Bạn có biết về ngân hàng tinh trùng và thụ thai từ tinh trùng đông lạnh 15 năm?

ANTĐ - Trước tình trạng hiếm muộn ngày càng gia tăng, nhiều quý ông lo xa đã quyết định để dành “con giống” bằng cách gửi tinh trùng vào ngân hàng đông lạnh tinh trùng để sử dụng trong trường hợp nguy cấp. Cũng có những trường hợp do người chồng bị đau ốm hoặc công việc  liên quan đến môi trường độc hại có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nên họ đã tìm giải pháp gửi “tiết kiệm” vào ngân hàng tinh trùng…

Những em bé được chào đời từ tinh trùng… đông lạnh 

Vừa cưới nhau được 5 tháng, chưa kịp có con thì chồng chị H được thông báo bị ung thư dạ dày. Để điều trị sẽ phải dùng đến hóa chất và xạ trị. Lo sợ tình trạng sức khỏe cùng với việc điều trị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, sau một thời gian cân nhắc hai vợ chồng chị đã quyết định gửi tinh trùng vào một ngân hàng. Sau 2 năm tích cực điều trị, sức khỏe của anh đã dần hồi phục. Còn chị đã mang thai 6 tháng bằng tinh trùng được lưu giữ đông lạnh của chồng tại ngân hàng tinh trùng. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị H, Việt Yên, Bắc Giang. Niềm vui đã trở lại với gia đình chị khi bác sĩ thông báo sức khỏe của anh đã dần ổn định, còn chị, nhờ thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của chồng đã mang thai một bé trai.

Theo TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trên thế giới từ lâu đã có những ngân hàng tinh trùng. Thực tế đã có những em bé được ra đời từ tinh trùng đông lạnh 15 năm. Ở Việt Nam cũng có nhiều bệnh viện có ngân hàng này. Đây là nơi lưu giữ tinh trùng của những người gửi và hiến tinh trùng trong những trường hợp: người đi công tác xa, người sang nước ngoài, người chuẩn bị làm việc trong những môi trường nguy hiểm, nhiều hóa chất, người chuẩn bị điều trị ung thư, người bị tai nạn liệt nửa người... Sau khi làm các xét nghiệm, nếu đủ các điều kiện bệnh viện sẽ đồng ý lấy mẫu tinh trùng. Sau đó, mẫu tinh trùng sẽ được đưa đi đông lạnh trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C. Một mẫu tinh trùng như vậy có thể sử dụng tốt sau nhiều năm lưu giữ, thậm chí là vài chục năm. Và trên thực tế, hình thức lưu giữ tinh trùng này cũng cho thấy, nó đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng.

Theo quy định người cung cấp mẫu đều được xét nghiệm HIV, viêm gan, giang mai, đặc biệt là xét nghiệm nhiễm sắc thể, phải đảm bảo điều kiện dưới 40 tuổi, đã có con, gia đình 3 đời không mắc bệnh di truyền. Trên nguyên tắc, mỗi người chỉ được hiến một lần và đảm bảo giữ kín thông tin về cá nhân. Khi dùng, tinh trùng được lọc rửa, sau đó bơm vào buồng tử cung người vợ. Phụ nữ bị tắc vòi trứng có thể sử dụng nguồn tinh trùng này để thụ tinh trong ống nghiệm. 

Trường hợp vợ chồng chị K, ở Hưng Yên cũng không là ngoại lệ. Chồng chị không thể xuất tinh như bình thường mà lại xuất ngược vào bàng quang. Anh được bác sĩ tiến hành lọc rửa tinh trùng từ nước tiểu rồi gửi vào ngân hàng, sau đó bơm vào tử cung chị H, đến nay hai vợ chồng chị đã có 2 cháu bé kháu khỉnh. 

Tương tự, dù chưa lập gia đình, Huy 30 tuổi, Nghệ An phát hiện mình bị ung thư tinh hoàn. Lo sợ sau quá trình điều trị, con giống của mình cũng bị diệt hết hoặc yếu đi, Huy đã phải đem mẫu đến nhờ ngân hàng lưu giữ. “Không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra sau khi điều trị hóa trị và xạ trị nên tôi nghĩ cứ phòng trước. Nếu chẳng may sau này không còn sức khỏe thì vẫn còn cái này để hy vọng được làm cha - Huy cho biết. Để cẩn thận, Huy đã gửi 4 mẫu tinh dịch tại các ngân hàng tinh trùng khác nhau và yên tâm bước vào điều trị căn bệnh ung thư.

Hay trường hợp một cặp vợ chồng trẻ lấy nhau đã hơn 4 năm nhưng chưa có con. Sau khi đi khám mới biết chất lượng tinh trùng của người chồng không đạt yêu cầu nên việc chạy chữa cũng không có kết quả. Cuối cùng cả hai vợ chồng đã tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn khám và điều trị. Kết quả thật bất ngờ, chị vợ đã mang thai 2 trai, một gái. Đó là cặp sinh 3 đầu tiên nhờ tinh trùng của người hiến tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.

