Bất an với bánh trung thu trứng chảy, tránh chồng chéo trong kiểm tra doanh nghiệp

ANTD.VN - Cuối tuần qua, lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện, thu giữ hơn 4.400 bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Đó là lời cảnh báo trong mùa Trung thu năm nay…

Bất an với bánh trung thu trứng chảy, tránh chồng chéo trong kiểm tra doanh nghiệp ảnh 1Sản phẩm bánh trứng chảy vừa bị lực lượng chức năng của Hà Nội bắt giữ

Sai phạm thường gặp trong sản xuất, kinh doanh bánh trung thu

Nếu như dịp Tết trung thu năm ngoái, xuất hiện nỗi lo về bánh trung thu nhãn mác Trung Quốc được nhập lậu với giá siêu rẻ, chỉ 2.000-3.000 đồng/chiếc, thì từ đầu mùa Trung thu 2019 đến nay, vẫn là nỗi lo từ bánh trung thu nhãn mác Trung Quốc nhưng tập trung vào dòng sản phẩm “bánh trứng chảy” với bao bì bắt mắt đang gây “sốt” trên thị trường, được rao bán sôi nổi trên các trang bán hàng online.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, ngay từ cuối tháng 6-2019, Cục đã xây dựng kế hoạch phối hợp các địa phương tổng kiểm tra, kiểm soát khâu nguyên liệu đầu vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm bánh trung thu.

Bước đầu đã phát hiện ở mùa trung thu năm nay có hiện tượng “bánh trứng chảy” nhãn mác Trung Quốc được nhập về nhiều và giá thành thấp trên tờ khai hải quan.

Ngày 16-8, Đội QLTT số 13 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội đã kiểm tra điểm tập kết hàng hóa ở ngõ 93/47 Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện và thu giữ 4.440 bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua tìm hiểu, giá bán ra thị trường loại bánh này dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/hộp, nhưng giá nhập chỉ rẻ bằng 1/3 giá đăng bán.

“Các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ muốn kinh doanh sản phẩm này để thu lợi nhuận, tuy nhiên nguồn gốc sản phẩm còn chưa rõ ràng. Nếu không phát hiện kịp thời, gần 4.500 chiếc bánh trứng chảy này tràn ra thị trường, với giá thành thấp, sẽ ảnh hưởng đến thị phần bánh Trung thu và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đó là cảnh báo trong mùa Trung thu năm nay” – ông Nguyễn Đắc Lộc nói.

“Theo quy định, thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu, tiêu hủy. Tuy nhiên, Cục cũng mong muốn phối hợp với Chi cục ATVSTP Thành phố xét nghiệm để công bố về chất lượng của loại bánh trứng chảy này” – ông Lộc cho biết thêm.

Tại Hà Nội, hiện bánh Trung thu được sản xuất từ 3 nguồn: của các công ty (hãng); của các cơ sở sản xuất thủ công, hộ gia đình tự sản xuất thời vụ; bánh Trung thu handmade. Dù đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, kiểm soát ATTP, song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập, còn đó những nỗi lo của người tiêu dùng.

Chẳng hạn, tại quận Bắc Từ Liêm, nơi có làng nghề Xuân Đỉnh với nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống, qua công tác thanh tra chuyên ngành từ tháng 7-2019 đến nay, đã phát hiện nhiều khó khăn trong quá trình kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu làm bánh, hay nhiều cơ sở vẫn dùng tay không làm nhân bánh, gây mất vệ sinh ATTP…

Một mối lo khác cần cảnh báo là tình trạng rao bán, quảng cáo về bánh Trung thu handmade trên mạng xã hội Zalo, Facebook... Theo ông Lộc, hiện lực lượng chức năng chưa quản lý được toàn bộ việc quảng cáo của các hộ sản xuất, bán bánh trung thu handmade trên nhiều kênh, phần lớn các vụ việc xử lý được là qua phản ánh từ người tiêu dùng và báo chí. 

Kiểm tra bánh trung thu tại Hà Nội

Hạn chế chồng chéo trong kiểm tra

Là đơn vị có trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm, ở đây cụ thể là từ quá trình sản xuất đến phân phối sản phẩm bánh trung thu, Sở Công Thương Hà Nội đã sớm tham mưu cho thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở tất cả các quận huyện, và hiện đang đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra mặt hàng này.

Trước phản ánh của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh trung thu về tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra ATTP Bánh trung thu của các cơ quan chức năng, thậm chí có công ty một tuần phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, việc này có thể có.

Nguyên nhân vì nhiều cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, chẳng hạn như Sở Công Thương, các quận, huyện đều có chức năng hậu kiểm, đơn vị QLTT cũng có nhiệm vụ kiểm tra các đơn vị kinh doanh. “Sự chồng chéo là đáng tiếc, không đáng có nhưng vẫn xảy ra bởi sự phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này sẽ chỉ giúp tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh tốt lên nếu các bên thực hiện công tác kiểm tra tốt và hiệu quả” – ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, trong năm 2019, ngoài việc thành phố thành lập các đơn vị kiểm tra, việc thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành cấp huyện, xã, phường kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, vì đây sẽ là các cơ sở chính thực hiện các hoạt động kiểm tra.

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, vừa qua UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 14, phân công, phân cấp quản lý rất rõ về VSATTP từ tuyến Thành phố đến tuyến quận huyện, xã phường.

“Tuy nhiên, thực tế trong công tác kiểm tra vẫn có sự chồng chéo. Có trường hợp ban chỉ đạo, các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã phường đã kiểm tra rồi mà tuyến quận huyện, thành phố, trung ương đôi khi cũng có vào lại.

Theo quy định, trong trường hợp trên, các cơ sở trình ra văn bản kiểm tra gần đây nhất để đoàn sau không vào kiểm tra nữa. Các cơ quan chức năng cũng rất cần tích cực trong phối hợp hơn nữa” – ông Tụ nêu rõ.