Bản án 15 năm tù và giá trị mỗi ngày tự do

ANTĐ - Thành dẫn tôi ra cánh đồng lúa đang kỳ làm hạt, hương sữa mới nồng nàn. Gần 2 mẫu ruộng tốt bời bời, thành quả của quãng thời gian vợ chồng anh dồn sức chăm bón. Đâu phải ngẫu nhiên anh muốn chúng tôi thấy đồng lúa, mà đó là một lời chứng minh, một nhắn gửi: “Tôi đã ra đi từ làng quê, cũng sẽ đứng dậy ở làng quê và làm lại cuộc đời”.
Bản án 15 năm tù và giá trị mỗi ngày tự do ảnh 1

Anh Thành ngoài đồng lúa

Từ kẻ nghiện và những ngày tháng trong trại giam

Chỉ nghe thoáng chốc thôi, sẽ thấy cuộc đời anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Đạo Sử, thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh không có gì quá đặc biệt so với những người lạc lối lầm đường. Cũng khó khăn, rồi cũng vấp ngã, rồi cũng lang bạt, tội lỗi... và trở về. Điều đó cũng cho thấy rằng, có nhiều con đường dẫn đến lầm lỡ, nhưng để làm người trở về với cộng đồng thì chỉ có một con đường duy nhất đó là thức tỉnh để làm lại cuộc đời.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa học hết lớp 4, mấy anh em Thành tự làm lụng nuôi nhau. Năm 18 tuổi, Thành lên đường nhập ngũ. Xuất ngũ, anh trở về địa phương rồi lập gia đình. Nhưng, nếu chỉ vậy thôi thì đâu có gì đáng nói. Điều khiến Thành rơi vào vòng lao lý có nguyên do từ cuộc sống khó khăn sau khi lập gia đình để rồi anh trải qua những tháng ngày sa ngã và có lúc tưởng không thể thoát ra khỏi mê đắm.

Năm 1994, cuộc sống khó khăn đã đẩy anh lên biên giới Lạng Sơn làm cửu vạn. Vẫn không đủ tiền nuôi vợ con, Thành bỏ về Quảng Ninh làm cai than. “Cuộc sống chẳng khấm khá hơn, cái đói lại “dắt” tôi ra tận cảng cá thị xã Cửa Ông buôn bán. Có lưng vốn nhưng tôi nghe bè bạn xấu rủ rê, bị ma túy đánh gục rồi trở thành kẻ nghiện nặng” - Thành kể về quá khứ của mình.

Nghe chồng nhắc lại chuyện cũ, chị Nguyễn Thị Tằm, vợ anh Thành cũng thổn thức, như thể nỗi đau ấy vừa mới diễn ra hôm qua. Chị thêm lời: “Ước mơ làm giàu đã tan vỡ. Ra đi với hai bàn tay trắng thì năm 1998, anh trở về ngoài cái thân dặt dẹo còn cõng thêm bệnh tật. Tôi chỉ biết ôm con khóc thôi”.

Biết không đủ sức lo cho chồng, chị Tằm đã nhờ cán bộ địa phương giúp đỡ. May thay, ông Nguyễn Tiến Suất, khi đó là Chủ tịch UBND xã đã giúp đỡ anh Thành cai nghiện tại trụ sở. Nhưng niềm hy vọng của chị Tằm và sự cố gắng của chính quyền xã đã trở thành nỗi thất vọng khi Thành không thể cai nghiện. Hết lần này đến lần khác, Thành vẫn không thoát được nỗi ám ảnh của ma túy. “Vùng quê tôi khi đó biết bao tổ ấm đã bị hoành hành đến tan hoang do “bão” ma túy. Tôi đã làm mọi người thất vọng.

Sau đó tôi được đưa về Trại giáo dưỡng tỉnh Bắc Ninh để cai nghiện nhưng 6 tháng qua đi, tôi trở về gia đình và tái nghiện”. Năm 2001, tổ ấm của Thành như đứng trên bờ vực thẳm, nhất là khi anh bị bắt và vị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh kết án 15 năm tù giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Lúc Thành phải chấp hành án phạt tù trại trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), chị Tằm khóc ngất đi, chỉ nói được một câu: “Em sẽ chăm con tốt! Anh yên tâm cải tạo để có ngày trở về”.

Thời gian đầu Thành luôn nghĩ rằng 15 năm quá dài, và đời mình coi như đã hết, không còn cơ hội để làm lại, vì thế Thành luôn gây gổ, đánh nhau và bị kỷ luật. Anh nhớ lại: “Tôi nghĩ vậy là tàn đời, và cứ thế chống đối kỷ luật, không hợp tác với cán bộ. Lại thường gây gổ đánh nhau nữa”. Nhưng, nhờ cán bộ trại giam kịp thời động viên, chia sẻ, anh đã thay đổi suy nghĩ của mình, nhất là được ông chủ tịch ở quê nhà gửi thư vào khuyên nhủ: “Vợ anh ở nhà vất vả chăm con, lúc nào cũng thương anh. Anh phải nghĩ cho gia đình”.

