Bãi rác công nghệ

ANTĐ - Chị Bùi Thị Phương (26 tuổi, Lê Duẩn, Hà Nội) đang chụp ảnh trên cầu Long Biên, bỗng nhăn mặt khi có cơn gió thổi qua…

- Mùi rác đúng không? 

- Vâng, ghê quá. Đứng trên cây cầu lịch sử, nhìn ra những bãi ngô xanh mướt, đang lãng mạn thì ôi thôi… mấy bác tập thể dục còn phải vừa chạy vừa bịt mũi kia kìa.

- Rác hữu cơ này tuy mùi nhưng phân huỷ nhanh. Thấy bảo giờ bãi rác còn đầy cả điện thoại, máy tính cũ, hỏng…

- Rác công nghệ đấy! Năm nào cũng thế, các mặt hàng như ô tô, điện thoại di động, đồ điện tử luôn chiếm tỉ trọng nhập siêu cao nhất trong khi chúng lại rất nhanh lỗi thời… Mà lỗi mốt rồi thì không ra bãi rác thì đi đâu. Chưa kể nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn bất chấp các qui định để nhập rác thải điện tử, công nghiệp về để làm gì thì có trời mới biết.

- Chắc là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ chúng ta?

- Anh có biết trong một linh kiện điện tử, hay một bảng mạch có rất nhiều chất độc hại không? Nếu xử lý không đúng cách như đem chôn mà ngấm vào mạch nước ngầm thì có khi lại xuất hiện cả chục bệnh lạ. Đốt thì tạo nên khí thải còn độc hơn. Mà hình như chúng ta chưa chú ý đến công nghệ để xử lý loại rác độc hại này.

- Rác thải điện tử hiện nay đều được tái chế một cách thô sơ, chủ yếu là dùng phân kim vàng, bạc hoặc tháo dỡ, lấy linh kiện, bán lại phụ kiện. 

- Nguyên nhân là do chúng ta hay chạy theo mốt này, mốt nọ, đã nghèo nhưng lại thích dùng đồ xa xỉ. Nền công nghiệp trong nước thì ngắc ngoải vì không có thị trường, trong khi người ta đua nhau nhập thiết bị từ mới nhất đến cũ nát nhất. Cứ thế này nước ta sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” mất thôi!