Bao giờ “quét” hết tin nhắn rác?

(ANTĐ) - Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao tiến hành thanh tra và phát hiện ra một thiết bị được dùng làm phương tiện phát tán tin nhắn rác có xuất xứ từ Trung Quốc. Điều này lại thêm một lần nữa dấy lên những bức xúc của người dân đối với tin nhắn rác.

Bao giờ “quét” hết tin nhắn rác?

(ANTĐ) - Mới đây, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao tiến hành thanh tra và phát hiện ra một thiết bị được dùng làm phương tiện phát tán tin nhắn rác có xuất xứ từ Trung Quốc. Điều này lại thêm một lần nữa dấy lên những bức xúc của người dân đối với tin nhắn rác.

Tin nhắn rác từ lâu đã trở thành vấn nạn đối với người dùng thuê bao di động. Tuy nhiên, mặc cho những cố gắng của các cơ quan chức năng, cũng như sự bức xúc của người dùng bị nhắn tin làm phiền, thậm chí là lừa đảo, vấn nạn trên vẫn ngày gia tăng và có phần ngày một tinh vi. Ứng dụng công nghệ cao và các phần mềm tiên tiến cho phép các cá nhân hay nhóm người có thể dùng một “sim rác” (sim khuyến mãi) để nhắn tin tới khoảng 800 thuê bao đã được lựa chọn trước.

Với những cỗ máy như thế này, mỗi lần có thể nhắn tới hơn 20.000 thuê bao khác nhau với cùng một nội dung. Nếu làm một phép tính nho nhỏ, chỉ cần một nửa số công ty tham gia cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động sẽ có tới hàng triệu thuê bao nhận được những tin nhắn có nội dung trời ơi đất hỡi như: “Bạn đã trúng liên tiếp đề trong 2 ngày…, còn đợi gì mà không nhanh tay nhắn tới số… để nhận được con số may mắn của ngày hôm nay…”.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thống kê hiện cả nước có khoảng 300 công ty lớn nhỏ cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động, trong đó có những công ty không có giấy phép nhưng xử lý không hề dễ bởi còn nhiều khúc mắc. Ví dụ như, nếu mỗi nhà mạng quản lý kho số của mình một cách cẩn thận hơn thì không thể dẫn đến tình trạng các công ty sử dụng “sim rác” để nhắn tin tới các thuê bao.

Hơn nữa, lợi nhuận giữa nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ thường ở tỷ lệ 50-50. Vì vậy, nhà mạng thường ít chú ý tới vấn đề quản lý nội dung cũng như cách thức các công ty lôi kéo, dụ dỗ thậm chí là lừa đảo người dùng nhắn tin tới các đầu số này. Thêm vào đó, những kẻ phát tán lấy đâu ra những số thuê bao đang sử dụng để có thể nhắn đồng loạt hàng chục nghìn tin nhắn như thế?

Một điều khác khiến vấn nạn tin nhắn rác cho đến nay vẫn chưa được quản lý triệt để. Đó là khung hình phạt cho việc phát tán tin nhắn rác còn quá nhẹ. Theo Nghị định 90/2008/NĐ-CP hiện quy định mức xử phạt cao nhất là 40 triệu đồng đối với các hành vi phát tán tin nhắn rác không được phép của chủ thuê bao điện thoại là quá thấp so với lợi nhuận thu được, nên không đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định một số hành vi liên quan đến tin nhắn có thể bị xử lý hình sự như tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng viễn thông, tội sử dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản. Trong những trường hợp này, nếu các đối tượng đưa các thông tin không được pháp luật cho phép lên mạng viễn thông, ví dụ như các tin nhắn rủ rê người khác tham gia chơi cờ bạc, hoặc dụ dỗ người khác nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản... thì có dấu hiệu vi phạm về hình sự, có thể bị khởi tố hình sự.

Ban Cuối Tuần

(Thực hiện)

Phạt hành chính chưa đủ răn đe

Nhiều đối tượng đang lợi dụng việc thiếu sát sao trong quản lý “sim rác” khi phát tán tin nhắn rác để gây khó khăn trong công tác điều tra. Kết hợp với những thiết bị nhắn tin tự động được rao bán một cách công khai trên mạng khiến cho việc ngăn chặn trình trạng tin nhắn rác ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó còn có một bộ phận người dân vẫn chưa thật sự quan tâm và hiểu hết những thông tin được gửi tới thuê bao của họ, đâu là thông tin do nhà mạng cung cấp, đâu là các thông tin quảng cáo, lừa đảo mời gọi nhắn tin dịch vụ với mức phí cao. Hiện nay, việc xử lý vẫn chưa thật sự triệt để là do nếu cứ chiếu theo Nghị định 90/2008/NĐ-CP thì chỉ áp dụng xử phạt hành chính ở mức cao nhất là 40 triệu đồng. Như vậy khó mà đủ sức răn đe.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đang xây dựng Nghị định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực này theo hướng có nhiều hình thức xử lý, khung phạt cũng được đề xuất rất cao. Như trong các trường hợp vừa bị phát hiện mới đây, nếu vi phạm này có các dấu hiệu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngay lập tức chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.

