Ăn xin thời nay!

ANTĐ - Trên các đường phố Hà Nội bây giờ không khó để gặp cảnh những người ăn xin. Có điều ăn xin không chỉ giả bộ rách rưới què quặt để ngửa mũ xin vài ba đồng lẻ, mà ăn xin  “cao cấp” hơn nhiều với các “vở kịch” được diễn hết sức hoàn hảo. Không ít người đã bị ăn xin lừa, thậm chí còn bị mắng vỗ vào mặt nếu như cho tiền ít.

Ăn xin thời nay! ảnh 1


“Ăn” chửi vì không cho tiền

Không ít người  đã từng nhiều lần gặp các trường hợp  người ăn xin cứ đứng lỳ đến khi nào xin được cho thì thôi, rồi năn nỉ, kì kèo khi bị cho ít, những thanh niên khỏe mạnh vẫn đi xin… Nhưng “choáng” nhất là một trường hợp ở bến xe Mỹ Đình.

Đang ngồi trên xe khách chờ xuất bến thì có một bé gái nhỏ thó bước lên xe, tới từng hành khách chìa tay xin tiền. Đến lượt một cô gái trẻ ngồi ở hàng ghế thứ 2, cô gái giải thích với con bé rằng mình là sinh viên nên không có tiền. Con bé nóng mặt nên vặn lại: “Cô không có tiền, tại sao vẫn bắt xe về được?”. “Cô chỉ có mỗi tiền đi xe thôi.” - cô gái đáp. “Chỉ có mỗi tiền đi xe mà cô còn mua trà xanh không độ.” - con bé như trêu tức. Cô gái hết kiên nhẫn hét lên: “Cô đã bảo cô không có tiền, cháu đi đi, không cô gọi công an bây giờ”. Nhưng con bé vênh mặt thách thức: “Thích thì gọi đi, gọi đi”. Cô gái đang bối rối, không biết xử lý thế nào thì một đứa khác lớn hơn, chừng 7-8 tuổi vừa bước lên xe thấy con nhỏ đang lớn tiếng, chen vào, giọng đàn anh chị: “Đứa nào gây sự thế?”. “Con này!” - đứa nhỏ hơn chỉ thẳng mặt cô gái trước sự kinh ngạc của tất cả hành khách. Hai đứa chỉ dừng lại khi anh lái xe bước lên và bảo chúng đi xuống. Trước khi đi, đứa bé còn ném lại cho cô gái 1 câu: “Đúng là mắt ti hí vừa đĩ vừa gian!” (cô gái mắt một mí).

Câu chuyện trên trở thành chủ đề bán tán của hành khách trên xe suốt đoạn đường dài. Anh tài xế cho biết, bọn trẻ ăn xin ở bến xe đều có bảo kê hết, tuy chúng nhỏ tuổi nhưng rất láu cá và già đời.

Những vở kịch hoàn hảo

Một ngày trong Bệnh viện mắt Trung ương. Một người phụ nữ cầm cuốn sổ y bạ với vẻ mặt tội nghiệp rón rén bước vào từng buồng bệnh trình bày hoàn cảnh đáng thương, rằng con chị mổ mắt nhưng bác sĩ trả về quê. Hai mẹ con ăn chầu nằm trực ở viện mấy tháng, giờ hết cả tiền về quê nên phải xin mỗi người một ít. Ai cũng tin và mỗi người một ít quyên góp cho hai mẹ con về quê. Gần chục ngày sau, tôi quay lại viện. Không ngờ vẫn người phụ nữ ấy, vẫn với cuốn sổ y bạ ấy, và chị ta vẫn diễn lại màn kịch cũ. Tôi mới biết lòng thương hại của mình đã bị lợi dụng. Sau gặp nhiều, tôi mới biết chiêu này quá phổ biến. Thường những người này nghĩ ra những hoàn cảnh tréo ngoe để xin tiền, ví như: Nhà ở miền Trung, lũ vừa quét hết nhà cửa nên phải đi xin; Hay bố bị thần kinh bỏ nhà đi lang thang, mấy anh em đi tìm mãi mà không thấy, xin ít tiền để tiếp tục đi tìm bố… Và với những chiêu thức như thế này người đi xin không phải chỉ xin một vài đồng lẻ mà thường xin vài ba chục nghìn trở lên.

