Ẩu đả với người nước ngoài và phụ nữ do va chạm giao thông: Lối hành xử hung hãn

ANTD.VN -Sau vụ việc hai thanh niên ẩu đả với người nước ngoài và phụ nữ sau va chạm giao thông diễn ra vào chiều 23-6 vừa qua trên đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Đường dây nóng Báo ANTĐ đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều của bạn đọc liên quan đến cách hành xử của người Việt cũng như người nước ngoài khi xảy ra va chạm…

Clip ghi lại cảnh ẩu đả của hai thanh niên Việt Nam với người nước ngoài và người phụ nữ đi cùng anh ta do va chạm giao thông đã được chia sẻ nhanh chóng với hàng nghìn lượt bình luận. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chưa cần biết ai sai, tuy nhiên hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với phụ nữ của 2 thanh niên kia là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc 2 người này chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm đối với người ngoại quốc cũng gây ảnh hưởng xấu đến cách nhìn nhận của người nước ngoài về con người Việt Nam.

Cứ mâu thuẫn là…đánh?!

 Anh Nguyễn Đình Sáng – nhân viên ngân hàng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, va chạm giao thông là chuyện không ai muốn và trong nhiều trường hợp chỉ cần một lời xin lỗi có thể giải quyết được mọi xung đột.

“Xem clip, tôi thấy người thanh niên nước ngoài đã có ý muốn cho qua nhưng  hai thanh niên người Việt  còn gây sự đối với người phụ nữ không trực tiếp liên quan đến sự việc mà chỉ có có ý định can ngăn. Là đàn ông Việt Nam, xem những hình ảnh này tôi có cảm giác rất xấu hổ đồng thời lo ngại về cách hành xử hung hãn, côn đồ, thiếu kiềm chế của một bộ phận thanh niên Việt thời nay” – anh Sáng nhận xét.

Cảnh ẩu đả tại đường Trần Khát Chân được cắt ra từ clip

Đáng buồn là sự việc trên không phải hi hữu. Vào đầu năm 2016, bị cáo Nguyễn Vương Quốc (SN 1995, ở quận 1, TP. Hồ Chí  Minh)  đã bị TAND TP Hồ Chí Minh xử sơ thẩm đã tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích” và phải bồi thường hơn 93 triệu đồng cho anh Gordon Lockwood Nicholson (quốc tịch Mỹ) do đã đánh nhau khiến anh Gordon bị thương tích với tỷ lệ 13%.

Đâu là nguyên nhân?

Lý giải về sự thích gây gổ, đánh nhau của một bộ phận người Việt, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng thư ký Hội xã hội học Việt Nam cho rằng, một bộ phận người Việt khá hung hăng. Khi tham gia giao thông trên đường, chúng ta chứng kiến khá nhiều các vụ ẩu đả gây thương tích, thậm chí chết người mà nguyên nhân ban đầu chỉ xuất phát từ những va quệt nhẹ. Đáng sợ hơn, có những thanh niên sẵn sàng cầm dao đâm người chỉ cho rằng mình bị nhìn “đểu”.

Mỗi khi va chạm, chưa cần biết đúng sai, thay vì bình tĩnh xem xét vấn đề, họ sẵn sàng sửng cồ, nóng mặt, nặng lời với nhau, đổ lỗi cho nhau, và tệ hại nhất là xông vào nhau đánh đấm, hành hung bất chấp mọi lời can ngăn, mặc cho giao thông bị ách tắc, cơ thể bị tổn thương.

Nghiêm trọng hơn, khi xảy ra va chạm với người nước ngoài, lẽ ra với vị trí chủ nhà họ cần bình tĩnh, kiềm chế thì đằng này, ỷ thế trên sân nhà, họ hung hãn, chèn ép, thậm chí còn kéo bè phái uy hiếp, đe dọa, dùng nắm đắm để “dạy” cho người nước ngoài một bài học?! Với lối hành xử như vậy, họ không biết rằng họ không không chỉ khiến chính họ vi phạm pháp luật mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, thời gian qua, những hình ảnh người nước ngoài  ăn mặc lịch sự đứng ra giữa đường phố Việt Nam cùng lực lượng bảo vệ dân phố phân luồng giao thông, chặn các dòng xe máy không cho lao lên vỉa hè để bảo vệ an toàn cho người đi bộ  hay một số thanh niên ngoại quốc cùng người dân đi nhặt rác, làm sạch môi trường…đã khiến nhiều người Việt cảm phục, ngưỡng mộ. Họ chấp nhận trở thành “những tấm biển báo giao thông sống”, họ không ngần ngại đứng ra yêu cầu mọi người tuân thủ luật lệ giao thông làm nhiều công dân nước chủ nhà trầm trồ, thán phục.  

Song bên cạnh những việc làm tích cực nêu trên, công bằng mà nói, trong một số vụ va chạm, lỗi một phần cũng thuộc về người nước ngoài. Họ đã sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Thực tế cũng đã xảy ra không ít vụ người nước ngoài ẩu đả, đâm chém nhau, thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo khi đi du lịch, sinh sống tại Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông, một số người nước ngoài thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ (không có giấy phép lái xe, đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe…).

“Cuộc sống luôn phát sinh những xung đột và hậu quả xấu thường xảy ra khi người trong cuộc sử dụng nắm đấm để giải quyết các xung đột đó. Nhằm tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mỗi cá nhân cần bình tĩnh, kiềm chế  trong xử lý mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn đối với những đối tượng thuộc phái yếu, là người nước ngoài, để hình ảnh người Việt không chỉ dần đẹp lên trong mắt nhau mà còn đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình khuyến cáo.