Bác sĩ chỉ được khám tối đa 65 bệnh nhân/ ngày: Người bệnh có lợi, không cần quá lo lắng

ANTD.VN - Theo quy định mới tại Thông tư 15 của Bộ Y tế, từ 15-7-2018, mỗi bàn khám tại bệnh viện chỉ được khám tối đa 65 bệnh nhân/ ngày. Nhiều người bệnh lo lắng rằng, với quy định này, không may họ đi khám bị quá lượt thì sẽ phải quay về, không được khám trong ngày…

Người bệnh lo nếu đi khám bệnh muộn, quá lượt sẽ không được khám trong ngày

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, từ ngày 15-7, Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc bắt đầu có hiệu lực. Đáng chú ý, Thông tư này cũng quy định với mỗi bàn khám, bác sĩ chỉ được khám 65 lượt người bệnh/ngày, từ người bệnh thứ 66 trở lên chỉ được BHYT chi trả 50% mức giá khám bệnh.

Chưa có nhiều bệnh viện bị xáo trộn

Với các bệnh viện, quy định mới này ít nhiều sẽ gây ra sự xáo trộn nhất định trong việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh. Còn với người bệnh, không ít người bệnh nơm nớp lo lắng về việc khi họ đến bệnh viện muộn, không kịp lấy số khám bệnh sớm mà để quá lượt thì sẽ phải quay về hoặc phải sang khám dịch vụ…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, việc thực hiện Thông tư 15 của Bộ Y tế về giới hạn khám tối đa 65 bệnh nhân/ 1 bàn khám/ 1 ngày chỉ có lợi cho người bệnh, trong khi bản thân các bệnh viện cũng sẽ phải bố trí, sắp xếp lại quy trình khám bệnh và không để xảy ra tình trạng người bệnh đến viện không được khám.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết, bình quân mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 2.500 bệnh nhân tới khám, nhiều thời điểm con số này còn cao hơn.

Để giảm quá tải, giảm chờ đợi cho người bệnh và đảm bảo người bệnh đến viện đều được khám trong ngày, những năm gần đây bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp như tăng phòng khám, luân phiên bác sĩ ở các khoa chuyên môn ra phòng khám… Vì thế, triển khai quy định mới về việc mỗi bác sĩ tại mỗi bàn khám không khám quá 65 bệnh nhân/ ngày, bệnh viện cơ bản không gặp khó khăn gì và cũng không ảnh hưởng đến người bệnh.

“Thực tế công tác khám chữa bệnh của bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Còn khi có dịch bệnh hay bệnh nhân tăng cao do thời tiết… thì bệnh viện sẽ huy động, tăng cường thêm bác sĩ ở các khoa phòng tham gia khám bệnh” – ông Hải nói.

Tại Bệnh viện K Trung ương – cũng là một bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải bệnh nhân, ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết, từ khi áp dụng Thông tư 15 của Bộ Y tế, hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra bình thường, không có gì xáo trộn.

Theo ông Tĩnh, hiện Bệnh viện K đã tăng cường phòng khám, bố trí số lượng lên tới 35 bàn khám. So với con số trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân thì bệnh viện vẫn đảm bảo được ở mức 57,1 lượt khám/bàn khám/ngày, nằm trong giới hạn chi trả của BHYT.

Chất lượng khám bệnh sẽ được nâng cao, có lợi cho người bệnh

Bác sĩ chỉ được khám tối đa 65 bệnh nhân/ ngày: Người bệnh có lợi, không cần quá lo lắng ảnh 2Với mỗi bàn khám, bác sĩ chỉ được khám tối đa 65 bệnh nhân/ ngày (ảnh minh họa)

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phó Giám đốc Bệnh viện Đỗ Khắc Huỳnh khẳng định, quy định 1 bàn khám không được khám quá 65 bệnh nhân/ ngày là chủ trương đúng và chỉ có lợi cho người bệnh, người bệnh cũng không cần phải lo lắng sẽ không được khám bệnh bởi các bệnh viện đều phải có giải pháp để phục vụ bệnh nhân.

“Nếu không quy định “mức trần” như vậy, dư luận và người bệnh có thể e ngại rằng, các bệnh viện, nhất là với những bệnh viện tự chủ sẽ “tận thu”. Lẽ ra 1 bác sĩ trong một buổi chỉ khám khoảng 30-35 bệnh nhân, để vừa khám bệnh vừa giải thích kỹ càng cho bệnh nhân hiểu. Nhưng nếu không có quy định thì có thể 1 bác sĩ một ngày sẽ khám 70-80 bệnh nhân, tăng thêm nguồn thu cho bệnh viện nhưng rõ ràng chất lượng khám chữa bệnh sẽ không cao” – bác sĩ Đỗ Khắc Huỳnh phân tích.

Thực tế triển khai thông tư 15 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông Huỳnh cho biết, Bệnh viện đã có chỉ đạo mở rộng các phòng khám, tăng từ 3 phòng khám trước đây lên 5 phòng khám. Quan trọng hơn là yếu tố con người, ngoài các bác sĩ thuộc “biên chế” của khoa khám bệnh, bệnh viện cũng chủ trương bổ sung, luân phiên các bác sĩ ở các khoa phòng xuống khoa khám bệnh để tham gia khám chữa cho người bệnh…

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư 15 quy định mức cao nhất là 65 người/bàn khám là mức để BHYT chi trả tiền khám. Việc tính toán định mức này tương đối sát với thực tế nên sẽ đảm bảo không xảy ra tình trạng bệnh viện bị quá tải, dồn ứ để người bệnh phải đi về. Cũng theo ông Liên, việc đưa ra những định mức này là để hạn chế việc lạm dụng chạy theo số lượng.