Ông Trần Ngọc Tiếp

(Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông)

Đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự

Hiện nay, chúng ta mới chỉ xử lý vi phạm ở mức xử phạt hành chính với khung cao nhất chỉ tới 40 triệu đồng. Nếu đem so với lợi nhuận thu về của những kẻ nhắn tin rác thì thật sự chưa đủ sức răn đe. Nhưng theo tôi, không chỉ xử lý về hành chính mà còn có thể áp dụng các biện pháp hình sự. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định rõ một số loại tội phạm có liên quan đến loại hình tin nhắn. Ví dụ như tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng viễn thông, tội sử dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.

 Trong một số trường hợp, chúng tôi thấy rằng các đối tượng đã đưa các thông tin không được pháp luật cho phép lên mạng viễn thông, ví dụ như các tin nhắn rủ rê người khác tham gia chơi cờ bạc, hoặc dụ dỗ người khác nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Ở đây các dấu hiệu vi phạm về hình sự đã rõ và tôi cho rằng các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để đánh giá về dấu hiệu, mức độ để khởi tối vụ án, khởi tố bị can.

Ông Hoàng Công Dũng (Cử nhân Luật)

Cần xem xét lại sự quản lý

Theo tôi, đầu tiên nên xem lại sự quản lý của các cơ quan. Tại sao với biết bao quy định mà sim khuyến mãi vẫn cứ hoành hành, các cá nhân, doanh nghiệp kia lấy đâu ra danh bạ thuê bao người dùng để nhắn tin. Thực ra, chịu khó đến các đại lý sim số cũng có thể dễ dàng kiếm được những list danh bạ này. Không khó để photo lại bảng sim đã bán ra tại các đại lý.

Bên cạnh đó, đâu chỉ các đầu số tổng đài tung tin nhắn rác, các nhà mạng gần đây cũng tích cực quảng cáo qua hệ thống tin nhắn, gây phiền phức cho khách hàng. Chính nhà mạng gần đây cũng liên tục tung tin nhắn quảng cáo xen lẫn với các tin khuyến mãi tài khoản. Một ngày tổng đài nhắn cho mình nhiều khi 2-3 tin nhắn. Mình muốn chặn thì không biết khi nào có khuyến mãi tài khoản, còn không chặn thì toàn nhắn mấy tin quảng cáo vớ vẩn. Có buổi sáng mình thức dậy với 5 tin từ tổng đài của nhà mạng”.

Ông Trần Đức Hà

(Chuyên viên Công nghệ thông tin tại Hà Nội)

Máy nhắn tin hàng loạt được rao bán công khai

Vừa rồi có người chào bán cho công ty tôi phần mềm gửi tin nhắn SMS hàng loạt. Theo quảng cáo, phần mềm rất hữu ích trong việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng của mỗi công ty. Chỉ cần kết hợp với 1 GSM modem hoặc USB 3G là có thể gửi tin nhắn SMS hàng loạt với tốc độ cao. Phần mềm này hoạt động hoàn toàn tự động gửi đi hơn 1.000 tin nhắn trong mỗi giờ và hệ thống có thể hoạt động liên tục 24/24 mà không hề trục trặc nếu tài khoản vẫn đủ số dư để tiếp tục nhắn tin.

Những chiếc máy này có giá rất rẻ chỉ từ 2,6 triệu đồng (xuất xứ Trung Quốc) và 3,9 triệu đồng (xuất xứ Australia), ngoài ra đối với USB 3G thì có giá 900.000 đồng. Giá của phần mềm gửi tin thường dao động trong khoảng 50-100 USD (khoảng 1,1-2,2 triệu đồng). Bây giờ, việc chào bán những chiếc máy hỗ trợ nhắn tin hàng loạt như thế khác nào tiếp tay cho các kẻ chuyên phát tán tin nhắn rác. Theo tôi điều đó khiến việc quản lý ngày càng khó khăn. Vì vậy, các cơ quan hữu quan càng phải quyết tâm vào cuộc với những biện pháp mạnh tay. Có vậy, người dân mới hết khổ vì tin nhắn rác.

Ông Bùi Xuân Dương (Nhân viên kinh doanh tự do)