Báo động đỏ tình trạng vi phạm luật giao thông của học sinh đi xe điện

ANTD.VN - Kẹp ba, kẹp bốn, dàn hàng ngang, đi ngược đường… là những cảnh dễ thấy ở cổng trường học vào khoảng thời gian tan tầm. Xe điện ngày càng trở nên phổ biến thì những vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện cũng tăng lên. Thực trạng báo động đỏ này xuất phát từ ý thức khi tham gia giao thông của những người điều khiển, đặc biệt là các bạn học sinh.

Báo động tình trạng học sinh đi xe điện vi phạm luật giao thông

Theo số liệu thống kê được công bố ngày 26-7-2017 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT Hà Nội, thực hiện trên 2390 học sinh cho thấy: 52% lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện, 7% đi xe máy trái phép, có 2% học sinh lớp 9 và 4% học sinh THPT sử dụng xe buýt tới trường.

Trong đó, tỷ lệ tai nạn giao thông của nhóm đi xe điện và xe máy là cao nhất, khoảng 0,5 vụ/học sinh (tương đương 2 học sinh bị tai nạn thì có một vụ liên quan đến xe điện). 55% số vụ tai nạn xảy ra với học sinh THPT là do xe điện.

Tuy nhiên, hiện nay, xe điện vẫn là loại xe được nhiều người lựa chọn là phương tiện tới trường cho con em của mình. Nguyên nhân một phần nằm ở giá xe đạp điện rẻ hơn so với các phương tiện giao thông khác như: xe máy… Ngoài ra, xe điện còn có các lợi thế về: mẫu mã, màu sắc, kích thước nhỏ gọn, phù hợp với vóc dáng của nhiều người dùng.

Nguyễn Huyền Trang, học sinh trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội

Bạn Nguyễn Huyền Trang (học sinh trường THPT Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ: “Em đi xe điện được gần 3 năm nay rồi. Xe điện thuận tiện, giúp em chủ động thời gian. Đồng thời, với việc tuyên truyền thường xuyên của các thầy cô trong trường cũng giúp em hiểu hơn về luật an toàn giao thông, từ đó để thực hiện đúng luật, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.

Xe điện giúp việc đi lại được thực hiện nhanh chóng, nhưng đối với một số học sinh chưa chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông thì đây lại được coi là mối nguy tiềm ẩn.

Học sinh điều khiển xe điện đi ngược đường

Ghi nhận tại khu vực gần cổng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Xuân Thủy, Cầu Giấy), đã xuất hiện cảnh học sinh đi xe điện không đội mũ bảo hiểm, đi ngược đường. Mặc dù chỉ cách khoảng 700m từ cổng trường tới cầu vượt Mai Dịch để có thể đi đúng đường, tuy nhiên, không ít học sinh đã bất chấp, đi ngược lại để sang đường. Việc này không chỉ gây nguy cơ tai nạn cao mà còn khiến cho giao thông khu vực trở nên ách tắc hơn, nhất là vào khoảng thời gian tan học.

Học sinh đi xe không đội mũ bảo hiểm

Trên đường Hồ Tùng Mậu, cảnh học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng là mối nguy hiểm lớn. Chiếc mũ bảo hiểm giúp bảo vệ an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông, nhưng giờ lại nằm gọn trong giỏ xe.

Là người đã từng xảy ra va chạm với phương tiện giao thông khác khi chủ quan trong việc điều khiển xe điện, bạn Phạm Hoàng Minh Nhật (học sinh trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, Hưng Yên) tâm sự: “Em đi xe đạp điện từ đầu năm lớp 10, đến giờ là được hơn 2 năm. Em vẫn nhớ như in cái lần đi học thêm, đứa bạn em gọi điện thoại cho em, vì ngại táp vào lề đường nên em vừa đi vừa nghe. Hậu quả là bị va chạm với một chiếc xe máy khác khiến chân tay xầy xước khá nhiều. Sau lần đấy em không còn dám như vậy nữa”.

Chia sẻ của chị Đỗ Thị Bích Phượng (23 tuổi, Cầu Giấy), người tham gia giao thông: “Mình đi làm tầm đầu giờ chiều, đi qua đoạn đường Phạm Văn Đồng, đúng vào khoảng thời gian học sinh đi học đông. Nhiều hôm đang đi mà thấy nhóm học sinh đi xe điện dàn hàng rồi lao qua đường vun vút khiến mình cũng cảm thấy sởn da gà”.

Giải pháp giúp giảm tình trạng học sinh đi xe điện vi phạm luật giao thông

Từ thực trạng đáng báo động về việc học sinh đi xe điện vi phạm luật an toàn giao thông thì các biện pháp đề ra và được triển khai ngay lúc này là điều rất cần thiết. TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết: Để giảm thiểu tình trạng học sinh đi xe điện vi phạm luật an toàn giao thông, trước hết cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng. Sự phối hợp được thể hiện trong việc phát hiện, răn đe và xử lý vi phạm một cách nhân văn, có tính giáo dục nhưng kiên quyết và nghiêm khắc.

Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng để giảm thiểu tình trạng học sinh đi xe điện vi phạm luật giao thông

Cụ thể, về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục an toàn giao thông, thông qua chương trình chính khóa. Đưa nội dung chấp hành pháp luật an toàn giao thông thành tiêu chí đánh giá thi đua của học sinh, giáo viên. Thầy cô phải là tấm gương cho học sinh noi theo.

Theo TS Trần Hữu Minh, nhà trường cần tăng cường thực hành các kỹ năng tham gia giao thông và các bài học kinh nghiệm cho học sinh về các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tất cả các tỉnh thành phố ở Việt Nam. Nhà trường phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương trong giáo dục an toàn giao thông. Tổ chức ký cam kết, đưa nội dung trao đổi tổng kết về an toàn giao thông trong các buổi họp phụ huynh, phổ biến hướng dẫn đi đến trường an toàn cho học sinh và phụ huynh. Đặc biệt là việc tổ chức tiếp nhận thông tin vi phạm giao thông từ cơ quan chức năng, thông báo cho gia đình học sinh, để từ đó có giải pháp nhắc nhở, giáo dục và chế tài xử lý phù hợp.

Đồng thời, trong việc giảng dạy trẻ em phải bảo đảm có tính giáo dục cao. Ví dụ, tuyệt đối không nên bêu tên các em vi phạm trong buổi chào cờ, mà thay vào đó là các cuộc trao đổi cá nhân giữa giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng với các cá nhân vi phạm, kết hợp với thông tin cho bố mẹ để cùng phối hợp giải quyết, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông, phụ huynh nên làm gương trong việc thực hành các quy định về an toàn giao thông, xây dựng gia đình có văn hóa giao thông. Hướng dẫn cả về lý thuyết và thực hành kỹ năng đi bộ, kỹ năng điều khiển các phương tiện, cách thức ứng xử trong giao thông trước khi cho trẻ tham gia giao thông độc lập. Cung cấp một cách tốt nhất các điều kiện như: mũ bảo hiểm, xe được bảo dưỡng, áo phản quang, đèn xe đạp... để trẻ có thể tham gia giao thông an toàn.

TS Trần Hữu Minh nhấn mạnh, phụ huynh cần trực tiếp giám sát, kiểm tra kỹ năng tham gia giao thông của con em khi đi trên đường, điều chỉnh kịp thời nếu thấy cần thiết. Chủ động tham gia vào các chương trình tự quản, các hoạt động tự nguyện bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực đang sinh sống, khu vực trường học; phát huy trách nhiệm cá nhân trong việc nâng cao an toàn giao thông cho cộng đồng.