Báo động tình trạng tiêu cực: Làm gì khi trẻ mắc lỗi?

ANTD.VN - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng học sinh bỏ nhà ra đi hoặc tìm cách tự tử do mắc lỗi, sợ bị thầy cô phạt, hoặc bị bố mẹ đánh mắng. Nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra là cảnh báo cho thấy “sợi dây liên lạc” giữa nhà trường và gia đình đang có vấn đề.

Báo động tình trạng tiêu cực: Làm gì khi trẻ mắc lỗi? ảnh 1Sự chia sẻ gần gũi giữa giáo viên và học sinh sẽ xóa đi những tâm lý tiêu cực ở trẻ

Hành động bộc phát sau khi mắc lỗi

Ngày 26-2, Đồn Công an đường sắt ga Hà Nội, CAQ Đống Đa đã bàn giao 4 bé gái có ý định bỏ nhà, mua vé tàu vào miền Nam vì mắc lỗi, bị cô giáo phạt. Các cháu gái này cho biết, lý do định bỏ nhà là sợ bị bố mẹ mắng vì trước đó đã lỡ trốn học đi uống trà sữa, bị cô giáo phạt dọn vệ sinh. Cả 4 bé gái đều sinh năm 2005, là học sinh lớp 7 của một trường THCS tại địa bàn quận Long Biên, TP Hà Nội. Sau khi đưa các cháu về trụ sở, CBCS Đồn Công an đường sắt ga Hà Nội đã liên lạc với gia đình của 4 cháu thông báo sự việc và tận tình động viên, thuyết phục các cháu hiểu rõ sự việc, không tiếp tục có những hành động bộc phát như vậy nữa.

Trước đó, vào tháng 10-2017, tại trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cũng xảy ra một trường hợp tương tự. Theo phụ huynh N.T.T, con chị đang học lớp 2C, ngày 23-10-2017, vì mắc lỗi ở trên lớp, mà theo bản kiểm điểm của con thì “3 lần con mỏi người con tự đứng dậy nên bị cô giáo nhắc và phạt đứng tại chỗ làm bài”; ngoài ra con còn mắc lỗi nói chuyện trong lớp nên bị cô giáo phạt sẽ cho nghỉ học 1 ngày.

Tuy nhiên, cô lại chỉ nói với con, yêu cầu con về nói với bố mẹ chứ cô không nhắn tin hay điện thoại trao đổi cho phụ huynh biết. Vì vậy, ngày hôm sau phụ huynh vẫn đưa con đi học bình thường. Khi đến đón, thấy con khóc, phụ huynh tìm hiểu sự tình, nghe các bạn trong lớp nói lại rằng “vì cô phạt bạn nghỉ học nhưng bạn không nghỉ học nên cô nói bạn trước lớp”. Thực tế, cô giáo chưa phạt học sinh mà yêu cầu học sinh về nhà nói với bố mẹ gọi điện cho cô, nếu không cô sẽ phạt nghỉ học 1 ngày. Học sinh vì sợ nên đã không nói cho bố mẹ biết. 

Một sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 6-9-2017, sau khi thú nhận trộm đồ chơi của trường mầm non bên cạnh với cô giáo, cả 3 em học sinh tiểu học ở Nghệ An cùng rủ nhau vào rừng ăn lá ngón tự tử, vì sợ bố mẹ la mắng.

Cụ thể, trong buổi lễ khai giảng vào ngày 4-9, trường mầm non nằm bên cạnh điểm trường bản Thăm Hón (trường Tiểu học Na Ngoi 1) phát hiện bị mất trộm đồ chơi và nghi ngờ một số em học sinh của trường này leo tường vào lấy nên báo với lãnh đạo nhà trường. Sáng 6-9, giáo viên của điểm trường bản Thăm Hón hỏi về sự việc thì 3 em Xồng Bá Dìa, Xồng Bá Xồ và Xồng Bá Rê (cùng học sinh lớp 3) thú nhận đã lấy cắp đồ.

Các giáo viên có nói sẽ hỏi lại phụ huynh các em cho chắc, nếu có lấy đồ thì khuyên các em trả đồ chơi lại cho trường mầm non. Trưa hôm đó, sau khi về nhà, các em sợ cha mẹ biết sẽ la mắng, nên rủ nhau vào một ngọn đồi ở bản hái lá ngón ăn. Em Xồng Bá Dìa đã tử vong sau đó, còn 2 học sinh còn lại nguy kịch. 

