Âm thanh từ cơ thể - dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe

ANTĐ - Bỗng nhiên cơ thể bạn phát ra những âm thanh kỳ lạ, đó là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề không ổn trong cơ thể. Với những dấu hiệu dưới đây bạn không nên xem thường và bỏ qua.

Tiếng kêu rắc rắc ở đầu gối và mắt cá chân

Những âm thanh này có thể do thay đổi chất lỏng trong khớp, khớp di chuyển chệch hướng, viêm khớp, dây chằng bị tổn thương. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau, sưng ở đầu gối và mắt cá chân khiến bạn bị hạn chế khi hoạt động thể thao hoặc vận động. 

Tiếng ùng ục ở dạ dày

Đó là âm thanh từ đường ruột. Khi bạn đói thì việc nhìn, ngửi hoặc thậm chí nghĩ đến thức ăn thôi cũng có thể kích thích não bắt đầu quá trình tiêu hóa. Khi bạn uống một ly nước cũng gây ra tiếng “ùng ục” do chất lỏng đi vào dạ dày. Hiện tượng này vô hại, tuy nhiên hãy đi khám bác sĩ nếu tiếng kêu kèm theo đau  dạ dày.

Tiếng ngáy vào ban đêm

Tiếng ngáy là do mô mềm của miệng và cổ họng rung khi bạn thở. Thuốc xịt mũi có thể làm giảm tình trạng này nhưng việc giảm cân sẽ tốt hơn. Bạn nên đến bác sỹ nếu thở hổn hển vào ban đêm, tỉnh giấc thấy vã mồ hôi, hoặc cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Triệu chứng ngưng thở khi ngủ gây cản trở luồng không khí và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và đột quỵ. 

Tiếng rắc ở xương hàm

Nếu tiếng kêu to và rõ là do 2 hàm trên và dưới không khớp nhau. Đó có thể là rối loạn khớp hàm thái dương. Khớp thái dương hàm là khớp nối giữa xương hàm dưới và sọ, khớp bị ảnh hưởng khi bạn nói, nhai, nuốt và ngáp. Đi khám bác sĩ nếu bạn không cử động được quai hàm. Tránh kẹo cao su và các loại thực phẩm như bánh mỳ dai và bít tết.

Tiếng rít qua lỗ mũi 

Nguyên nhân là không khí di chuyển qua một không gian quá hẹp ở mũi. Nếu bị ngạt mũi, nên nhỏ nước muối hoặc thuốc xịt mũi steroid.

Âm thanh từ cơ thể - dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe ảnh 1

 Bạn nên đến bác sỹ nếu ù tai liên tục và chỉ ở một bên tai

Ù tai

Âm thanh này không phải ở tai mà từ trong đầu do bộ não hiểu sai tín hiệu. Việc tiếp xúc với tiếng ồn mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tai do đó bạn nên sử dụng nút tai để giảm cường độ âm thanh. Đi khám bác sĩ nếu ù tai liên tục và chỉ ở một bên tai. Điều này có thể là dấu hiệu rối loạn nhiễm trùng ở bên trong tai. 

Tiếng tim đập trong tai 

Điều này xảy ra khi tai của bạn rất nhạy cảm với âm thanh, hoặc do nguyên nhân từ những bất thường trong các tĩnh mạch lớn vận chuyển máu từ não xuống tim. Ví dụ, có thể có một chỗ phình trong tĩnh mạch, hoặc đám rối mạch máu mà làm cho lưu lượng máu lớn hơn hoặc hỗn loạn. Những điều kiện này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một nguyên nhân khác có thể do áp lực dịch não tủy, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng bao gồm mù lòa, xơ cứng tai…

Tiếng kêu từ cổ họng 

Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh thần kinh có ảnh hưởng đến kiểm soát cơ bắp như bệnh Parkinson hoặc sụn tuyến giáp dư thừa mà bác sĩ có thể loại bỏ bằng phẫu thuật. Đi khám bác sĩ nếu cổ họng đau khi bạn nuốt. 

Tiếng nổ trong đầu khi ngủ hoặc thức dậy

Tình trạng này được gọi là hội chứng nổ đầu. Thậm chí những tiếng nổ này có thể ví như dòng điện chạy qua, tiếng vỗ tay, bắn pháo hoa, tiếng sét đánh... Hội chứng nổ đầu là đáng lo ngại nhưng vô hại. Đi khám bác sĩ nếu bạn nhiều lần mắc hội chứng này và đặc biệt những người bị rối loạn giấc ngủ có thể nhạy cảm với tình trạng này. 

Tiếng rắc ở khuỷu tay 

Như với các khớp khác,  do thoái hóa khớp, khuỷu tay có thể gây ra những âm thanh này. Đi khám bác sĩ nếu đau khuỷu tay khi bạn di chuyển cánh tay.

Ho và thở khò khè cùng một lúc

Nếu cơn ho đi kèm với một tiếng thở khò khè có âm vực cao, bạn có thể mắc bệnh hen suyễn. Chất gây dị ứng có thể chặn đường thở, ép các cơ bắp xung quanh khiến bạn khó thở. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ khi ho kéo dài hơn 4 tuần hoặc thường xuyên bị tỉnh giấc vào ban đêm. Đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn, axit trào ngược, hoặc thậm chí ung thư phổi.