Bão số 10 sẽ mạnh dần lên, đình chỉ các cuộc họp chưa cần thiết để chống bão

ANTD.VN - Để ứng phó với bão số 10 (bão Doksuri) - cơn bão được đánh giá là nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây - từ hôm nay, 13-9, các tỉnh miền Trung đã ráo riết thực hiện các công tác phòng chống bão.

Chuẩn bị phòng, chống bão số 10, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị, cần quyết liệt kêu gọi tàu thuyền vào bờ, từ đêm nay cần bắn pháo hiệu. Chính quyền và người dân rất dễ có tâm lý chủ quan sau mấy cơn bão yếu ảnh hưởng đến Việt Nam từ đầu năm đến nay, do đó cần chỉ đạo quyết liệt như: cấm biển, cho học sinh vùng ảnh hưởng trực tiếp nghỉ học…

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cấm biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa từ ngày 14/9, địa phương quản lý an toàn khu neo đậu, chú ý tàu vãng lai. Bộ Ngoại giao có công hàm với các nước để tạo điều kiện cho tàu thuyền tiếp cận vùng tránh trú.

Miền núi phía Bắc được chỉ đạo lên kịch bản ứng phó mưa bão vì là khu vực dễ tổn thương nhất. Hồ thủy điện Sơn La tiếp tục xả hai cửa đáy, Hòa Bình ba cửa đáy, phát điện tối đa tất cả tổ hợp cả ngày và đêm.

Dự báo đường đi của bão số 10 - cơn bão mạnh nhất từ vài năm nay đổ bộ vào nước ta 

Nghiêm cấm tất cả tàu, thuyền ra khơi

Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị liên quan Đình chỉ các cuộc họp, công việc chưa cấp bách để phòng chống bão số 10

Ông Đặng Quốc Khánh cũng chỉ đạo theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn khi đã về nơi neo đậu; nghiêm cấm tất cả tàu, thuyền; kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.

Ông Ngô Đức Hợi – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Hà Tĩnh cho biết, tỉnh hiện có 1.850 tàu thuyền với 6.898 người hoạt động trên biển. Trong đó, số tàu đánh bắt xa bờ 480 tàu với 2.570 người; tàu đánh bắt ven bờ có 1.370 tàu với 4.328 người đã liên lạc và nắm bắt được thông tin về bão số 10.

Trong khi đó, tại Nghệ An, nhận được tin báo khẩn cấp về cơn bão số 10, nhiều tàu cá của ngư dân đã về bến neo đậu. Dự kiến toàn bộ tàu thuyền của ngư dân sẽ vào bờ neo đậu vào trưa mai, 14/9. Cũng trong ngày 13/9, tỉnh Nghệ An đã ra lệnh cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi, kể từ 7 giờ ngày 14/9/2017.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển của Nghệ An phải phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục thuỷ sản và Cảng vụ hàng hải Nghệ An, bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn; kiểm đếm số lượng tàu thuyền, hướng dẫn, tổ chức neo đậu an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão.

Cùng đó, cần kiểm tra các phương án di dời dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét...; tổ chức di dời dân khi cần thiết, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời.

Tại Thanh Hóa,  Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 4.726 phương tiện tàu, thuyền với 11.807 lao động hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đến 16 giờ ngày 13-9, có 3.478 tàu, thuyền đã vào các nơi tránh trú bão an toàn.

Hiện vẫn còn 1.239 tàu, thuyền với hơn 7.000 lao động đang hoạt động trên biển đang trên đường vào nơi gần nhất để tránh trú bão. Tất cả các phương tiện đều đã nắm được thông tin của bão và duy trì liên lạc với đất liền.

Tàu về tránh bão, ngư dân khẩn trương vận chuyển hải sản bán cho thương lái (Ảnh: Việt Hùng – Báo Nghệ An)

Bão sẽ tiếp tục mạnh lên

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 16 giờ ngày 14/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. 

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão; gió bão mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội.

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): trong khoảng từ 13,0 độ Vĩ Bắc đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 15/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 16. 

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.