Ăn uống như thế nào với trẻ em bị viêm loét dạ dày?

ANTĐ - Hỏi: Bé nhà tôi năm nay 4 tuổi. Cháu thường kêu đau bụng và đã đi khám được kết luận bị viêm loét dạ dày - tá tràng. Xin hỏi bác sĩ chế độ ăn uống như thế nào để bệnh của cháu thuyên giảm?

Trả lời: Trước đây, loét dạ dày - tá tràng là một căn bệnh rất ít gặp ở trẻ em nên đối với nhiều người, kể cả thầy thuốc, những cơn đau bụng ở trẻ thường được quy cho những nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa, đau bụng do giun… Nhưng trên thực tế đau bụng do nguyên nhân loét dạ dày - tá tràng chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở trẻ em dưới tuổi 15. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em như nguyên nhân do sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau loại phi steroide như aspirin, ibuprofen, diclofenac.

Loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em cũng thường gặp ở các bệnh nhân bị các stress về tâm lý, ở các gia đình có bố mẹ không hòa thuận hoặc do điều kiện học hành căng thẳng quá mức cần thiết. Ở các bệnh nhân có các tình trạng nặng nề như chấn thương, bỏng nặng, nhiễm trùng nặng, loét cấp dạ dày - tá tràng cũng có thể xảy ra. Vi khuẩn Helicobacter pylory cũng có thể là nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em nhưng tỷ lệ thấp hơn so với ở người lớn và hay gặp ở những trường hợp tái phát nhiều lần. 

Các biểu hiện của viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em: Dấu hiệu ợ hơi, ợ chua ít gặp hơn ở người lớn. Bệnh nhân có thể có triệu chứng nôn, buồn nôn… kèm theo. Trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút, mất tập trung trong học tập. Khi có triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em, cần ngừng ngay các yếu tố có thể là nguyên nhân và đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có chỉ định điều trị thích hợp. Các thuốc được sử dụng để điều trị bao gồm các thuốc bọc niêm mạc dạ dày, thuốc giảm tiết dịch vị, giảm đau và có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn Helicobacter pylory,...

Một vấn đề hết sức lưu ý đó là chế độ ăn trong viêm dạ dày cấp. Bệnh nhân nên tránh các thức ăn có chứa cafein như cà phê, ca cao, sô cô la,... Không nên ăn hành tỏi, hạt tiêu, ớt, cà chua hoặc thức ăn có xốt cà chua; không ăn chuối khi đang viêm dạ dày cấp vì chuối là loại thực phẩm có chứa nhiều kali nên có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng cơn đau; tránh các thực phẩm sinh nhiều hơi trong ruột như cải bắp, súp lơ, các chất muối dấm chua như dưa muối, cải, dưa chuột dầm dấm, thức ăn rán, thức ăn có nhiều mỡ hoặc hạt, củ rang khô như lạc, ngô…

BS Nguyễn Thị Thu Hiền, 
(Phòng khám đa khoa Minh Hiền)