Bệnh quai bị - những biến chứng nguy hiểm

ANTD.VN - Đến thời điểm hiện tại, trường Tiểu học Tân Xuân, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã có 25 học sinh mắc bệnh quai bị. Bệnh quai bị là một trong những bệnh lây truyền, có khả năng nhiễm bệnh ở bất kỳ lứa tuổi nào. Thời điểm này là mùa dịch bệnh quai bị, nếu không biết cách điều trị và phòng tránh bệnh rất dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Bệnh quai bị - những biến chứng nguy hiểm ảnh 1Trẻ từ 12 tháng tuổi cần tiêm vaccine quai bị để phòng ngừa bệnh và những biến chứng nguy hiểm

Bệnh xuất hiện bất cứ lứa tuổi nào

Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi.

Bệnh quai bị xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, bệnh thường  mắc ở trẻ em vì đây là đối tượng dễ bị quai bị tấn công nhất. Dịch quai bị thường xảy ra vào mùa lạnh, khi hệ miễn dịch không được khỏe mạnh, đặc biệt là với trẻ em. Chính vì thế khi trẻ tiếp xúc với người có bệnh, nếu không tiêm phòng hoặc chưa từng bị bệnh nguy cơ mắc quai bị là rất cao.

Virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần, nên các nhà nghiên cứu đang nghi ngờ bệnh quai bị có thể lây qua đường phân và nước tiểu. Khi mới nhiễm virus quai bị, bệnh nhân thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai (xuất hiện khoảng 1-2 ngày). Bệnh nhân bị sốt cao (39-40 độ C) trong 3-4 ngày, chảy nước bọt. Một bên má (tuyến mang tai) bắt đầu sưng to, sau 1 hoặc vài ngày lan sang bên kia gây đau khi nuốt nước bọt. 

Thông thường trẻ mắc bệnh quai bị có thể tự điều trị ở nhà, tuy nhiên nếu xảy ra các hiện tượng sưng to bộ phận sinh dục, nhức đầu, ói mửa, sốt cao thì cần nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện. Nếu không điều trị sốt, rất có thể bé sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm buồng trứng, viêm màng não và nguy hiểm nhất là viêm tinh hoàn. Thực tế, trẻ bị viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh do quai bị rất hiếm bởi chỉ khi cả hai bên tinh hoàn teo thì mới không còn khả năng sinh sản, tuy nhiên các bậc cha mẹ vẫn nên cảnh giác. Viêm tinh hoàn do virus quai bị thông thường tấn công vào lứa tuổi đang dậy thì và cả lứa tuổi trưởng thành, trong đó, tỷ lệ viêm tinh hoàn chiếm từ 10-30%. 

Ngoài biến chứng nguy hiểm nhất như trên, một số biến chứng khác là viêm tuyến nước bọt. Một vài bệnh nhân do tuyến nước bọt sưng lên rất to làm cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng khuôn mặt. Viêm màng não là một biến chứng hiếm gặp của bệnh quai bị và có thể đe dọa tính mạng. 

Tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất 

Biện pháp dự phòng có hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh quai bị, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng bệnh quai bị để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bị quai bị mà chưa tiêm vaccine phòng bệnh quai bị thì cần phải tiêm vaccine ngay để tránh nhiễm bệnh.

Lưu ý cần tiêm vaccine phòng quai bị không quá 72h sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị. Người mắc bệnh quai bị cần đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm bệnh. Ngoài ra có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp.

Thực hiện vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng, đặc biệt chú ý với trẻ nhỏ. Thực hiện vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời. Phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng, tổ chức cách ly và điều trị kịp thời.  Không cho bệnh nhân tới trường học, nơi làm việc hay những nơi công cộng trong vòng 7 - 9 ngày kể từ khi phát bệnh.

Bệnh nhân cần được hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang, cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động. Lưu ý là không chỉ định dùng kháng sinh cho mọi thể bệnh quai bị, trừ trường hợp có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn. Có thể tiêm vaccine quai bị cho những người sống tại ổ dịch, đặc biệt là trẻ em và người vị thành niên.