Bàng hoàng những cảnh ngộ nhập viện vì... thú vui "đập đá"

ANTD.VN -Có hàng nghìn lý do để giới trẻ tìm đến ma túy tổng hợp mà người ta quen gọi là“đập đá”. Khi “phê”, mỗi người có một biểu hiện khác nhau, nhưng điểm chung nhất là họ thường “không hẹn mà gặp” ở bệnh viện với biểu hiện tâm lý bất thường.

Những bệnh nhân đặc biệt

 Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viên Bạch Mai thông báo một con số chẳng lấy gì là làm vui: “Mỗi tháng, trung bình Trung tâm chống độc phải cấp cứu cho ít nhất 30 trường hợp nhập viện do sử dụng ma túy tổng hợp. Đa số các trường hợp này đều ở trong tình trạng mất kiểm soát, vật vã, hoang tưởng hoặc nói năng lảm nhảm. Và điều đáng buồn nhất là hầu như các bệnh nhân đó đều còn rất trẻ từ 20 đến dưới 30 tuổi".

Cách đây vài năm, bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là Heroin thì hiện số này đang giảm dần và... chuyển sang ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, nếu các bệnh nhân dùng Heroin khi ngộ độc thường ở trạng thái hôn mê và các bác sỹ còn dễ xử lý thì với ma túy “đá”, nhân viên y tế vô cùng vất vả trong việc khống chế để thực hiện các biện pháp chuyên môn.

Các đối tượng “đập đá” khi đã ở trạng thái “ngáo” đều bất hợp tác. Người nhẹ thì chửi bới, vùng vằng, còn nặng thì kích động, đập phá, la hét, cắn xé hoặc tấn công bất cứ ai động đến mình. Nhìn chung những bệnh nhân này thường có khuynh hướng bạo lực, hung dữ và khỏe một cách kỳ lạ. Nhiều trường hợp các bác sỹ của Trung tâm chống độc phải huy động tới 5-6 nhân viên bảo vệ to khỏe mới có thể giữ được họ và trong cả quá trình điều trị thì lo ngay ngáy khi bệnh nhân có những hành vi mà không ai có thể ngờ nổi.

Với những bệnh nhân “ngáo đá”, các bác sỹ phải huy động cả chục nhân viên bảo vệ mới có thể khống chế được để điều trị

Trong vô số những ca bệnh như vậy, Bác sỹ Nguyên vẫn nhớ một trường hợp đưa vào cấp cứu hồi tháng 6 vừa qua. Đó là bệnh nhân N.V.T (SN 1988) ở xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. T nghiện ma túy tổng hợp đã 3 năm nay nhưng gia đình không hay biết. Chỉ đến khi thấy anh ta có những biểu hiện khác người, bố mẹ T tra hỏi mới ngã ngửa về tình trạng hiện tại của con mình, nhưng đã muộn.

T thường xuyên mất ngủ, lo lắng, hoảng sợ và những lúc như vậy thì anh ta lại phải “đập đá” để tự trấn an mình. Thế nhưng, như một vòng luẩn quẩn, càng tự trấn an bao nhiêu T càng ngập sâu vào các biểu hiện hoang tưởng bấy nhiêu.

Ngày 13-6, sau một chầu “đập đá” đã đời, T gần như mất nhận thức. Bị gia đình giữ ở nhà không cho ra ngoài, T như phát cuồng và 2 hôm sau anh ta bỗng vớ lấy chai nước tẩy bồn cầu tu ừng ực để… giải khát. Khi phát hiện ra, gia đình tức tốc đưa T đi viện. Thế nhưng khi đến nơi, mặc cho cơn đau đang cào xé ruột gan, lợi dụng lúc mọi người đang làm thủ tục nhập viện, T giả vờ đi vệ sinh rồi lẻn ra ban công nhảy từ tầng 2 xuống đất chạy trốn.

Chứng kiến cảnh này, hàng chục bệnh nhân lúc đó kinh hoàng la hét, các bác sỹ cũng hoảng hồn chạy xuống tìm đủ mọi biện pháp cấp cứu. Nhưng "thần may mắn" đã mỉm cười với T khi anh ta chẳng hề bị tổn thương nào. Lý giải cho sự thần kỳ này, bác sỹ Nguyên chỉ còn cách lắc đầu: “Ở độ cao đó, người bình thường nặng thì gãy cột sống, chấn thương sọ não, nhẹ thì gãy tay, vỡ đầu. Nhưng có lẽ do anh ta “đập đá” quá lâu nên bây giờ thân thể gầy tới mức có thể tiếp đất nhẹ như cánh diều”.

