Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới

ANTD.VN - Hiện nay, một bộ phận giới trẻ có những suy nghĩ và biểu hiện lệch lạc với đạo lý, truyền thống của dân tộc. Khi vấp phải những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống thường tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, các em vẫn chưa ý thức được rằng đằng sau việc làm đó của mình là nỗi đau của cha mẹ, người thân, là sự chê cười của mọi người xung quanh vì hành động dại dột. Và chỉ vì với suy nghĩ “thế giới sẽ tốt hơn nếu không có tôi” là các em đã mang tính mạng của mình ra để giải quyết mọi việc.

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, tỉ lệ trẻ 14 - 15 tuổi tự tử rất cao, chiếm gần 66% số trường hợp tự tử khiến không ít người giật mình… Những đối tượng khác cũng dễ dàng tìm đến cái chết vì nhiều lý do…

“Hotgirl” đất cảng nhảy lầu tự tử, hai con thơ bàng hoàng mất mẹ

Như Dân Việt đưa tin, ngày 4-11, mọi người tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng bỗng nghe thấy tiếng động mạnh, sau đó bàng hoàng phát hiện một người rơi xuống nền tầng 8 của tòa nhà.

Tại hiện trường, các bác sĩ phát hiện nạn nhân là nữ bệnh nhân L.P.A. đang nằm bất động trong tư thế sấp, có máu chảy, vỡ hộp sọ. Mặc dù tích cực cấp cứu trong khoảng 30 phút nhưng nữ bệnh nhân đã không qua khỏi.

Được biết cô gái tên là L.P.A (sinh năm 1989, Hải Phòng) có gương mặt rất xinh đẹp, được nhiều người chú ý trên facebook. Trước khi sự việc đau lòng xảy ra, P.A thường xuyên đăng ảnh vui vẻ cùng những chia sẻ hết sức bình thường lên mạng xã hội. P.A không hề tỏ biểu hiện gì bất thường, bởi vậy thông tin cô tự tử tại bệnh viện đã khiến người thân của cô bàng hoàng, đau đớn.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới ảnh 1 

Chị P.A được xem là một hotgirl của đất cảng có điều kiện kinh tế khá giả

Một người bạn của P.A, chị T.B cho biết, đến giờ chị vẫn chưa hết sốc bởi sự ra đi đột ngột của P.A. "P.A bình thường rất vui vẻ, hoà đồng, nhiệt tình và tốt tính. Là một người bạn rất tốt". Chị P.A có hai con gái đều đang học tiểu học ở Hải Phòng. P.A và chồng đã chia tay nhau, con gái lớn ở cùng với P.A và nhà ngoại, còn con gái bé là do bên nội chăm sóc. Hai đứa nhỏ vẫn đang bàng hoàng trước sự mất mát quá lớn này.

Hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến P.A đã có hành động dại dột như thế.

Nhảy cầu tự tử do mẫu thuẫn tình cảm

Theo thông tin trên Dân trí, chiều 18-7, nhiều người dân tại chân cầu Ỷ Na, huyện Nho Quan, Ninh Bình, phát hiện một cô gái đi ra giữa cầu Ỷ Na rồi gieo mình xuống sông tự tử.

Theo chính quyền địa phương nạn nhân được xác định là Đ.T.H (sinh năm 1998) trú tại xã Gia Tường). Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình cùng cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm tuy nhiên vẫn không phát hiện nạn nhân.

Đến chiều 19-7, khoảng 15h40 thi thể H. đã nổi lên dưới chân cầu. Cô gái nhanh chóng được vớt lên bờ, sau đó làm các thủ tục đưa về quê an táng theo phong tục địa phương.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới ảnh 2 

Người dân hiếu kỳ kéo đến xem vụ việc.

Bước đầu nguyên nhân dẫn đến việc H. tự tử được xác định là do có mâu thuẫn tình cảm trong chuyện yêu đương. Cơ quan chức năng huyện Nho Quan đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Cãi nhau với bạn trai thai phụ 19 tuổi nhảy cầu tự tử

Như Dân Trí đưa tin, vào khoảng 9h30 sáng 3-11, một cặp trai gái đi xe máy qua khu vực cầu Liêm Chính, phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, khi dừng xe ở khu vực này, cả 2 xảy ra tranh cãi với nhau. Trong lúc nóng giận không kiềm chế được bản thân, cô gái đã nhanh chóng trèo qua lan can cầu nhảy xuống sông Châu Giang tự tử.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới ảnh 3 

