- Thiếu magiê dễ mắc bệnh tim và tiểu đường
- Mang thai nhiều lần dễ mắc bệnh tim
- Thực phẩm chứa cholesterol cao đẩy nhanh nguy cơ mắc bệnh tim

Các nhà khoa học Nhật Bản đã khảo sát trên 1.000 người trưởng thành có sức khỏe tốt ở Nhật Bản về tốc độ ăn uống của họ và theo dõi sức khỏe của họ trong 5 năm tiếp theo. Kết quả là có 84 người được chẩn đoán bị hội chứng chuyển hóa (có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường). Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra tốc độ ăn có liên quan trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở người có tốc độ ăn nhanh là 11,6%, những người có tốc độ ăn bình thường là 6,5% và chỉ 2,3% ở những người ăn chậm.
Theo các nhà khoa học Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn uống nhanh là nguyên nhân của thừa cân và các vấn đề sức khỏe khác. Việc ăn chậm có thể giúp kiểm soát sự thèm ăn và cân nặng. Việc nhai chậm còn giúp cơ thể đốt cháy calo trong khi ăn nhanh lại mang đến những điều ngược lại. Ngoài ra, ăn quá nhanh sẽ khiến dạ dày phải co bóp nhiều và dịch tiêu hóa không tiết ra đủ để tiêu hóa lượng thức ăn nạp vào, có thể gây ra bệnh đau dạ dày. Tốt nhất phải dành ít nhất 30 phút cho một bữa ăn và không nên ăn uống trong khi làm việc.
Khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ được cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Càng nhai kỹ, nước bọt trộn với thức ăn nhiều hơn, điều này rất có lợi. Nhai kỹ làm đơn giản hóa quá trình tiêu hóa của ruột. Thức ăn vào đường tiêu hóa ở dạng nhỏ hơn cũng làm giảm lượng khí nuốt vào, từ đó giảm cảm giác cồng kềnh hoặc đầy bụng sau khi ăn.
Cảm giác no ở dạ dày phải mất 20 phút mới được thông tin đầy đủ đến não. Nếu ăn nhanh, sẽ dẫn đến việc ăn quá nhiều. Khi ăn chậm, não có thời gian nhận được tín hiệu là bụng đã no để tránh tiêu thụ quá mức cần thiết bởi ăn quá nhiều là một thói quen không lành mạnh, có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.