Từ đó Thành có động lực để cải tạo, lao động và được cai dứt hẳn nghiện ngập, đồng thời tin rằng mình sẽ có ngày được trở về. “Biết mình đã sai, tôi cố hoàn thành tất cả mọi việc được giao. Dần dần được cán bộ quản giáo tin tưởng, được bầu làm buồng trưởng, chịu trách nhiệm nắm bắt tinh thần của anh em, nhất là những người chưa ổn định tinh thần cải tạo, nhắc nhở phạm nhân sinh hoạt sạch sẽ, gọn gàng...”, Thành nhớ lại. 

Năm 2004, Thành nảy ra ý tưởng thành lập quỹ “Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân” nhằm giúp đỡ những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi trình bày nguyện vọng, Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 hỏi mục đích. Thành nói: “Ở trong trại là người ta nghĩ đến chuyện đánh nhau, trấn lột. Quỹ sẽ giúp đỡ được người có hoàn cảnh khó khăn. Như thế, giữa người cho và người nhận sẽ có mức độ thân tình, từ đó lan sang những người khác. Mọi tiêu cực trong trại giam cũng sẽ dần giảm bớt”. Nhận thấy việc làm đó là tích cực, nếu triển khai tốt sẽ mang giá trị nhân văn lớn Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã chấp thuận. Quỹ được triển khai, đã giúp đỡ cho nhiều cháu nhỏ và những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhân lên niềm tin và sự hướng thiện của người chấp hành án phạt.

Giá trị của mỗi ngày tự do

Năm 2009, một lần nữa, Thành đã khiến cán bộ trại nể phục bởi bài viết xúc động tham gia cuộc thi viết Nhật ký và niềm tin hướng thiện, do Tổng cục 8 (Bộ Công an) phát động cho toàn bộ phạm nhân trong cả nước. Bài viết gây xúc động và được biểu dương trước trại, được Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 trao giải Ba. Bài viết về những trăn trở, nỗi ân hận của người phạm tội, niềm khao khát tự do và ý thức vươn lên làm người có ích của Thành đã góp phần lay thức rất nhiều phạm nhân. Qua đó, họ cùng nhận thấy giá trị tuyệt vời của từng giây từng phút tự do ở cuộc sống bên ngoài. Thành cảm nhận được ngày mình được trở về với vợ con đang đến gần…

Với những thành tích và sự cố gắng vượt trội để cải tạo thành người tử tế, câu chuyện của Thành lan đến Đài truyền hình Việt Nam, và anh trở thành nhân vật trong chương trình Người đương thời, quay ngay trong trại giam Phú Sơn 4. Tại đó, anh đã nói về sự biết ơn đối với những người đã cứu đời anh, trong đó có người vợ - chị Tằm. “Tôi được phép gọi điện về, nói chuyện và quay trực tiếp. Vợ tôi không hề cằn nhằn, đã tin và giúp tôi nhận ra giá trị của những đồng tiền lương thiện, cuộc sống tự do. Hơn thế còn cho tôi cảm nhận niềm hạnh phúc của tổ ấm, có những đứa con ngoan”.

Niềm khao khát của anh đã thành hiện thực. Sau nhiều nỗ lực, Thành được giảm 4 năm tù giam và tháng 6-2012 anh trở về quê. Lúc này, vợ con anh vẫn vất vả. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của chị Tằm, anh thấy giận mình lắm, chỉ biết động viên vợ: “Những gì đã qua anh muốn đưa vào quá khứ. Giờ anh phải sống lương thiện, làm việc tốt như những gì mình đã được, gạn đục khơi trong”. Chị Tằm chỉ gật đầu, sâu thẳm trong thâm tâm chị vẫn lo sợ anh bị dụ dỗ rồi mắc nghiện lại. Nhưng Thành đã đóng cửa, không dính líu tới những bạn bè xấu. Đóng cánh cửa này và mở ra cánh cửa khác. Anh đi khắp nơi, gõ cửa các cơ quan chức năng nhờ dạy nghề, học cách làm ăn…

 Thật mừng, anh được Hội Phụ nữ thị trấn Thứa giới thiệu cho đi học nghề trồng nấm. Nắm bắt được kinh nghiệm, anh triển khai trồng tại gia đình, được tạo điều kiện vay vốn sửa chữa nhà, mở xưởng. Có điều kiện, anh còn giúp đỡ những người chưa có điều kiện về giống, vốn và kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Hoài, người được giúp đỡ trồng nấm cho biết: “Anh Thành chịu khó, năng động và luôn trăn trở giúp đỡ người nghèo. Anh ấy cũng có khát vọng mở rộng và phát triển công nghệ trồng nấm tại địa phương”.

Mấy vụ lúa gần đây, Thành đã thuê máy gặt lúa về giúp bà con. Gia đình chỉ có người già, hộ mẹ góa con côi, anh chỉ lấy một nửa tiền, tận tình mạng thóc vào tận đầu bờ để họ tiện chuyên chở. Anh cũng tích cực phát triển kinh tế, và nhận lấy niềm vui vì đang giúp được nhiều bà con làm nấm, cấy và gặt lúa. Anh cứ nỗ lực nhân lên niềm hạnh phúc, cũng như lòng tri ân với cuộc sống, bằng những việc làm giản dị như thế. Đúng như lời anh: “Tôi nợ cuộc đời, nợ những người đã đưa cánh tay ra cứu tôi. Ân nghĩa ấy chẳng bao giờ tôi trả hết”.