quế 3g, trần bì 6g.

b. Thể đàm nhiệt ngăn phế

Triệu chứng: Ho suyễn tức thở, thở hổn hển, bứt rứt, ngực dầy, đàm vàng, dính đặc; người nóng sợ rét, có mồ hôi không nhiều, tiểu vàng, phân khô, miệng khát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc nhớt, rìa lưỡi đỏ.

Bài thuốc: Khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 10g, bách bộ 10g, cam thảo 10g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, tri mẫu 15g, qua lâu 20g, địa long 12g, cát cánh 10g, mạch môn đông 10g, đan sâm 12g, tử uyển 10g, xích thược 12g.

c. Thể hàn đàm ngăn phế

Triệu chứng: Đàm phần nhiều trắng, loãng có trạng thái bọt, hụt hơi suyễn, ớn lạnh, hơi sốt, miệng khô khát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng trơn nhuận.

Bài thuốc: Ma hoàng 9g, bạch thược 9g, tế tân 3g, can khương 3g, cam thảo 6g, quế chi 6g, bán hạ 9g, ngũ vị tử 3g.

d. Thể đàm che tâm khiếu

Triệu chứng: Tinh thần hoảng hốt, nói sảng, bứt rứt không yên chân tay, lúc tỉnh lúc mê, co giật, suyễn gấp, ho đàm khó khạc, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc vàng nhớt, chất lưỡi đỏ tối hoặc tím nhạc.

Bài thuốc: Bán hạ 8g, đởm tinh 8g, cát hồng 6g, chỉ thực 6g, phục linh 6g, nhân sâm 3g, xương bồ 3g, trúc nhự 2g, cam thảo 2g.

đ. Thể phế thận khí hư

Triệu chứng: Thở nông, khó thở liên tục, nặng bệnh nhân há miệng so vai, không thể nằm thở, ho đàm trắng như bọt, khạc nhổ khó, ngực bí, tinh thần hoảng hốt, mồ hôi nhớt, lưỡi nhạt hoặc nhạt tím tối.

Bài thuốc: Hoàng kỳ 15g, xuyên khung 15g, đan sâm 15g, phục linh 12g, hoàng cầm 12g, trúc nhự 12g, bạch truật 9g, phòng phong 12g, bán hạ 9g, đào nhân 9g, cam thảo 3g.

e. Thể dương hư thủy trang

Triệu chứng: Mặt phù, chân thũng, nặng thì toàn thân thũng, bụng trướng đầy có nước, tim hồi hộp, suyễn ho, đàm trong loãng, ăn kém, tiểu ít, sợ lạnh, mặt môi xanh tím, rêu lưỡi trắng trơn, chất lưỡi tối.

Bài thuốc: Kê huyết đằng 30g, uất kim 18g, hồng hoa 9g, xích thược 15g, đan sâm 15g, phụ phiến 24g, bạch truật 12g, phục linh 30g, sinh khương 9g, quế tâm 9g, trư linh 30g, trạch tả 30g, mộc thông 30g, xa tiền tảo 30g.

Đối với người bị tâm phế mạn, không được làm gắng sức, nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày, không uống rượu, hút thuốc và không ăn mặn.

Các bài thuốc trên ngày uống 1 thang. Cho 750ml nước vào sắc kỹ, lấy 250ml nước thuốc chia uống 3 lần trong ngày.

Lương y Vũ Quốc Trung