Bát nháo bến bãi vật liệu xây dựng tại Hà Nội (2): Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm

ANTD.VN - Đã và đang tồn tại những tuyến, điểm “nóng” về hoạt động của các bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD, gây bức xúc dư luận bởi thực trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Song rất lạ, những phường, xã, quận, huyện mà chúng tôi tiếp xúc để tìm hiểu vấn đề, lại tỏ ra không thiết tha.

Mấu chốt của vấn đề lúc này là cần bám sát và thực hiện nghiêm Quyết định số 711 ngày 1-2-2013 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030. 

Bát nháo bến bãi vật liệu xây dựng tại Hà Nội (2): Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm ảnh 1Đa số hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD đều có vi phạm

Dân than khổ, chính quyền kêu khó

Gánh hệ lụy nối dài của các bến bãi tập kết, kinh doanh VLXD có lẽ là các hộ dân dọc tuyến đê sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, thuộc địa bàn các phường Thượng Cát, Liên Mạc, Đông Ngạc, Thụy Phương... Trong những ngày đầu tháng 5, ghi nhận của phóng viên  ANTĐ tại một số vị trí như: cửa khẩu Km54+ 245 (thuộc địa bàn phường Thụy Phương), cửa khẩu Bến Bạc (thuộc địa bàn phường Liên Mạc), nhiều xe tải cỡ lớn ra, vào bụi bay mù mịt. 

Chị Nguyễn Thị Hà, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho biết, ngày nào chị cũng đi làm qua tuyến đê này, dù có khẩu trang cẩn thận nhưng bụi vẫn bám đen sì. Thời gian gần đây, xe chở cát, sỏi đỡ hơn nhiều so với 1-2 năm trước nhưng thực sự vẫn còn hoạt động nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, những xe chở VLXD hoạt động không kể ngày hay đêm. 

Ông Nguyễn Hữu Bân, cán bộ địa chính phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn có 9 xã viên của hợp tác xã thuộc phường trước đây tham gia kinh doanh và hoạt động bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD và 1 doanh nghiệp tư nhân cũng xuất thân là xã viên của hợp tác xã này.

Tuy nhiên, về thủ tục pháp lý để được hoạt động bến bãi theo pháp luật thì đều… không đầy đủ, trong quá trình hoạt động có nhiều vi phạm. Biết là thế nhưng việc xử lý vi phạm rất khó khăn vì nhiều khi không thuộc thẩm quyền của phường (?!). Do vậy, phường kiến nghị UBND thành phố sớm đưa các cơ sở này vào một điểm quy hoạch, theo Quyết định 711 của thành phố. 

Cùng quan điểm nói trên, bà Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương thông tin, trên địa bàn phường có 7 hộ cùng đứng ra làm bãi tập kết, trung chuyển VLXD và Công ty CP VLXD Hà Nội được thành phố cấp phép hoạt động trên diện tích 0,8ha. Tuy phường là cơ quan trực tiếp quản lý về mặt hành chính nhưng thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm thì lại không có.

Khi có đoàn thanh tra, kiểm tra về làm việc, hầu như phường chỉ tham gia với tư cách là đại diện chính quyền cơ sở. Mặc dù vậy, thời gian qua, để đảm bảo công tác giữ gìn ANTT, bảo vệ môi trường, cán bộ phường cũng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình. Khi phát hiện vi phạm, phường đều có kiến nghị, đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định pháp luật. 

Phân tích về thực trạng này, Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội nhìn nhận, việc xử lý các trường hợp vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời phải xử lý nghiêm tình trạng cá nhân, HTX, xã, phường ký kết cho thuê đất không đúng thẩm quyền; phải thanh lý, hủy bỏ ngay các hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh. 

Xác định rõ trách nhiệm của cấp cơ sở

 Có thể nói, từ năm 2016 trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản và sử dụng bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn thành phố Hà Nội có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Sở TN-MT thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và có kế hoạch kiểm tra hoạt động bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD ven sông tại địa bàn 8 quận, huyện. Qua đó, cơ quan chức năng đã giải tỏa được 84 bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD. 

Điều tra cơ bản, nắm bắt và kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các bến bãi trung chuyển VLXD cũng là trọng tâm công tác được Giám đốc CATP quán triệt đến các đơn vị, địa bàn thực hiện quyết liệt, nghiêm túc. Từ chỉ đạo, kế hoạch chung của CATP, các phòng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Đường thủy đã xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các địa bàn tập trung nhiều bến bãi hoặc có đông phương tiện vận tải hoạt động liên quan đến bến bãi; xác định những địa điểm không phép, sai phép, lập biên bản và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Quá trình thực hiện, chúng tôi đã quán triệt rõ trách nhiệm của cán bộ địa bàn, cán bộ chỉ huy. Nơi nào để xảy ra phức tạp về hoạt động bến bãi VLXD, từ cán bộ địa bàn đến chỉ huy đội sẽ phải chịu trách nhiệm trước tập thể chỉ huy phòng và phải có phương án để khắc phục tồn tại trong thời gian sớm nhất”, Thượng tá Phùng Quang Hiển cho biết.

Để giải quyết tình trạng vi phạm hoạt động của các bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần tiếp tục khẩn trương rà soát, hướng dẫn hoàn tất các thủ tục đối với các tổ chức, cá nhân, theo quy hoạch đã được phê duyệt trong Quyết định số 711 của UBND TP Hà Nội.

Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương phải kiên quyết giải tỏa thu hồi đất lấn chiếm, cho thuê không đúng quy định, chấm dứt hợp đồng nếu cho thuê trái phép làm bến bãi. Bám sát quy hoạch và làm rõ  trách nhiệm thì vi phạm bến bãi VLXD mới có thể chấm dứt.