Bài học về lòng trắc ẩn và nhân lên những yêu thương, cao thượng của tuổi học trò

ANTD.VN - Chỉ trong vài ngày gần đây, chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đối lập giữa sự vô cảm và tình yêu thương, chia sẻ của giới học trò giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Xác nhận chính thức từ cơ quan quản lý cho thấy, nhóm nữ sinh trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đánh hội đồng bạn ngay trên lớp học vốn là bạn chơi thân với nhau. Sự việc nhóm học sinh này cổ vũ, cố tình quay lại vụ đánh nhau rồi đăng lên mạng xã hội thay vì can ngăn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm của một số học sinh. 

Bài học về lòng trắc ẩn và nhân lên những yêu thương, cao thượng của tuổi học trò ảnh 1Học sinh Hà Nội chia sẻ khó khăn với các em học sinh Mường La, tỉnh Sơn La, sau trận lũ lịch sử đầu tháng 8-2017

Đánh hội đồng bạn ngay tại lớp học 

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ, Hà Nội Nguyễn Văn Vững cho biết, sau khi điều tra, kiểm chứng thông tin, CAH Chương Mỹ kết luận, học sinh H.T.T (lớp 7D) bị một nhóm học sinh của trường THCS Trường Yên đánh tại phòng học lớp 7A vào lúc 11h45 sau giờ sinh hoạt lớp ngày 7-10 do em này đã lấy mật khẩu và dùng tài khoản Facebook của một bạn trong nhóm đăng thông tin lên mạng dẫn đến mâu thuẫn và va chạm. 

Hình ảnh trên clip cho thấy các nữ sinh này thay nhau đánh và dùng chân đá vào đầu, giật tóc, tát vào mặt, rồi ngồi lên đầu và cuối cùng là lột áo của nữ sinh kia. Ngoài những nữ sinh tham gia đánh bạn thì nhiều em học sinh khác cũng có mặt ở đó nhưng không hề can ngăn. Thậm chí, còn cổ xúy đánh mạnh lên và dùng điện thoại quay lại, sau đó đưa lên mạng. 

Chị N.T.H, mẹ nữ sinh cho biết, khi được người cháu cho xem clip con gái bị đánh chị không dám xem hết vì thấy quá dã man. “Đến giờ tôi không hiểu tại sao mấy cháu lại hành động như vậy với con mình, trong khi từ trước đến nay chúng nó đều là bạn thân với nhau”, chị N.T.H chia sẻ. 

Bản thân em H.T.T cũng khẳng định, nhóm bạn đánh em đều chơi thân với nhau và chỉ nghĩ là nói chuyện bình thường khi được yêu cầu lên lớp gặp các bạn. Chưa kịp định hình có chuyện gì thì có 6 bạn lao vào tát, đánh, đạp liên tục khiến H.T.T không thể chạy ra ngoài vì cửa đã chốt. “Tuy nhiên, đến chiều thứ hai đi học các bạn đã xin lỗi và tới nói chuyện với em, mong muốn em tha thứ cho các bạn”, em H.T.T cho biết thêm.

Thiếu những bài học yêu thương

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, lứa tuổi học sinh dễ bị kích động, thích chơi trội, thể hiện mình nên khi rơi vào những vụ việc có tính mâu thuẫn thì dễ phát sinh những hành vi tiêu cực. Để ngăn chặn tình trạng này, nhà trường cần có nội quy xử phạt nghiêm việc học sinh đánh nhau ở bất kể trong hay ngoài trường. Ngoài ra, vai trò của giáo viên rất quan trọng phải vừa mềm vừa rắn để dạy dỗ và răn đe học sinh giúp các em nhận thức cái đúng mà không tham gia các vụ việc như trên. Tuy nhiên, thực tế, việc giáo dục tình yêu thương trong các trường học không đơn giản. Chỉ bằng những bài học, lời giảng suông, học sinh khó có thể tiếp thu để chuyển hóa thành nhận thức của bản thân. 

Một trong những hình ảnh xúc động toát lên tình yêu thương của học sinh Hà Nội trong những ngày gần đây là bức thư hay hàng nghìn con hạc do chính tay các em gấp cùng tiếng hát đồng ca hướng về người thầy, cố PGS Văn Như Cương với mong muốn chia sẻ với thầy và gia đình trong thời điểm thầy mắc bệnh.

Cố PGS Văn Như Cương đã từng chia sẻ với các bậc phụ huynh trong dịp khai giảng năm học mới: “Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm… chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên”.

Những ngày này, học sinh các tỉnh miền núi phía Bắc, hay các tỉnh miền Trung đang phải đối mặt với những nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng do mưa lũ dồn dập. Hàng chục nghìn học sinh không thể đến trường vì bị cô lập trong biển nước, nhiều gia đình mất đi tài sản, người thân… - Hãy để các em biết và cùng chia sẻ, chung tay giúp đỡ với đồng bào đang chống chọi với thiên tai thay vì chỉ biết đến cảm xúc bản thân với những mâu thuẫn nhỏ nhặt hàng ngày. Có những bài học thực tế, các em sẽ bớt đi tính ích kỷ, sự vô cảm, thêm vào lòng trắc ẩn và tình yêu thương bạn bè, con người.

“Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận, làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên”.

Cố Phó Giáo sư Văn Như Cương