Bể bơi công cộng: Nguy cơ nhiễm khuẩn từ hồ bơi không đạt chuẩn và cách phòng tránh mầm bệnh

ANTD.VN - Vào những ngày nhiệt độ tăng cao, bể bơi là nơi lí tưởng được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên, đã có rất nhiều trường hợp bị bệnh lây nhiễm, nhiểm bẩn, nhiễm khuẩn khi đi bơi ở bể công cộng không đạt chuẩn về chất lượng. Vì thế, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước vệ sinh, an toàn là vô cùng cần thiết.

Tiêu chuẩn cần đạt ở hồ bơi công cộng 

Theo Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 19-1-2018, quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn, mỗi bể phải có tối thiểu 6 phao cứu sinh, 6 sào cứu hộ, có vạch, biển báo độ sâu.

Phải bảo đảm ít nhất 1 người/1m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1m) hoặc 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1m trở lên). Mỗi người hướng dẫn tập luyện cho không quá 30 người hoặc không quá 20 người đối với trẻ em dưới 10 tuổi trong một buổi tập. Các bể bơi cũng phải bảo đảm quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ…

Đi bơi rất tốt choisức khỏe.

Quy định là vậy, nhưng không phải bể bơi nào cũng thực hiện đúng. Nhu cầu sử dụng hồ bơi tăng lên đáng kể trong những ngày hè cao điểm, người ta thường dễ bỏ qua các quy định. Vì thế, để có những bể bơi an toàn rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, các cơ quan chức năng, cũng như ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn bơi của các chủ đầu tư, bậc phụ huynh khi đưa con đi bơi; và cộng đồng trách nhiệm trong giám sát của xã hội.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, bơi lội có nhiều tác dụng rất tốt lên các cơ quan hô hấp, tim mạch, khớp, cơ, béo phì. Mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 kcal nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đến sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ.

Các em nhỏ cần được bơi trong môi trường nước, bể bơi an toàn.

Theo nghiên cứu đến từ Đại học Alberta (Canada) đã tiến hành khảo sát nước từ 31 bể bơi công cộng và phát hiện nước tiểu ở tất cả các bể bơi. Đặc biệt, bể bơi kích thước bằng một phần ba bể bơi Olympic chứa đến 75 lít còn bể bơi nhỏ hơn có 30 lít nước tiểu.

Màu nước trong tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy bể, có màu xanh vừa phải, không có vẩn đục hay vật thể lạ là bể bơi đạt tiêu chuẩn. Nếu bể có màu xanh bất thường (khác với màu trời) thì cần cảnh giác. Mùi clo gây sốc đặc trưng khiến mọi người cảm thấy khó chịu khi ngửi thấy thì có nghĩa là nước trong bể đã không được xử lý tốt.

Các bệnh thường mắc khi đi bơi và cách phòng tránh hiệu quả

Hồ bơi thường là nơi công cộng, có rất nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tham gia bơi lội. Mặc dù các hồ bơi được khử trùng bằng hóa chất chlorine nhưng nhìn chung vẫn ẩn chứa rất nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.

Nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống. Loại ký sinh trùng này gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạ dày, ruột, đường hô hấp. Do nước bể bơi có rất nhiều vi khuẩn nấm, vi trùng gây bệnh... nếu không vệ sinh sạch sẽ, các vi khuẩn nấm và vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra hiện tượng nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục. Bệnh này nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm: Tiểu ra máu, tiểu buốt, rắt; nam giới viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, phụ nữ là viêm âm hộ, viêm cổ tử cung và viêm phần phụ.

Để ngăn lây lan các mầm bệnh tại bể bơi, bạn cần tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng. Tắm rửa sạch sẽ trước khi bơi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Không nên đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy, vì như thế dễ truyền bệnh cho người khác.

Bể bơi đông người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhất là trẻ nhỏ. Ảnh: CurbedLA

Khi bơi, da của người bơi có thể bị kích ứng do thuốc sát trùng chlorine trong nước. Khi kết hợp với mồ hôi và các chất tiết của người bơi trong nước sẽ sinh ra chất phức hợp có mùi khó chịu, gây kích ứng da, gây ngứa mắt, đỏ mắt… Chất này bay hơi lên khỏi mặt nước sẽ gây kích ứng hô hấp: ho, hắt hơi, thở khò khè, có thể kích thích cơn hen phế quản.

Nhiều hồ bơi công cộng có tần suất hoạt động cao, mở cửa tất cả các ngày,khả năng các loại vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong nước gây nhiễm bệnh cho người đi bơi là rất cao. Các mầm bệnh có thể gặp là: Vi khuẩn đường ruột E. Coli, ký sinh trùng Cryptosporidium sp, ký sinh trùng Giardia lamblia, và các mầm bệnh khác từ thú cưng như chó, mèo…

Để đảm bảo vệ sinh nên chọn hồ có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24. Các chất xử lý làm sạch nước hồ cũng được liên tục điều tiết qua hệ thống tự động này. Cần trang bị kính bơi để bảo vệ các vùng nhạy cảm trên cơ thể, nhất là đôi mắt, tránh ảnh hưởng xấu và các bệnh tật gây hại.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, người bơi có nguy cơ mắc phải một số bệnh về mắt, da, nhất là bệnh liên quan đến tai, mũi, họng, như: Viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai...

Khi bơi nên trang bị đầy đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau bơi, nên tắm lại bằng nước sạch, xà phòng và nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Người mắc các bệnh ngoài da, tiêu hóa (tả, lỵ, thương hàn...), bị hen phế quản, viêm xoang, huyết áp, tim mạch... thì không nên đi bơi.

Ngày nắng nóng, bể bơi Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

Tắm gội ngay sau khi đi bơi là điều nên làm khi đi bơi ở bể bơi công cộng. Người có bệnh tiêu chảy, bệnh ghẻ ngứa, không nên đi bơi để tránh lây lan cho người khác. Bịt tai bằng nút cao su khi bơi để tránh viêm tai ngoài và tai giữa. Không uống nước hồ bơi khi đang bơi để tránh nuốt mầm bệnh vào miệng và tiểu tiện khi đang bơi hay mang theo thú cưng xuống hồ bơi.

Do vậy, nên chọn hồ bơi ít người, đảm bảo an toàn và đạt chuẩn để tránh lây nhiễm bệnh từ hồ bơi, nhất là phải tắm xà phòng kỹ trước và sau khi bơi để tránh lây mầm bệnh xuống hồ bơi và nhiễm bẩn từ hồ bơi công cộng.