Chẳng nhận ra mình là ai

Tại các cuộc vui, nếu như "dân chơi"có đông bạn bè bao nhiêu thì khi nhập viện, họ lại cô đơn, lẻ loi bấy nhiêu. Thường khi thấy trong hội có kẻ bắt đầu biểu hiện “ngáo”, đám bạn “đập đá” nếu tốt bụng lắm thì cũng chỉ rủ nhau đưa kẻ đang “phiêu” kia đến trước cổng bệnh viện rồi vứt đó coi như đã hết trách nhiệm. Báo hại các nhân viên y tế sau đó khổ sở để xác minh nhân thân và truy tìm tung tích bệnh nhân bằng cách chắp nối những ký ức rời rạc của họ qua các câu chuyện không đầu không cuối. Nhiều trường hợp chính bản thân họ cũng  chẳng còn nhớ mình ở đâu và tên là gì.

Cách đây ít hôm, chính bác sỹ Nguyên đã phải một phen lạnh người khi cấp cứu cho một bệnh nhân “ngáo đá” vô cùng hung tợn. Bệnh nhân này được đưa đến Trung tâm chống độc trong tình trạng hoang tưởng có người truy sát nên tấn công bất kỳ ai đến gần anh ta. Khi thấy người bệnh bắt đầu phá phách và chạy lung tung khắp các khoa phòng, bác sỹ Nguyên cùng các y tá đã cố gắng ôm thật chặt nhưng bất lực bởi anh ta quá khỏe và điên cuồng chống cự.

Chỉ đến khi có sự hỗ trợ của nhân viên bảo vệ, anh ta mới chịu thúc thủ. Đúng lúc ấy, các bác sỹ sững sờ khi thấy từ túi quần bệnh nhân rơi ra một con dao nhọn. “Vì hoang tưởng quá nặng nên có lẽ bệnh nhân này quên bẵng đi mình có dao trong người. Nói dại miệng, nếu lúc đó anh ta nhớ ra thì tính mạng chúng tôi không biết sẽ như thế nào” - bác sỹ Nguyên thở dài.

Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân này gần như vẫn mất nhận thức cả về không gian lẫn thời gian

Trong số những bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp dẫn tới hoang tưởng, rối loạn tâm thần phải vào Trung tâm chống độc điều trị, nhiều người không thể hồi phục như ban đầu. Bệnh nhân T.B.T (SN 1994) nhà ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm là một ví dụ. Lúc 1h sáng ngày 19-9, cô gái này nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, suy hô hấp nặng và sốt tới 41 độ. Trước đó, T đã cùng bạn vừa hút cần sa, vừa sử dụng ma túy tổng hợp.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong nước tiểu của bệnh nhân có phản ứng dương tính với các chất MDMA và Methamphetamin. Đây là các chất có trong ma túy dạng “đá” và có tác dụng nhanh theo đường tiêm chích hoặc hút, nhưng chuyển hóa rất chậm. Đặc biệt Methamphetamin có tác động gây tạm thời mất cảm giác thèm ăn, tăng nhịp tim, tăng huyết áp khiến người sử dụng luôn ở trạng thái thức tỉnh, căng thẳng, hứng tình về cả tâm lý lẫn thể chất.

Khi chúng tôi tới hỏi thăm, cô gái này đã điều trị được 20 ngày nhưng gần như vẫn ở tình trạng mất nhận thức cả về không gian lẫn thời gian, trí nhớ lẫn lộn. Bác sỹ Nguyên cho biết, do sử dụng ma túy quá nặng nên T đã tổn thương các cơ, nhất là tổn thương não và rất khó để ổn định lại như ban đầu. Một số dân chơi hiện nay biện minh rằng, sử dụng ma túy tổng hợp sẽ không gây nghiện như Heroin là sai hoàn toàn. Chúng hoàn toàn có thể nghiện, thậm chí nguy hại hơn là có thể dẫn tới tình trạng thần kinh bị tê liệt và không thể hồi phục được.