Báo động tình trạng tiêu cực: Làm gì khi trẻ mắc lỗi? ảnh 24 bé gái nghỉ học vì mải uống trà sữa, bị cô giáo phạt nên định mua vé tàu bỏ nhà đi xa

Lý giải ở góc độ tâm lý của trẻ 

Những vụ việc trên hầu hết xuất phát từ việc trẻ mắc lỗi nhưng tâm lý quá sợ bố mẹ, thầy cô trách phạt nên mới suy nghĩ và hành động nông nổi. Có thể nói, tác động từ gia đình và thầy cô khiến trẻ như “con chim sợ cành cong”, luôn suy nghĩ tiêu cực, thiếu sự trao đổi trò chuyện sẻ chia giữa con với bố mẹ, học trò với thầy cô khi trẻ làm bất cứ việc gì.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam: “Học sinh là lứa tuổi dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực dù là ở trường hay ở nhà, nên thường hành động thiếu suy nghĩ khi có vấn đề phát sinh. Có thể vì các em mắc lỗi rất nhỏ nhưng do sợ cha mẹ trách phạt, có em bỏ nhà đi bụi, có em nhảy lầu tự tử”. 

Trước một sự việc nào đó, có thể do các em có lỗi, làm sai nhưng người lớn cũng cần xem xét. Khi trẻ làm sai, hầu hết người lớn ít khi dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân mà đa phần sẽ phán xét kết quả, la mắng, dọa nạt, thậm chí đánh trẻ. Điều này, khiến các em rơi vào trạng thái hoảng sợ mỗi khi gây ra lỗi lầm. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đối với con trẻ, người lớn cần giữ thái độ bình tĩnh khi các em mắc lỗi. Thay vì dùng đòn roi để răn đe, các bậc phụ huynh và thầy cô nên ngồi lại với trẻ và bắt đầu câu chuyện bằng một điều gì đó thật gần gũi để hỏi han, tìm hiểu nguyên nhân. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề và giúp trẻ nhận ra sai lầm và sửa sai. 

Việc dọa nạt, la mắng, đánh đòn trẻ sẽ khiến trẻ ngày càng tự ti, khi phạm lỗi sẽ cố giấu giếm, thậm chí sẽ phản ứng hết sức căng thẳng như chống trả lại, hoặc gây thương tổn cho chính mình. “Trong trường hợp các bé gái 13 tuổi ở Long Biên bỏ nhà đi vì bị cô phạt sau khi mắc lỗi, rất may mắn là các em được lực lượng công an kịp thời phát hiện, liên lạc với gia đình để ngăn chặn. Tôi không bàn việc trách nhiệm thuộc về ai ở trường hợp này dù biết rằng lỗi là do các em nhưng có lẽ cả giáo viên, phụ huynh nên tự soi lại mình, cách ứng xử của mình đối với các con”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ. 

Ngay trong môi trường học đường, nhà trường cũng nên lưu ý trẻ rất dễ tổn thương và có thể có hành động dại dột nên luôn cần có biện pháp giám hộ và thông tin chéo về học sinh trong các vụ việc.

Cần sự phối hợp chặt giữa thầy cô và phụ huynh

Những năm gần đây, công nghệ và các phương tiện liên lạc phát triển rất nhanh, nhiều trường đã chọn cách sử dụng sổ liên lạc điện tử, thông qua tin nhắn điện thoại để trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cô lại xử phạt ngay tại trường học, khi các em phạm sai lầm.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Vũ Văn Phương, giáo viên trường THCS Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cho biết: “Mỗi khi các em học sinh phạm lỗi, việc đầu tiên là tôi sẽ gặp và nói chuyện với em đó một cách thân thiện và gần gũi nhất để tìm hiểu sự việc, rồi phân tích cho các em biết mình sai như thế nào. Đối với những em học sinh không ngoan, gây ra lỗi nghiêm trọng, việc răn đe các em phải có sự chứng kiến của phụ huynh. Bởi các em vẫn trong độ tuổi có người giám hộ, nên không thể để các em tự ra về trong tâm thế mình mang lỗi và hoang mang không biết phải giải quyết như thế nào”.

“Khi trẻ mắc lỗi, phía thầy cô ngoài việc xử lý khéo léo để giáo dục trẻ cũng cần thông tin kịp thời và chia sẻ với phụ huynh. Sự chia sẻ giữa nhà trường và gia đình là biện pháp hiệu quả để rèn giũa, uốn nắn trẻ giúp các bậc phụ huynh hiểu tâm lý con mình hơn, tránh xảy ra tình trạng các con tự ti, thiếu sự sẻ chia dẫn đến trầm cảm, tự kỷ…”, chị Nguyễn Mai Lan, ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ.

Giáo viên, phụ huynh nên xem lại cách ứng xử

Báo động tình trạng tiêu cực: Làm gì khi trẻ mắc lỗi? ảnh 3

“Trong trường hợp các bé gái 13 tuổi ở Long Biên bỏ nhà đi vì bị cô phạt sau khi mắc lỗi, rất may mắn là các em được lực lượng công an kịp thời phát hiện, liên lạc với gia đình để ngăn chặn. Tôi không bàn việc trách nhiệm thuộc về ai ở trường hợp này dù biết rằng lỗi là do các em nhưng có lẽ cả giáo viên, phụ huynh nên tự soi lại mình, cách ứng xử của mình đối với các con”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam)