Bệnh nhân sốt xuất huyết đi khám… lúc nửa đêm để "lách" vào tuyến trung ương

ANTD.VN - Để được nhập viện điều trị sốt xuất huyết (SXH), có bệnh nhân phải “lách” bằng cách đi khám lúc nửa đêm trong khi bác sĩ ngoài khám bệnh còn phải “mỏi miệng” giải thích cho người bệnh.

Bệnh nhân SXH đang tăng đột biến về số lượng ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội

Tình trạng quá tải bệnh nhân SXH đang diễn ra khá trầm trọng tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chỉ trong buổi sáng 9-8, có tới hơn 500 người đến bệnh viện này khám SXH và tất nhiên, bệnh viện không thể cho tất cả nhập viện…

Bức xúc vì không được nhập viện

PGS.TS Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến sáng 9-8, cơ sở 1 của bệnh viện đang có gần 346 bệnh nhân điều trị thì trong đó có tới 242 bệnh nhân SXH Dengue điều trị nội trú (đây đều là những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, phải theo dõi diễn biến bệnh).

Nhiều bệnh nhân truyền nhiễm tại đây đã được chuyển sang cơ sở 2 của bệnh viện ở xã Kim Chung, Đông Anh để dành cơ số giường nội trú tại cơ sở 1 cho điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH. Trong khi đó, lượng bệnh nhân mới đến khám SXH hàng ngày tại đây vẫn đang tăng vọt, khiến tình trạng quá tải trở nên trầm trọng. Trung bình vài tuần gần đây, 80% bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám do bị SXH. 

PGS.TS Hoàng Văn Tuyết cho biết, để hạn chế tình trạng quá tải cũng như tạo những điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân, bệnh viện đã nỗ lực hết sức như mở thêm buồng khám, đơn vị lấy máu xét nghiệm ngay tại đơn nguyên tái khám cho bệnh nhân; dồn bệnh nhân một số khoa để dành giường cho bệnh nhân SXH; thậm chí phải lấy cả hội trường của bệnh viện để kê thêm 20 giường làm chỗ nằm cho bệnh nhân ngoại trú điều trị SXH. Trong suốt 2 tuần qua, bệnh viện đã phải làm cả thứ bảy và chủ nhật, hạn chế giải quyết cho bác sĩ nghỉ phép vào thời gian này, thậm chí có cán bộ y tế bị ngã xe gãy ngón chân cũng vẫn đi làm vì quá thiếu người. 

Đáng chú ý, do lượng bệnh nhân đến khám SXH quá đông, chỉ trường hợp nặng, có dấu hiệu cảnh báo mới được bệnh viện giải quyết cho nhập viện nên liên tục xảy ra tình trạng người bệnh bức xúc, thậm chí to tiếng với nhân viên y tế. Các y bác sĩ ở phòng khám của bệnh viện ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh còn phải liên tục giải thích cho bệnh nhân vì sao trường hợp này được nhập viện, trường hợp kia phải chuyển xuống tuyến dưới hay về điều trị ngoại trú. Dù vậy, nhiều người bệnh vì lo lắng, chỉ muốn được vào điều trị tại bệnh viện Trung ương nên cố tình “lách” bằng cách vào viện khám lúc nửa đêm để các bác sĩ phải cho nhập viện.

90% bệnh nhân của Hà Nội đã khỏi bệnh

Ngày 9-8, đoàn công tác của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế do Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trước tình trạng quá tải tại bệnh viện này, ông Nguyễn Trọng Khoa đề nghị bệnh viện bố trí thêm 50 giường bệnh ở cơ sở 2 để tiếp nhận bệnh nhân SXH; tích cực rà soát, luân chuyển người bệnh, hạn chế để bệnh nhân phải nằm ghép.

Đặc biệt, trong điều kiện thiếu thốn về nhân lực, ông Nguyễn Trọng Khoa gợi ý bệnh viện có thể kiến nghị Đại học Y Hà Nội cử sinh viên, học viên đến hỗ trợ, hay kiến nghị Hội Thầy thuốc trẻ TP Hà Nội hỗ trợ thêm cán bộ lúc cao điểm SXH hiện nay. 

Làm việc với Sở Y tế Hà Nội sau đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề nghị Sở Y tế Hà Nội rà soát các bệnh viện trực thuộc để có thể thu dung và điều trị bệnh nhân SXH, không để tình trạng bệnh nhân bức xúc vì không được nhập viện. Trường hợp cần thiết phải dán nhãn và phân loại bệnh nhân để có theo dõi và xử lý kịp thời. Cùng đó, cần tăng cường điều trị tại nhà cho bệnh nhân và công khai số điện thoại đường dây nóng để người bệnh có thể hỏi và được tư vấn về SXH... 

Theo số liệu cập nhật của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, tính đến hết ngày 9-8, toàn thành phố hiện đã ghi nhận tới 13.274 trường hợp mắc SXH, 5 ca tử vong. Các quận nội thành như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức chiếm 90% số mắc SXH của toàn thành phố.

Hiện tại, 90% bệnh nhân SXH của Hà Nội đã khỏi bệnh, số còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến xã, phường đến thành phố. Ngành y tế và chính quyền các địa phương đã nỗ lực triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh SXH; tập trung điều trị cho các bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do SXH.