Cầu Liêm Chính nơi xảy ra sự việc

Theo ông Đỗ Bằng Hiền, Chủ tịch UBND phường Liêm Chính cho biết: Qua xác định, cô gái trẻ tên là T.Đ.T. A. (SN 1999, quê tỉnh Nam Định). Hai người có quan hệ tình cảm, đi đến đây thì xảy ra mâu thuẫn nên cô gái nhảy xuống sông tự tử. Còn nam thanh niên định lao xuống cứu bạn gái nhưng không biết bơi nên sau đó người dân đã nhanh chóng can ngăn. Công an cũng thu được trong cặp của cô gái tờ phiếu khám xác định đang mang thai 4 tuần tuổi và thẻ căn cước mang tên nạn nhân.

Đến chiều 4-11, thi thể nạn nhân đã được trao cho gia đình đưa về mai táng.

Nam thanh niên ở Bình Dương nhảy cầu tự tử

Như VOV đưa tin, vào khoảng 16h chiều 22-10, anh T.N.C (35 tuổi, trú tại Bình Dương) đi xe máy lên cầu Phú Cường, thuộc phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương rồi bất ngờ gieo mình xuống sông Sài Gòn tự vẫn. Do nước sông chảy xiết nên anh T.N.C nhanh chóng bị dòng nước nhấn chìm.

Nhận được tin báo, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, Công an tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tìm kiếm nạn nhân. Đến khoảng 19h cùng ngày, công tác tìm kiếm tạm dừng, do trời tối và mưa dông.

Người nhà nạn nhân cho biết, vài năm trở lại đây anh T.N.C thường xuyên có biểu hiện bất thường, nhiều lần đòi tự tử nhưng người nhà phát hiện nên ngăn cản kịp thời.

Bỏ lại sách vở, nữ sinh lớp 10 nhảy cầu tự tử

Chiều 3-11, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Chính quyền địa phương đang cùng gia đình nỗ lực tìm kiếm nữ sinh nhảy cầu tự tử.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10h15 ngày 3-11, em Lê Thị Ánh Ng. (SN 2003, trú xóm 13, xã Đức Sơn) đang trên đường từ trường về nhà. Khi đi qua cầu treo nối xã Thạch Sơn - Đức Sơn nữ sinh này bất ngờ bỏ lại cặp sách và mũ bảo hiểm rồi nhảy xuống dòng nước đang chảy xiết tự tử.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới ảnh 4 

Ng. bỏ lại cặp sách và mũ bảo hiểm rồi nhảy xuống sông tự tử

Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã hô hoán mọi người ứng cứu. Tuy nhiên, do nước sông chảy xiết và mạnh nên Ng. đã chìm ngay sau đó. Được biết, em Lê Thị Ánh Ng. hiện đang học lớp 10 tại trung tâm GDTX huyện Anh Sơn.

Hàng trăm lý do tìm đến cái chết

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ thanh niên nhảy cầu tự tử. Do gặp phải những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống không biết giải quyết thế nào nhiều người trẻ đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

Vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh Hải Dương vào đầu năm 2006 khiến cả xã hội “rúng động” vẫn chưa hết dư âm, đến vụ 3 học sinh ở Đăk Nông rủ nhau cùng chết hồi tháng 3-2012 khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Nhưng đó chỉ là những thông tin được công bố trên báo chí, còn trên thực tế, còn rất nhiều những ca tự tử đau lòng ở giới trẻ mà chúng ta chưa biết.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới ảnh 5 

Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến cái chết

Theo thông tin trên báo Dân Trí, kết quả nghiên cứu của bác sĩ Bùi Quốc Thắng và Nguyễn Lê Anh Tuấn, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 công bố, trẻ ở lứa tuổi từ 14-15 tự tử rất cao, chiếm gần 66% số trường hợp. Trong đó, nữ nhiều hơn nam, chiếm gần 61%. Nguyên nhân tìm đến cái chết của trẻ chủ yếu là do xung đột gia đình, chiếm đến gần 88%, hình thức phổ biến nhất là bằng hóa chất (thuốc ngủ, thuốc diệt chuột, trừ sâu). Đến 97,6% là trẻ tự tử ở nhà và thường dễ phát hiện. Tuy nhiên sau khi tự tử không có trường hợp nào thông báo cho người nhà biết và có tới 85,4% trẻ là không làm gì cả cho đến khi có triệu chứng được người nhà phát hiện.

