Bê bối gian lận thi cử gây "sốc" ở nhiều quốc gia trên thế giới

ANTD.VN - Thời gian qua, vụ việc nhiều học sinh được nâng điểm, gian lận điểm thi đầu vào đại học đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Nhật Bản, Mỹ… tình trạng gian lận điểm như vậy cũng từng bị phanh phui.

Gian lận điểm thi trong nước

Năm 2018, việc gian lận điểm thi nghiêm trọng khiến 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có 347 bài thi bị can thiệp điểm được phát hiện ở Hà Giang, Sơn La và nhiều bài thi ở Hòa Bình được nâng điểm. 

Dư luật đã vô cùng chấn động trước thông tin về số thí sinh và bài thi được nâng điểm. Tổng cộng có 114 thí sinh với 330 bài thi của Hà Giang được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến cao nhất là 8,75 điểm.

Đường dây chạy điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã khiến dư luận chấn động 

Trong số đó, không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thật.

Nhiều bài thi trắc nghiệm ở Sơn La và Hòa Bình có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không khôi phục được bài gốc.

Sự việc trên vẫn đang được cơ quan chức năng điêu tra làm rõ đầy đủ các sai phạm.

Nhật Bản phát hiện 9 trường đại học y khoa 'dìm' điểm thí sinh nữ

Ở những quốc gia phát triển trên thế giới, như Mỹ và Nhật Bản, tình trạng sửa điểm, gian lận thi cử cũng là một vấn nạn mới được phanh phui.

Ngày 2-8-2018, báo Thanh Niên cho biết, tờ The Yomiuri Shimbun đã đăng bài cáo buộc Đại học Y Tokyo ở Nhật Bản suốt nhiều năm dài đã điều chỉnh kết quả thi đầu vào các ứng viên nữ, nhằm khống chế số lượng nữ sinh tại trường.

Theo tờ báo này, chiêu trò trên đã bị phát hiện trong lúc công tố viên đang tiến hành điều tra một vụ bê bối khác, liên quan tới việc trường đại học danh tiếng trong lĩnh vực y khoa Nhật Bản bị tố cáo thu nhận con trai của một quan chức ngành giáo dục vào học dù sinh viên này không đáp ứng đủ điều kiện nhập học tại trường.

Vụ việc trên đã khiến dư luận Nhật Bản ngỡ ngàng. Ngay sau đó, chính phủ nước này đã tiến hành một cuộc điều tra các trường đại học toàn quốc để làm rõ vấn nạn này.

Theo báo Tiền Phong, sau khi tiến hành cuộc điều tra trên cả nước, ngày 14-12-2018, Bộ Giáo dục Nhật Bản thông báo đã phát hiện 9 trường đại học y có hành vi gian lận điểm đối với các thí sinh nữ trong kỳ thi tuyển đầu vào.

Giám đốc điều hành Đại học Y Tokyo Tetsuo Yukioka (trái) cúi gập người xin lỗi tại buổi họp báo 

9 trường đại học này, bao gồm cả Đại học Y Tokyo danh tiếng, Đại học Juntendo, và Đại học Kitasato, đều đã thừa nhận hành vi gian lận và đưa ra lời xin lỗi. Các trường đại học y khác như trường Đại học St Marianma cũng bị nghi ngờ có hành vi gian lận điểm tương tự, song các trường đã bác bỏ cáo buộc này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi công bố kết quả điều tra, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama cho biết vụ việc thật đáng thất vọng đồng thời yêu cầu các trường đại học áp dụng ngay các biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Bộ Giáo dục Nhật Bản thông báo sẽ bắt đầu đề ra các quy định nhằm đảm bảo kỳ thi tuyển sinh đầu vào năm học 2020 và những năm sau đó sẽ diễn ra công bằng và không có sự phân biệt đối xử giới tính.

Đường dây chạy điểm chấn động nước Mỹ

Tháng 3-2019, dư luận Mỹ cũng bị chấn động vì vụ bê bối chạy trường lớn nhất từ trước đến nay tại nước này với hàng chục người bị bắt và truy tố.

Theo báo Thanh Niên, CNN dẫn cáo trạng cho hay có tổng cộng 50 người bị truy tố gồm chủ mưu William Singer, huấn luyện viên thể thao và nhân viên phòng khảo thí - tuyển sinh của nhiều trường đại học danh tiếng cùng 33 phụ huynh. Trong số này có cả diễn viên Hollywood nổi tiếng cùng nhiều doanh nhân giàu có. Những người này đã chi tiền để đưa con em vào những trường hàng đầu nước Mỹ như Đại học Yale, Georgetown và Stanford qua đường xét tuyển điểm đánh giá năng lực SAT và ACT hoặc tuyển theo diện vận động viên năng khiếu.

William Singer - kẻ chủ mưu đứng sau đường dây gian lận thi cử lớn nhất nước Mỹ

William Singer đã điều hành đường dây gian lận này thông qua vỏ bọc là một công ty tư vấn hướng nghiệp và nhiều tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận. Ông ta có mối quan hệ rộng khắp trong giới đại học Mỹ nên dễ dàng sắp xếp lo lót cho khách hàng.

Theo cáo trạng, mỗi bậc cha mẹ chi dao động từ 15.000 - 6 triệu USD cho đường dây của ông Singer thông qua những tổ chức bình phong nói trên. Chẳng hạn, nữ diễn viên được đề cử giải Oscar Felicity Huffman đã chi 15.000 USD còn ngôi sao phim truyền hình Lori Loughlin cùng chồng chuyển 500.000 USD cho Singer.

Tại tòa, Singer khai rằng: “Tôi tạo ra một ‘cửa ngách’ vào đại học cho những gia đình giàu có với tỷ lệ thành công 100%”. Trong giai đoạn 2011 - 2019, đường dây này thu được tổng cộng 25 triệu USD.