Bác sỹ tuyến đầu chiến thắng đại dịch SARS: "Tôi chỉ góp phần nhỏ, đừng nhắc đến như người hùng"

ANTD.VN - Cách đây 17 năm (2003) Việt Nam và thế giới đã vượt qua đại dịch SARS trong bối cảnh cực kì căng thẳng tương tự đại dịch nCoV hiện nay. 

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (thời điểm năm 2003 là Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai) thời điểm đại dịch SARS chính là tuyến đầu phòng chống dịch ở Việt Nam.

Đối mặt với dịch trong cảnh thiếu thốn tứ bề

Dù 17 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến đấu với dịch SARS nhưng bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (thời điểm năm 2003 ông đang là Trưởng khoa cấp cứu) vẫn nhớ như in từng dấu mốc thời gian, từng bệnh nhân được điều trị SARS tại đây.

Ngày 23/2/2003, ông Johny Chen, người Mỹ gốc Hồng Kông đến Việt Nam để làm việc với một nhà máy ở Hưng Yên, nhưng đang cư trú ở một khách sạn trên địa bàn Hà Nội thì ông Chen bị ốm, được lễ tân khách sạn đưa vào BV Việt Pháp vào ngày 26/2 với các biểu hiện nhiễm trùng suy hô hấp như ho, sốt, khó thở và các triệu chứng nặng như long cơ khớp, suy hô hấp nặng.

Các bác sĩ thăm khám một bệnh nhân mắc SARS tại Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (ảnh tư liệu)

Đầu tháng 3, bệnh nhân Chen phải đặt ống thở hỗ trợ, đáng nói, sau ca phẫu thuật này thì cả kíp bác sĩ, nhân viên y tế cùng thực hiện đều có biểu hiện nhiễm bệnh, thời điểm này ghi nhận 17 nhân viên y tế của BV Việt Pháp phát bệnh.

Ngày 8/3, bác sĩ Võ Văn Bản, thời điểm đó là Phó tổng giám đốc BV Việt Pháp đã tổ chức một cuộc hội chẩn nhỏ về dịch bệnh ở Việt Pháp. “Khi tôi vào Việt Pháp thì thấy không khí cách ly, chống dịch, nhân viên y tế đeo khẩu trang, các cửa đóng kín, không khí rất bí bách”- ông Hà nhớ lại.

Ngày 10/3, khi giao ban Khoa cấp cứu tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới có nói qua tình hình tại BV Việt Pháp, đồng thời cảnh báo sớm về khả năng lây lan trong thời gian tới, cần phải chuẩn bị tinh thần để tham gia điều trị, chống dịch.

Một bệnh nhân mắc SARS phải hỗ trợ thở máy tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới

“Thời điểm đó, tôi lo nhất là lây lan sang nhân viên y tế của bệnh viện, những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, trong khi trang bị phòng hộ tại thời điểm này rất thiếu thốn. Khẩu trang chuyên dụng không đủ, áo giấy phòng hộ, gang tay không có, máy trợ thở cũng chỉ có một vài cái…” - bác sĩ Hà cho hay.

Cũng trong ngày 10/3, BV Việt Pháp có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia gồm lãnh đạo BV Việt Pháp, bác sĩ Carlo Urbani (chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chuyên về các bệnh truyền nhiễm đã đến tham khám cho bệnh nhân Chen), GS  Trần Quỵ (thời điểm đó là Giám đốc BV Bạch Mai) bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, bác sĩ Nguyễn Đức Hiền (thời điểm đó là Phó Giám đốc Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới).

Tại cuộc họp này, bác sĩ Carlo Urbani đề nghị, WHO thông báo  tình hình dịch bệnh cho Bộ Y tế Việt Nam để phối hợp chống dịch và cần phải cảnh báo quốc tế. Ông Hà cho rằng, đây là một việc rất quan trọng trong khâu chống dịch.

Một kíp y, bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân SARS của Viên y học các bệnh nhiệt đới, thời điểm này trang phục bảo hộ đã được WHO và nhiều tổ chức y tế trên thế giới hỗ trợ

Ngay sau đó, một bản báo cáo đã được gửi đến Bộ Y tế cùng những kiến nghị để phòng, chống dịch.

Ngày 12/3 Bộ Y tế đã ngay lập tức đáp ứng và thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, ngày 13/3  Ban chỉ đạo ra thông báo cho người dân đã từng tiếp xúc với bệnh nhân hoặc từng đến BV Việt Pháp thì đến khám sàng lọc.

