Bệnh nhân ùn ùn nhập viện do sốc nhiệt, bệnh viện căng mình xử trí

ANTD.VN - Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm kéo dài gần một tuần nay, các bệnh viện tại Hà Nội không chỉ tiếp nhận nhiều ca bị say nắng, say nóng vào điều trị mà còn có cả những ca rất nặng do dột quỵ dẫn tới đứt mạch máu não…

Cấp cứu nữ bệnh nhân bị đột quỵ, đứt mạch máu não vì nắng nóng ở Hà Nội

Một phụ nữ đứt mạch máu não vì nắng nóng

Trường hợp bị tai biến nặng nhất do nắng nóng ghi nhận được tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội trong tuần qua là bệnh nhân Hà Thị T.H. (59 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nữ bệnh nhân này có tiền sử huyết áp cao hơn 10 năm nay, sáng 2-7 vừa qua phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nôn ra máu, hôn mê.

Theo bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân bị chảy máu não dẫn đến hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu. Cũng theo các bác sĩ, nguyên nhân có thể là do bệnh nhân H. bị đột quỵ vì nắng nóng dẫn tới xuất huyết não và nhồi máu.

Tại Bệnh viện Bạch Mai những ngày qua, số ca đột quỵ vào điều trị gia tăng. Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân đột quỵ.

Bác sĩ Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đột quỵ dễ xảy ra vào những ngày nắng nóng như hiện nay. Nguyên nhân là do cơ thể mất nước, làm tăng độ kết dính trong máu, dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông - nguy cơ gây đột quỵ. 

Ngoài các đối tượng có tiền sử bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp thì trẻ nhỏ là đối tượng đổ bệnh nhiều nhất do nắng nóng đỉnh điểm, kéo dài. Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) gần tuần nay, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 trẻ đến khám. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, lượng bệnh nhi tăng từ 5 đến 7% so với trước.

Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày này, mỗi ngày tiếp nhận trung bình khoảng 3.000 trẻ, có những ngày lên tới 4.500 ca, trong đó có nhiều trẻ bị sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Theo các bác sĩ, nguyên nhân do trẻ ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa phòng điều hoà và nhiệt độ bên ngoài.

Để đối phó với tình trạng nắng nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương đang căng mình triển khai nhiều biện pháp như tăng cường ghế chờ, quạt cho bệnh nhân, tăng số lượng các cây nước lọc R.O (hơn 20 cây) để phục vụ bệnh nhân miễn phí, đặc biệt bệnh viện còn triển khai dịch vụ khám 24 giờ tại nhiều phòng khoa khác nhau…

Triệu chứng và xử trí say nắng, say nóng

Bệnh nhân ùn ùn nhập viện do sốc nhiệt, bệnh viện căng mình xử trí ảnh 2

Các bệnh viện đều tăng cường thêm quạt mát phục vụ người bệnh

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh liên quan tới nắng nóng thường gặp nhất là mất nước do nguyên nhân ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ, chuột rút, suy kiệt vì nóng, say nắng say nóng cần cấp cứu. Tất cả các bệnh này đều có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ.

Bác sĩ Thủy khuyến cáo, trẻ bị mất nước sẽ có các biểu hiện như môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, khóc không có nước mắt, quấy khóc, lờ đờ, mệt mỏi, nặng hơn gây mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, hôn mê… Nếu nghi ngờ bé bị thiếu nước, cần nhanh chóng chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước. Nếu bé không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp y tế.

Với tình trạng kiệt sức do nóng, người bệnh sẽ có các dấu hiệu cảnh báo như: vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; da lạnh và ẩm ướt; mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông.

Theo bác sĩ Thủy, nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng, vì thế khi thấy các biểu hiện bệnh thì cần tìm trợ giúp y tế cho người bệnh nếu tình trạng này không tiến bộ sau một giờ. Các xử trí ban đầu là giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng cách cho uống nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa.

Căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng là say nắng, có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo bác sĩ Thủy, các dấu hiệu cảnh báo của say nắng là thân nhiệt lên cao (trên 39,5 độ C); da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); mạch nhanh, mạnh; đau đầu nhức nhối, chóng mặt, buồn nôn; mê sảng, mất ý thức. Khi thấy người bệnh có những dấu hiệu nêu trên, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ (chuyển trẻ tới khu vực râm mát, dùng khăn ướt hoặc nước mát lau người, quạt mát…)

Với người lớn, nhất là người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bác sĩ Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi thấy 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng (thân nhiệt tăng cao, tim đập nhanh, thở dốc, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi và đau đầu dữ dội) thì người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Cục Y tế dự phòng hướng dẫn cách phòng bệnh mùa nắng nóng

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng. 

Mọi người nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol... Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Bên cạnh đó, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Đồng thời, cần thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.