Bạo hành học sinh: Một bộ phận giáo viên đã chọn nhầm nghề

ANTD.VN - Những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh liên tiếp trong thời gian qua đã gây phẫn nộ trong xã hội và khiến dư luận phải đặt câu hỏi về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên ngày nay.

Tát trẻ chảy máu mũi vì không chịu ngủ trưa 

Theo Báo Dân trí đưa tin, ngày 19-6 chị Đoàn Thị K.N. ( xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) gửi cháu T.N.Q.A (3 tuổi) tại nhóm trẻ Sóc Nâu (thôn Đại Ninh, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) do bà Trần Thị Thu Hà làm chủ. Đến chiều, khi chị N đón cháu Q.A về thì phát hiện mũi cháu có vệt máu đỏ kèm theo những biểu hiện hoảng loạn. Sau đó, chị N đã yêu cầu xem lại hình ảnh camera tại đây.

Nhóm trẻ Sóc Nâu - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Báo Dân trí

Qua hình ảnh camera ghi lại, chị N phát hiện cháu Q.A bị bà Hà tát 2 cái vào mặt. Tiếp đó, cháu còn bị cô Nguyễn Thị Hường (26 tuổi, ngụ xã Ninh Gia) kéo vào nhà vệ sinh. Quá bức xúc, chị N đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.

Tại cơ quan chức năng, bà Hà thừa nhận do trưa ngày 19-6, cháu Q.A không chịu ngủ nên đã tát 2 cái vào mặt làm cháu bị chảy máu mũi. Còn bà Hường cho biết là nắm tay cháu Q.A nhấc lên đưa vào khu vực nhà vệ sinh để vệ sinh cho cháu.

Hiện UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đang chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi tát trẻ của bà Hà và hành vi đưa nhóm trẻ Sóc Nâu vào hoạt động khi chưa được cấp phép.

Bắt học sinh tát nhau vì nói chuyện riêng

Sự việc xảy ra vào ngày 29-9-2018, tại trường THCS Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội), trong giờ học môn toán, cô Trần Thị Minh Hướng phát hiện 2 em học sinh nói chuyện trong giờ học.

Trường THCS Thọ Xuân. Ảnh: VTC

Lúc này, cô Hướng yêu cầu hai em học sinh lên bục giảng và tát vào mặt nhau cho đến khi bạn khóc thì dừng. Không chỉ vậy, cô Hướng còn quát mắng hai học sinh này với những từ ngữ không đúng mực. 

Sau khi hình phạt đã thực thi xong, cô cho cả hai em về chỗ với gương mặt sưng tấy và chấn động tâm lý.

Về đến nhà, gia đình hai học sinh bị phạt phát hiện mặt con mình bị sưng, sau đó bị sốt, đã yêu cầu làm rõ sự vụ. Lãnh đạo nhà trường đã họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với cô Trần Thị Minh Hướng.

Phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng

Sự việc xảy ra vào đầu tháng 4-2018 tại trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng). Khi thấy P.P.A, học sinh lớp 3A5 nói chuyện trong giờ học, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương đã bắt em P.P.A phải uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng.

Học sinh lớp 3A5 trong giờ học chiều ngày 5/4. Ảnh: Báo Tiền Phong

Giáo viên này sau đó đã thừa nhận hành động trên. Trường Tiểu học An Đồng cũng đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cô Nguyễn Thị Minh Hương vì vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đánh học sinh lớp 2 tới tấp trong giờ kiểm tra

Vừa qua, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip nữ giáo viên bạo hành học sinh trong giờ kiểm tra, thu hút sự chú ý của dư luận.

Cô giáo đánh tới tấp học sinh lớp 2. (Ảnh: Cắt từ clip)

Trong clip, cô giáo đã tát tới tấp vào mặt, dùng thước gỗ vụt mạnh vào người, cẳng chân của nhiều học sinh. Đặc biệt, nam sinh ngồi bàn đầu đã bị cô đánh và tát nhiều nhất là em  Phạm Nhật D (lớp 2A7, trường tiểu học Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

Ngay sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã yêu cầu hiệu trưởng trường Tiểu học Quán Toan thực hiện quy trình kỷ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang với hình thức buộc thôi việc.

 Nhiều thầy cô đã chọn sai nghề

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên bạo hành học sinh ngày càng gia tăng về số lượng và nghiêm trọng về tính chất, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Tôi cho rằng có không ít thầy cô chọn chưa thật đúng nghề. Nhiều người chọn nghề thầy giáo vì cho rằng đây là nghề nhàn hạ, ổn định. Điều ấy chỉ đúng với nhiều năm trước. Khi giáo dục đổi mới, nhu cầu con người và xã hội phát triển, thì một số nhà giáo không vận động đủ để đổi mới, thế là tụt lại và nguy cơ vi phạm đạo đức xảy ra nếu không kiểm soát chính mình.

Mặt khác, nghề thầy giáo đang chịu quá nhiều áp lực. Áp lực nghề nghiệp; từ đòi hỏi phát triển năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ huynh, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; áp lực từ phía phụ huynh và học sinh; áp lực của đồng nghiệp và của chính mình... Trong khi đó, quỹ thời gian, sự đầu tư về chế độ chưa theo kịp nên nhiều giáo viên vẫn chưa toàn tâm, toàn ý để hết lòng hết sức với nghề”.