Bệnh nhân xin "về nhà chờ chết" vì lóc động mạch chủ, bác sĩ giành giật sự sống thần kỳ

ANTD.VN - Ca mổ kéo dài tới 8 tiếng đồng hồ, với quyết tâm “còn nước còn tát”, kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thành công trong việc giành giật sự sống cho ông H.V.V. (61 tuổi, ở Hưng Yên), dù trước đó gia đình bệnh nhân đã có lúc xin “về nhà chờ chết”.

Phẫu thuật lồng ngực ở Bệnh viện Việt Đức

Chiều nay, 9-8, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân H.V.V. vào cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch vì bị lóc tách động mạch chủ cấp type A, nguyên nhân do tăng huyết áp không phát hiện dẫn đến đột quỵ.

Trước đó, bệnh nhân V. được hồi tỉnh ở tuyến dưới và nhanh chóng được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương nhưng do tình trạng quá nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà nằm chờ chết. Sau khi được các bác sĩ động viên và với hy vọng “còn nước còn tát”, gia đình đã chuyển bệnh nhân V. đến Bệnh viện Việt Đức.

TS.BS Vũ Ngọc Tú. Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức cho biết, qua thăm khám và chụp phim cho thấy, bệnh nhân V. bị phù phổi nặng, suy thận độ III, tắc động mạch nuôi não bên phải, lóc toàn bộ hệ thống động mạch chủ từ ngực đến bụng.

Bệnh nhân phải đặt máy thở, dùng thuốc trợ tim, mổ cấp cứu khẩn cấp, thay thế toàn bộ cuống tim và các động mạch nuôi não.

Ca phẫu thuật kéo dài tới 8 tiếng đồng hồ, dưới tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ nhiệt độ sâu, tưới máu riêng cho các cơ quan. Đây là những kỹ thuật khó có nguy cơ rối loạn biến chứng nặng sau mổ. Sau ca mổ cực kỳ phức tạp này, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch,  nhịp tim, huyết áp được cải thiện, phổi tiến triển tốt.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức cho biết, lóc tách động mạch chủ cấp type A cấp tính là biến chứng tim mạch rất nặng, đe dọa tính mạng người bệnh, nên đòi hỏi phải được chẩn đoán và phẫu thuật cấp cứu kịp thời ngay tại chỗ.

Theo thống kê trên thế giới nếu không được can thiệp thì bệnh nhân lóc động mạch chủ type A cấp tính sẽ tử vong 25% trong ngày đầu tiên, 50% sau 3 ngày, 80% sau 2 tuần và 90% trong tháng đầu sau khởi bệnh.