Ngày 14/3 Viện Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên là nữ nhân viên lễ tân khách sạn tên Phương nơi ông Chen cư trú. Một tuần sau, Viện đã tiếp nhận trên 10 ca vào điều trị.

"Khống chế thành công đại dịch SARS ở Việt Nam là sự nỗ lực của nhiều tập thể, cá nhân, đừng chỉ nhắc đến tôi như anh hùng"- bác sĩ Nguyễn Hồng Hà

Y tá, bác sĩ lần lượt qua đời vì bệnh

“Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới thời điểm đó được căng dây vàng xung quanh để cách ly. Đặc biệt, ngày 15/3 bệnh nhân Chen tử vong (tại Hồng Kông), ngày 18/3 y tá Nguyễn Thị Lượng, một trong những y tá trực tiếp chăm sóc ông Chen tử vong, ngày 20/3 bác sĩ người Pháp Jean Paul Derosier (người thực hiện phẫu thuật đặt ống thở cho ông Chen) tử vong khiến anh em trong Viện mang tâm lý hoang mang, lo sợ”- ông Hà nhớ lại.

Đặc biệt, mặc dù là những người  trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng trang bị cho cán bộ y tế, bác sĩ không có đủ, khẩu trang ngoại khoa cũng không có phải đi xin chỗ này chỗ kia; áo giấy, găng tay cũng không có.

“Tôi còn nhớ rõ, vào thời điểm giữa tháng 3, cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sang Viện để lấy mẫu bệnh phẩm theo quy trình nhưng họ được trang bị rất đầy đủ như phi hành gia khiến anh em tâm tư lắm, cũng gặp tôi để bày tỏ.

Nghe tâm tư anh em mà tôi rớt nước mắt nhưng lực bất tòng tâm, lại động viên anh em cố gắng khắc phục hoàn cảnh. Khi nào vào phòng bệnh nhân thì dùng tạm áo vải mà bệnh viện phát cho người nhà bệnh nhân để khoác bên ngoài, đeo khẩu trang ngoại khoa cũng được… ”- ông Hà chia sẻ.

Tuy vậy, rút kinh nghiệm tại BV Việt Pháp, tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới ông Hà cho mở hết các cửa sổ, cửa ra vào để thông thoáng khí lưu thông. Và mặc dù chưa có kết luận hay cơ sở khoa học nào chứng minh việc này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng tại thời điểm đó dù không được được trang bị, không bảo hộ đầy đủ nhưng không cán bộ nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh.

Ngày 28/3, Bộ Y tế đã ra quyết định chuyển toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại BV Việt Pháp sang chữa trị tại Viện Lâm sáng các bệnh nhiệt đới.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Bội, người Pháp gốc Việt 70 tuổi, bệnh đã chuyển rất nặng không thể chuyển đi nên tiếp tục để lại BV Việt Pháp và duy trì một kíp để điều trị. Nhưng đến ngày 5/4 thì bác sĩ Bội qua đời,  ngay sau đó Bộ Y tế đã quyết định đóng cửa toàn bộ BV Việt Pháp đồng thời ngày 8/4 một đơn vị quân đội vào phun khử trùng, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện này. “Đây là quyết định rất quan trọng, vì Bệnh viện Việt Pháp là một ổ dịch lớn, mọi nguồn bệnh đều từ đây ra”.

Đến ngày 28/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nào nên WHO đã công bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên không chế thành công đại dịch SARS và ngày 2/5, 2 bệnh nhân cuối cùng của dịch SARS mới được xuất viện.

Trong câu chuyện chia sẻ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà liên tục “nhắc nhở”, việc khống chế thành công đại dịch SARS tại thời điểm ấy là tinh thần của cả một tập thể, từ sự vào cuộc nhanh và đầy trách nhiệm của Ban chỉ đạo chống dịch, Bộ Y tế đến BV Việt Pháp, Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới đến các y bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân, rồi những “người thầm lặng” đi điều tra yếu tố dịch tễ của bệnh nhân để khoanh vùng, khoanh đối tượng.

Ông Hà nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện “họ vất vả lắm, những người thầm lặng ở tuyến sau nhưng lại trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh để có yếu tố dịch tễ đầy đủ. Họ là những chiến sĩ thầm lặng nhưng góp phần quan trọng trong công cuộc chống dịch. Chúng tôi chỉ là một phần nhỏ trong những tập thể, cá nhân ấy, đừng nhắc tới tôi như một người hùng...".