Bắt chó thả rông: Đừng trông vào thói quen "nhờn luật" để... phản đối!

ANTD.VN - Việc Chi cục Thú y TP. HCM thành lập Đội săn bắt chó để xử lý tình trạng thả rông chó không rọ mõm ở nơi công cộng đã thu được nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng cũng qua đây, chúng ta mới thấy, tình trạng “nhờn luật” bấy lâu bị lộ ra rõ hơn, khi gặp phải những hành động xử lý… đúng luật.

Hai người mặc đồng phục nhảy xuống từ xe tải, mỗi người một chiếc gậy “chuyên dụng” và chỉ trong vài giây, chú chó bướng bỉnh, hung dữ đã bị tóm gọn cho vào lồng…

Hình ảnh của Đội săn bắt chó (Chi cục Thú y TP. HCM) đang được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút sự tranh luận nhiều chiều từ các bên.

Bên thì cho rằng việc xử lý tình trạng thả rông chó mất an toàn đó là rất cần thiết, để lập lại trật tự, an toàn nơi công cộng, bên thì phản ứng gay gắt, thậm chí “vu” đó là hành vi “bắt trộm chó công khai”. Bởi vậy, dư luận vẫn cứ nóng dần lên, xoay quanh công việc “lạ” này.

Thế nhưng, nhìn vào bản chất sự việc, thì có lẽ chúng ta mới nhận ra, bên phản đối rõ ràng đang cố gắng bao biện cho thái độ “nhờn luật”, vốn đã tồn tại từ lâu trong vô số lĩnh vực của cuộc sống.

Đội săn bắt chó quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm. Ảnh: Kenh14

Đội săn bắt chó đâu phải “tự nhiên” khống chế một chú chó bất kỳ? Họ chỉ xử lý đối với những trường hợp chó thả rông mà không được rọ mõm, không đeo dây xích, có khả năng gây nguy hiểm cho người khác ở nơi công cộng mà thôi. Nếu phản đối điều đó, hóa chẳng phải là đang ủng hộ cho những hành vi đe dọa người khác, coi thường trật tự công cộng hay sao?

Nếu đứng ở cổng Công viên Thống nhất (Hà Nội), người ta sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những chủ chó đi tập thể dục, thản nhiên dắt “thú cưng” to bằng con bê đi ngang qua biển “Cấm đưa chó vào”.

Không ai ngăn họ, vậy nên dường như họ càng cho mình quyền tự do thả chó chạy loăng quăng khắp nơi, và đương nhiên, không rọ mõm!

Thi thoảng, có đứa bé hoặc cô gái nhìn thấy con chó to lớn chạy gần lại mình hít hít, thì kêu thét lên. Chủ chó – là mấy thanh niên trông tướng bất hảo – cười phá lên sung sướng. Những hình ảnh này không phải là hiếm, và tác giả bài viết tin rằng, một khi rơi vào cảm giác ‘đứng tim’ của em bé hay cô gái ấy, thì người ta sẽ chẳng bao giờ phản đối chiến dịch tìm lại sự an toàn cho chốn công cộng của Chi cục Thú y TP. HCM.

Hay nhẹ nhàng hơn thế, là việc thả rông chó để con vật này tự do “đi bậy” ở khắp đường làng, ngõ xóm. Con ngõ vừa được quét dọn sạch sẽ, bỗng sực mùi khai nồng, hôi thối. Rồi mỗi khi có xe đi qua, những thứ ô uế do chó phóng bậy lại bị kéo lê khắp ngõ…

Nếu từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, chứng kiến những cảnh đã nêu, tác giả bài viết cũng tin rằng, sẽ khó có ai phản đối chính sách xử lý chó thả rông mạnh tay của TP. HCM.

Tại sao lại phản đối một chính sách đúng đắn, đảm bảo an toàn nơi công cộng cho mọi người? Ảnh: Kenh14

Mà nếu tỉnh táo nhìn nhận, thì đối tượng mà chúng ta phải trách, là những người chủ nuôi chó, chứ đâu phải bản thân con chó đó?

Là chó, nó đâu thể tự đeo rọ mõm, tự móc xích vào cổ, và biết đi vệ sinh đúng chỗ, sủa đúng người, cắn đúng đối tượng?

Vậy thì, thay vì thương xót cho thân phận chú chó bị bắt vào lồng, thay vì phản đối hành động kiên quyết của Đội săn bắt chó, xin hãy hướng ánh mắt vào những người nuôi chó vô ý thức, nhờn luật bấy lâu nay.

Nếu họ tuân thủ đúng quy định, với ý thức bảo vệ cho người khác, và cho con chó của mình (đương nhiên), thì đã chẳng có chuyện gì để suy nghĩ!

Cũng từ sự việc này, chúng ta mới thấy, dường như một bộ phận người dân vẫn quen với cách suy nghĩ vô luật, trọng tình, trong nhiều vấn đề của cuộc sống. Bởi vậy, khi phải đối mặt với những biện pháp xử lý đúng luật, thì họ lại phản ứng dữ dội như thể cái sự vô luật bấy lâu nay mới là… đúng luật.

Gần đây, người ta được nghe nói nhiều hơn tới mục tiêu “xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật”. Nhưng xem ra, mục tiêu này không hề dễ thực hiện chút nào. Bởi một khi thượng tôn pháp luật, người ta phải có ý thức rõ ràng, thậm chí hi sinh những quyền lợi mà bấy lâu nay, vì nhờn luật mà họ có được!