Ngoài những chiêu ấy thì những hình thức ăn xin phổ biến khác vẫn được tận dụng triệt để. Dọc các con phố, các chợ, nhất là các quán ăn vỉa hè, bạn dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ hoặc các cụ ông, cụ bà,  khuôn mặt khắc khổ cầm chiếc nón mê miệng lẩm bẩm mong người khác rủ chút lòng thương. Có điều các cụ cứ chờ người ta vừa bưng bát cơm ăn là ngửa tay lên xin, nếu chưa được cho thì các cụ cứ đứng chờ cho bằng được khiến nhiều người khó chịu cho tiền cho xong chứ cũng chẳng thấy thương hại gì. Tôi cũng đã từng chứng kiến có cụ bà ăn xin cứ như “khách quen” của cửa hàng cơm bụi, cụ thường xuyên có mặt ở đây để xin tiền. Có người, không cho cụ và nói: “Mới cho cụ hôm qua, hôm nay lại xin”. Bà cụ đáp lại ngay: “Cho đâu mà cho, đồ vô phúc”.

Nhiều người phụ nữ còn khỏe mạnh nhưng lại có “vũ khí” là đứa con nhỏ (hoặc cũng có thể một đứa trẻ mượn của ai đó), rồi lếch thếch bế theo  những đứa trẻ ngủ ngặt nghẽo để gây sự thương cảm với mọi người. Thường những người đó ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, vẫn cái bài như vậy, nhưng họ vẫn xin được tiền, sở dĩ vì người Việt vốn giàu lòng trắc ẩn, thứ nữa nhiều người muốn cho vài đồng lẻ để họ đi nhanh, đỡ kì kèo. Nắm bắt được tâm lý ấy, nhiều người ăn xin “chai mặt”, cứ bám riết lấy bất kỳ ai để xin bằng được thì mới thôi.

Không ít trong số đó là những kẻ ăn xin chuyên nghiệp, chuyên “diễn kịch” để kiếm tiền. Một lần buổi trưa nắng chang chang, tôi thấy một phụ nữ địu đứa trẻ chừng gần 1 tuổi trước ngực, ngoẹo cổ ngủ trông rất đáng thương. Tôi gọi chị ta lại, đưa cho 20.000 đồng và bảo: “Chị có sức khỏe, sao không đi làm mà lại mang con đi xin để nó khổ thân thế này?”. Người phụ nữ cười trừ, không trả lời mà đi rất nhanh. Một lúc sau, tôi vào quán bún, tình cờ thấy người phụ nữ nọ, vẫn địu đứa trẻ ngoẹo cổ ngủ trước ngực. Người phụ nữ móc trong túi chiếc áo cũ kỹ ra xấp tiền để đếm. Xấp tiền, chủ yếu mệnh giá 20.000 đồng, ước chừng cũng phải bằng ba bốn ngày lương của tôi… Lại có chuyện ba mẹ con người ăn xin tội nghiệp chuyên vật vã ở các ngã tư đường, khi bị thu gom và đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội, các cán bộ ở đây khi kiểm tiền của người này đã choáng vì tổng số tài sản họ sở hữu lên đến… 100 triệu đồng. Hay như một gã ăn xin với 1 bên chân bị teo nhỏ suốt ngày ngồi lê lết ở đường phố. Nhưng chiều tối, gã lại ghé nhanh vào phía sau nhà chờ xe buýt thay bộ quần áo mới và đi như bay với những bước chân cà nhắc.

