Bàn cách nới lỏng chính sách dân số: Không cẩn thận sẽ gây hiểu nhầm

ANTĐ - Để duy trì mức sinh thay thế, hơn 10 năm qua, Việt Nam đã kiên trì thực hiện vận động “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con”, song hiện tại mức sinh ở nhiều nơi đang giảm quá thấp. Do vậy, nhiều chuyên gia đề xuất, thời gian tới, nên nới lỏng chính sách này hoặc cho các cặp vợ chồng được tự ý quyết định số con.

Đến lúc phải điều chỉnh 

Hiện tại, Bộ Y tế đang tích cực lấy ý kiến về dự thảo Luật Dân số để thay thế cho Pháp lệnh Dân số năm 2008 đã có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế. Trong quá trình xây dựng luật, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là quy định về số con của mỗi cặp vợ chồng. Một luồng ý kiến cho rằng, vẫn phải tiếp tục vận động “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con” hoặc nới lỏng hơn nữa cho phép “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con”. Luồng ý kiến khác lại muốn quay lại quy định như Pháp lệnh dân số 2003, tức là các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh.

Tại hội thảo đại biểu Quốc hội với chính sách, pháp luật về dân số diễn ra cuối tuần qua, GS Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nghiêng về ý kiến cho phép các cặp vợ chồng được tự quyết định số con. Quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp 2013. Mặt khác, hơn 10 năm qua, Việt Nam đạt mức sinh thấp và thế hệ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay trình độ nhận thức đã cao hơn trước rất nhiều. Đồng quan điểm, bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh, bởi nó có thể tác động tới sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là quy định về số con của mỗi cặp vợ chồng. Điều này phải hết sức cân nhắc bởi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, không thể phục hồi được khi già hóa dân số quá sâu. Kinh nghiệm từ thế giới cũng cho thấy, giải quyết vấn đề mức sinh thấp khó hơn nhiều xử lý mức sinh cao, thực tế cũng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh từ thấp lên cao. Hiện tại, tổng tỷ suất sinh của nước ta luôn dưới mức sinh thay thế kể từ năm 2006 (dưới 2,1 con/bà mẹ), trong đó một số vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã duy trì mức sinh rất thấp trong 5-6 năm nay (Đông Nam bộ là 1,56 con/bà mẹ; đồng bằng sông Cửu Long là 1,84 con/bà mẹ), nghĩa là bình quân mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh khoảng hơn 1,5 con.

Cần hết sức thận trọng

Cho rằng đây là một giai đoạn nhạy cảm, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế cho biết, sự thay đổi chính sách, pháp luật về dân số cần hết sức thận trọng, nếu không có thể gây hiểu nhầm trong dân là chúng ta khuyến khích sinh con. Trước mắt, Việt Nam sẽ tiếp tục định hướng duy trì mức sinh thay thế, đây là nhiệm vụ không dễ dàng bởi hiện một số vùng vẫn có mức sinh cao. “Quan điểm của chúng tôi là từng bước nới lỏng chính sách kiểm soát giúp duy trì được mức sinh thay thế như trong thời gian qua. Nới lỏng chính sách dân số có thể khiến quy mô dân số tăng trong ngắn hạn nhưng dài hạn mức sinh sẽ không tăng nhiều. Việt Nam sẽ không rơi vào tình trạng suy giảm dân số trầm trọng như kịch bản mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã mắc phải” - ông Tân khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, Việt Nam luôn coi công tác dân số là một cuộc vận động lớn với mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có 2 con mà chưa có một cơ chế, chế tài, chính sách pháp luật nào khống chế mức sinh, xử phạt người vi phạm. Hơn nữa, việc vận động người dân sinh ít con trước hết cũng là vì lợi ích của từng cá nhân, từng gia đình để nuôi dạy con được tốt hơn. Do đó, thông điệp truyền thông, vận động của ngành dân số đến từng người dân tới đây vẫn là “mỗi gia đình sinh 2 con”.