Còn theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 cũng đưa ra những con số đáng báo động. Gần 27% số người được hỏi rơi vào tình trạng rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động bình thường. So với cuộc điều tra cách đó 5 năm cho thấy mức độ buồn chán và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. 21% hoàn toàn thất vọng về tương lai.

Bà Phùng Minh Trang, Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý cho biết, xu hướng tự tử tăng không riêng ở Việt Nam mà trên thế giới cũng có xu hướng này. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế Giới, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử trên thế giới, tăng 60% so với 50 năm qua. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể sẽ tăng lên thành 1,5 triệu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25 tuổi.

Theo bà Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý cho biết, phần lớn người tự tử là người trẻ và số đông họ là những người bình thường, chỉ có một số ít được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng: “Bản năng trong mỗi người là bản năng sống. Trong lúc khó khăn nhất, tưởng như không vượt qua nổi, thậm chí cái chết cận kề nhưng bằng mọi cách con người đều cố vượt lên. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều người trẻ tự tử. Xuất phát từ những sự việc rất đột xuất, không lên kế hoạch trước có thể trở thành tác nhân khiến dẫn đến tự tử”.

Ranh giới mong manh giữa trầm cảm và tự sát

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giới trẻ ngày càng tự tử nhiều là do mắc bệnh trầm cảm.

Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, bệnh nhân trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều ở lứa tuổi trẻ (16 - 27 tuổi) và người già (60 - 65 tuổi). Phần lớn bệnh nhân tự tử do cảm thấy vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Và đa số bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính, tái diễn.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều giới trẻ muốn "sang ngang" thế giới ảnh 6 

Trầm cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tự tử

Theo TS Dương Minh Tâm: "Tuy trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhưng hiện có rất ít người được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Nhiều bệnh nhân trầm cảm còn mặc cảm nên khi có biểu hiện bệnh, thay vì đến chuyên khoa tâm thần kiểm tra sức khỏe, họ lại đến khám tại các chuyên khoa khác. Thực tế này khiến cho phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị khiến hiệu quả điều trị hạn chế".

Mỗi năm số người tự sát do trầm cảm ở nước ta khoảng 36.000 - 40.000 người. Trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu.

Tự tử có thể phòng tránh được không?

Theo thông tin trên Dân Trí, tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được nhưng những người xung quanh lại chưa có đủ kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn ý định này. Nhiều người khi có ý định tự tử luôn cố gắng bày tỏ ý định của mình với người khác, nhưng chỉ số rất ít bày tỏ bằng cách nói chuyện. Một nghiên cứu cho thấy, có 13/19 người tự tử đã cố gắng bày tỏ ý định tự tử của mình với người khác, nhưng chỉ có 3 trường hợp bày tỏ bằng cách nói chuyện.

Theo bà Vân Anh - Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý: “Làm thế nào để đối mặt, vượt qua những khó khăn, nhất là ở những người trẻ bởi đây là lứa tuổi còn bồng bột, bộc phát trong hành vi? Cần tăng cường khả năng đương đầu với khó khăn cho thanh thiếu niên, xây dựng các mối quan hệ gia đình, thầy trò, bạn bè trên tinh thần cởi mởi, giao tiếp tốt và bình đẳng".

Theo TS.BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: “Phải giúp trẻ hoàn thiện con người xã hội. Làm sao đó để trẻ nhìn nhận, cảm nhận, lắng nghe được những cái hình ảnh thực tế càng theo hướng tích cực bao nhiêu càng giúp trẻ dần lớn lên, giúp trẻ phân tích làm thế nào là tốt. Quá trình dạy dỗ rất quan trọng từ nhỏ tại gia đình. Không cần nói trực tiếp với trẻ mà trẻ quan sát qua cách người lớn xử lý tình huống. Xã hội (từ cộng đồng, nhà trường, nơi sinh sống) có quá nhiều thông tin tiêu cực đối với trẻ tạo cho trẻ cảm xúc, cái nhìn, nhận định, phân tích đi theo hướng tiêu cực thì sẽ có những hành động tiêu cực và ngược lại. Vì thế, xã hội cần quan tâm tìm hiểu, tạo điều kiện tốt để con người xã hội trong trẻ hoàn thiện để trẻ có thể đương đầu, vượt qua được những khó khăn sẽ hạn chế được hành vi tiêu cực của trẻ”.