Ăn xin đội lốt… trí thức

Chị Phạm Thị Hà ở Định Công, Hoàng Mai chưa hết ấm ức khi kể lại câu chuyện của mình. Một lần, giữa trưa nắng chị đang đi chầm chậm ở đường Phạm Hùng thì nhìn thấy đằng trước 1 thanh niên dáng bộ trí thức dắt xe, mồ hôi nhễ nhại. Lúc đi qua, vì tò mò, chị ngoái lại nhìn người thanh niên này thì anh ta gọi giật lại: Em ơi, anh hỏi thăm chút. Chị dừng xe, người thanh niên hỏi có biết chỗ nào đổ xăng không, vì anh ta mượn bạn được chiếc xe để đi đón mẹ ở bến xe mà không để ý là xe hết xăng. Chị Hà chỉ cho thanh niên nọ chỗ đổ xăng ven đường. Định đi tiếp thì anh thanh niên lại thay đổi sắc mặt, luống cuống sờ khắp các túi quần: “Thôi chết, vội đi quá anh quên cả mang ví”. Tỏ chút ngần ngừ, anh ta trình bày là chẳng có họ hàng gì ở đây, lại đi đón mẹ mà không mang tiền thì ngại quá và gợi ý luôn: “Hay là em cho anh mượn mấy chục đổ xăng, rồi cho anh xin số điện thoại anh nháy vào, khi nào anh qua trả và cảm ơn em sau”.

Nghĩ ai cũng có lúc như thế nên chị không ngần ngại rút 50.000 đồng đưa cho anh ta, và người này cũng nháy vào số điện thoại của chị. Bẵng đi mấy hôm, một lần, đang đi làm qua con đường cũ, chị giật mình khi thấy vẫn thanh niên nọ ở cổng bến xe Mỹ Đình với chiêu cũ, mới vỡ lẽ mình bị lừa. Chiêu này đang được nhiều kẻ áp dụng, và không ít người sập bẫy, bởi với ngoại hình trí thức vậy dễ dàng khiến người đối diện tin tưởng.

Làm sao dẹp nạn ăn xin

Theo lẽ thường, những người bần cùng, không thể kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì mới phải đi ăn xin, ăn mày. Và cũng vì lý do đó mà người đời rủ lòng thương hại. Nhưng thời nay, có lẽ việc xin tiền người khác quá dễ dàng, nên ăn xin đã trở thành “nghề” chính của những kẻ không muốn bỏ sức lao động. Thậm chí có vùng cả xóm đi ăn xin, cả làng làm nghề ăn xin. Cứ hết mùa vụ là họ lại đổ ra các thành phố kiếm thêm bằng nghề: ăn xin.

 Ông Nguyễn Quang Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 4 cho rằng, ăn xin là một thực trạng không của riêng quốc gia nào. Ngay cả những nước có quỹ phúc lợi lớn, vẫn tồn tại những người ăn xin. Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này rất khó. Cứ những đợt quét vét thì số người lang thang ăn xin giảm, nhưng sau đó lại tăng trở lại. 

Để từng bước giảm số người ăn xin, theo ông Thắng thì có điểm mấu chốt cần làm: Thứ nhất là tăng cường các chính sách phúc lợi xã hội để đảm bảo cuộc sống cho những người không có khả năng lao động. Thứ hai là cần tuyên truyền và xử lý quyết liệt các đối tượng ăn xin biến tướng. Chính quyền các địa phương cần quản lý, giải thích, tuyên truyền để người dân không bỏ quê, tha phương cầu thực.

Nhiều luồng ý kiến cũng cho rằng để xóa nạn ăn xin thì người dân không nên cho tiền người ăn xin nữa, thậm chí một số địa phương cũng đã đẩy mạnh cuộc vận động không cho tiền người ăn xin. Bởi hiện Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, giải pháp để chăm lo cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn (các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà mở, mái ấm...). Nếu muốn làm từ thiện, người dân có thể đóng góp hoặc trực tiếp đến những nơi trên. Nếu có trường hợp khó khăn nào, người dân có thể báo đến các đơn vị trên để họ tiếp nhận. 

Và đặc biệt, chính quyền địa phương cần quan tâm, hình thành một chủ trương nghiêm túc chứ không để tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” rồi lại lắc đầu ngao ngán. Cần phân loại những người ăn xin, nếu đúng là những người nghèo khổ thật thì có những chính sách xã hội hay tổ chức từ thiện tài trợ, giúp đỡ cho họ. Đồng thời cần phối hợp với các địa phương có nhiều người lang thang xin ăn để đưa họ về và tìm cách hỗ trợ họ làm ăn, sinh sống ổn định tại quê nhà.