Bê bối của Facebook về dữ liệu khách hàng và vai trò của Luật An ninh mạng

ANTD.VN - Facebook đang bị điều tra trước cáo buộc chia sẻ dữ liệu khách hàng với hàng chục công ty công nghệ khác. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã có thỏa thuận với các đối tác gồm Apple, Amazon và Microsoft truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng bao gồm danh sách bạn bè, thông tin liên hệ và thậm chí cả tin nhắn riêng tư... mà chưa được sự đồng ý của người dùng. Tại Việt Nam, với việc thực hiện luật An ninh mạng có thể kiểm soát nguy cơ và giảm thiểu các rủi ro rò rỉ thông tin của người dùng.

Kiểm soát được nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu cá nhân

Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định chỉ những “doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam”.

Như vậy, việc hoạt động trên môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các nguy cơ xâm hại. 

Người dùng bị rò rỉ thông tin cá nhân

Bảo vệ dữ liệu người dùng Việt Nam tốt hơn

Theo hai nguồn tin của New York Times, một bồi thẩm đoàn tại New York (Mỹ) đã gửi trát hầu tòa đến ít nhất hai nhà sản xuất smartphone và thiết bị lớn. Hai công ty tham gia thỏa thuận với Facebook để tiếp cận thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người dùng Facebook. Khoảng 150 hãng, bao gồm Amazon,  Apple, Microsoft và Sony, từng ký thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Facebook. New York Times cho biết thỏa thuận này cho phép các công ty xem bạn bè, thông tin liên hệ và dữ liệu khác của người dùng, đôi khi là không được cho phép.

Bảo vệ dữ liệu người dùng

Hiện có gần 50 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng và doanh nghiệp này đã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đô la mỗi năm từ người dùng tại Việt Nam.

Với hiệu lực của luật An ninh mạng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tại không gian mạng của Việt Nam, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như bị đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bị vu khống, làm nhục, công kích bôi nhọ…

Giảm thiểu các nguy cơ bị định hướng dư luận bởi bên thứ ba

Facebook đang đối mặt với sự giám sát từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Đơn vị chống lừa đảo chứng khoán của Bộ Tư pháp cũng bắt đầu điều tra sau khi có báo cáo công ty Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook trái phép và sử dụng nó để phát triển công cụ giúp cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.

Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và do công tố viên quận phía Bắc California phụ trách.

 Mark Zuckerberg trước phiên điều trần

Bê bối Cambridge Analytica đã đẩy Facebook vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử. Tiếp đến, lại có thông tin Facebook cho nhiều đối tác kinh doanh – trong đó có các nhà sản xuất smartphone, máy tính bảng và thiết bị khác – tiếp cận sâu vào thông tin cá nhân người dùng mà không quan tâm đến cài đặt bảo mật của người dùng ra sao.

Tương tự, công dân Việt Nam có thể khó tránh khỏi nguy cơ bị những thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để thao túng, tác động đến nhận thức và hành động, từ đó có những quan điểm sai lệch, nhầm lẫn với chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước.  

Như vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ các nguồn dữ liệu, người dùng Facebook rất có thể bị tác động và định hướng theo cách mà bên thứ ba muốn.