Chồng chết rồi vẫn sinh được con

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ còn cho biết về một trường hợp 2 vợ chồng ở Nam Định cưới nhau chưa kịp mang thai thì phải sang nước ngoài công tác vài năm trong môi trường nhiều hóa chất. Nếu chờ đến khi về nước mới sinh con thì cả hai lại e ngại về khả năng sinh sản. Sau khi suy nghĩ, họ đã đến gửi “con giống” của chồng vào ngân hàng tinh trùng. Tuy nhiên sau hơn một năm thì người vợ đã trở lại bệnh viện với một câu chuyện đau lòng. Người chồng sau khi sang nước ngoài một thời gian ngắn đã không may bị tai nạn và qua đời. Điều đó khiến người vợ và gia đình đau đớn tột cùng. Với mong muốn sinh con với người chồng quá cố, người vợ cùng gia đình đã đến bệnh viện xin tiến hành thụ tinh với mẫu tinh dịch của chồng. Rất may mắn là quá trình thụ tinh thành công tốt đẹp, một em bé khỏe mạnh đã được chào đời.

Với phương pháp này, đã đem lại sự kỳ diệu và hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng vì những lý do bất đắc dĩ không thể có con như ý muốn. Vì thế mới có chuyện dù người chồng đi công tác xa nhưng người vợ vẫn có thể mang thai được với chồng. Tuy nhiên, theo TS Vệ, việc gửi tinh trùng để lưu giữ trong ngân hàng đông lạnh cũng chỉ nên áp dụng trong những trường hợp hết sức cần thiết, bởi việc gửi “con giống” tuy rất hữu ích, nhưng để sinh sản, tốt nhất vẫn là phương pháp tự nhiên.

Thiếu đầu vào

Theo TS Lê Vương Văn Vệ, trong các nguyên nhân gây vô sinh, 40% là do nam giới, 40% là do nữ giới, 10% là do cả hai phía và 10% không rõ nguyên nhân. Trong số nam giới vô sinh, tới gần 50% do có quá ít hoặc không có tinh trùng. Để có con, đa số phải xin tinh trùng của người khác. Muốn thực hiện điều này phải có ngân hàng tinh trùng và cụ thể là phải có người hiến. Ngân hàng tinh trùng được xây dựng với mục đích giúp khách hàng lưu giữ mẫu tinh trùng của chính mình để phòng các rủi ro khiến họ không thể sinh con (lưu giữ hữu danh). Ngân hàng cũng nhận các mẫu tinh trùng được hiến để giúp các cặp vợ chồng vô sinh có thể sinh con nhờ thụ tinh nhân tạo (lưu giữ vô danh). Ở Việt Nam, việc lưu giữ tinh trùng cũng đã được thực hiện ở một số cơ sở phụ sản lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trung tâm công nghệ mô phôi thuộc Học viện Quân y, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, các cơ sở này hầu hết chỉ nhận được các mẫu hữu danh, trong khi các bệnh nhân vô sinh có nhu cầu xin tinh trùng rất lớn. 

Nguyên nhân được cho là người dân chưa thực sự hiểu về việc hiến tinh trùng. Nhiều người lo ngại việc hiến tinh trùng sẽ ảnh hưởng đến sự yên ổn của gia đình trong tương lai hoặc xảy ra chuyện sau này con cái gặp nhau, lấy nhau. Một nguyên nhân khác là hiến tinh trùng không giống như hiến máu nên khó phát động mọi người tham gia, do đó các ngân hàng tại các bệnh viện đều trong tình trạng khan hiếm mẫu tinh trùng. Tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ trong vòng 2 năm chỉ có 25 người đến hiến tinh trùng trong khi ngân hàng tinh trùng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thực tế. Một số quy định về hiến tinh trùng trong Nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học (như người hiến phải ở độ tuổi 20-40, đã có con, chỉ được cho một lần, miễn phí...) đã góp phần thu hẹp đối tượng hiến. Việc bí đầu vào đã khiến cho danh sách cặp vợ chồng vô sinh muốn xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm phải xếp hàng chờ đợi nhiều năm.

Bạn có biết về ngân hàng tinh trùng và thụ thai từ tinh trùng đông lạnh 15 năm? ảnh 2

Với phòng thí nghiệm rộng trên 3 km2, và xuất khẩu đi hơn 70 quốc gia, Cryos trở thành ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới (đóng tại Đan Mạch). Ước tính đã có khoảng 20.000 đứa trẻ được sinh ra từ những “con giống” ở đây. Hiện tại ở châu Âu, mỗi ngày có 4 đứa trẻ ra đời nhờ vào Cryos. Giá của những hộp tinh trùng trên dao động từ 30 đến 300 bảng Anh - tùy thuộc vào việc người hiến tặng nêu danh hay ẩn danh, cũng như số lượng thông tin được cung cấp xoay quanh người hiến tặng này. Ngân hàng chủ yếu cung cấp cho những người vô sinh, các cặp đồng tính, bệnh nhân ung thư trước khi xạ trị, phụ nữ đơn thân và những ngư dân - những người có thể sẽ phải đi xa nhà trong giai đoạn rụng trứng của vợ.