Ấm áp lớp học tình thương với những con người "đặc biệt"

ANTD.VN - Trên hành trình tìm kiếm sự tử tế giữa cuộc sống bon chen, tôi có dịp được ghé thăm một lớp học đặc biệt, với những con người đặc biệt ngay giữa lòng thủ đô. Nơi có một nhà giáo tận tâm trong một lớp học đơn sơ nhưng ấm áp tình người.

Nhà giáo Nguyễn Thị Côi tận tụy chỉ dạy trò nhỏ

25 năm qua, lớp học Linh Hoạt của cô giáo Nguyễn Thị Côi ở Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai ( quận Hoàng Mai, Hà Nội) là nơi ươm mầm con chữ không biết bao nhiêu đứa trẻ nghèo, bị tật nguyền và thiểu năng trí tuệ. Nhà giáo già đã ngoài 78 tuổi, mắt mờ, tay run những vẫn miệt mài bám bục giảng. Lớp học của cô Côi cũng thật khác, không tiếng trống, không náo nhiệt, mà ấm cúng lạ thường bởi tình thương mà cô dành cho những đứa trẻ kém may mắn...

Hơn cả  một người thầy

8h30 sáng, tôi có mặt tại một căn phòng nhỏ chừng chục mét vuông mượn của Nhà văn hóa phường, chỉ đủ chỗ để kê một tấm bảng vừa phải, mười mấy cái bàn ghế, vài cái quạt và một cái tủ con đựng dụng cụ cần thiết. Ấy vậy mà 14  “đứa trẻ” nơi đây đã coi như ngôi nhà thứ hai của mình. Em lớn nhất đã ngoài 30 tuổi, em nhỏ nhất cũng chừng 6-7 tuổi nhưng nhận thức chỉ như đứa trẻ. Có lẽ điểm chung nhất của các em là đều có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, hay có những em mồ côi cha, có em vắng mẹ... 

Trong cái lớp nhỏ bé ấy, cô Côi hiểu tâm lý của các em, “lớp trưởng thế thôi nhưng ít nói, lớp phó thì khá hơn chút, nghịch nhất trong lớp chỉ có em Duy Anh…”. Cô côi còn nắm được hết hoàn cảnh khó khăn của từng em một. Cô quan niệm: “Thứ nhất là phải thật sự thương yêu các em, chăm sóc các em và coi các em như là con cháu trong gia đình”.

Nhớ lại chặng đường của lớp học Linh Hoạt từ năm 1994, cô Côi chia sẻ khi đó bản thân đang là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, được quận cho biết về dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, cô Nguyễn Thị Côi là người tiên phong đầu tiên đi thuyết phục, tập trung và trực tiếp giảng dạy cho những học sinh đặc biệt này.

Theo lời cô Côi, thời ấy, khu vực này vốn là điểm nóng tập trung nhiều tệ nạn xã hộị, “nếu không quản lý, dạy dỗ, các em rất dễ sa ngã”, cô Côi kể. Cô nhớ lại buổi học đầu tiên khi lớp mới chỉ có vài em, cô đã ngồi với từng em, nói chuyện giúp các em hòa nhập với môi trường giáo dục. Việc dạy cho các em cũng hết sức khó khăn, có em phải dạy vài tháng mới nhớ được mặt chữ.

Sau 9 năm, quận chủ trương vận động các em về quê sinh sống, dự án kết thúc, kinh phí tài trợ cũng không còn, nhưng với lòng thương những mảnh đời cơ nhỡ, nên dù có vất vả, cô vẫn quyết tâm bám lớp đến cùng. Không có kinh phí duy trì, cô nhiều đêm trằn trọc không ngủ được. Cô phải đi chạy vạy ngược xuôi để xin sách vở, bút mực, thậm chí tự bỏ tiền lương của mình ra để mua cho các em. 

Trong lớp có em Ly có hoàn cảnh quá nghèo, cô mua tặng cho em chiếc xe đạp để khuyến khích tinh thần học tập, mỗi tháng cô đi xin 7 bao gạo cho 7 em nghèo nhất. Cuối năm, cô Côi cũng đi xin quận cho mỗi em được một suất quà Tết. Những lần đang trong giờ học có em lên cơn động kinh, chính cô Côi  là người sơ cứu để giúp em đó tỉnh lại; có lúc còn gặp những trường hợp phải đưa đi viện, cô phải nhờ người dân xung quanh.

Cô Côi kể: “Có những khi đang dạy học, các em lên cơn động kinh, chính bản thân cô bị học trò cào cấu, nhưng không sao vì các em cũng không cố ý”. Cô Côi dạy cho các em những kỹ năng sống cần thiết từ việc: quét nhà, sân, nhà vệ sinh, rồi đến tắm giặt, phơi quần áo,… Nguyện vọng lớn nhất của cô là những học sinh kém may mắn ấy có cơ hội được hòa nhập cộng đồng.

Một lớp học đơn sơ nhưng ấm áp tình người

Một lớp học có đến 5 bậc khác nhau

Một buổi học, cô kiêm hết nhiệm vụ của nhiều giáo viên. Cô dạy tiếng Việt, sau đó lại phải quay sang dạy cả Toán, rồi lại gọi các em lên bảng chữa bài. Học sinh chậm hiểu, tiếp thu kém nên chuyện cô phải giảng đi giảng lại một bài đã trở thành quen. “Cô phải dạy đi dạy lại cho các em nhớ rồi cô mới chuyển sang chữ thứ hai. Dạy những học trò đặc biệt như thế này cũng có những khó khăn, không thể nào dạy đại trà như chương trình phổ thông được.

Chính gia đình cũng không quan tâm được vì không biết phương pháp dạy, nên gửi đến đây để cho các em học được chữ nào hay chữ đó. Ở đây, cô dạy từng em một, kết quả thì cũng có những em học được, tiếp thu được vì học nhiều các em cũng sẽ nhớ” bà giáo viên già trải lòng. Mỗi lần muốn nhắc nhở học sinh về lịch học, bài vở, cô Côi lại gọi điện dặn dò trực tiếp từng vị phụ huynh.

Một lớp học mà có đến 5 bậc khác nhau, từ lớp 1 đến lớp 5 vì “mỗi em một trình độ”. Chính lẽ đó mà lớp được cô đặt tên là “lớp học linh hoạt”. Việc chuẩn bị chương trình dạy cho các em cũng thật khó khăn, giáo án có khi cô phải ngồi soạn mấy tuần lễ, nhưng dạy 3 buổi đã hết. Với những em có khả năng học lên cao, cô viết giấy giới thiệu để chúng được nhận vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Chẳng mong gì nhiều, cô chỉ muốn những lứa học sinh mình dạy dỗ có thể tự lao động để trở thành những người có ích và nuôi sống được bản thân. 

Nỗi sợ của cô

Đến giờ đây, cô Côi đã không còn phải đến từng nhà để vận động các em tham gia lớp học nữa mà chính những phụ huynh đã tự đưa con em mình đến gửi gắm và nhờ cô chỉ dạy. Nhưng chính điều này làm cô thấy sợ. Cô nhận thức mình đã ở tuổi xế chiều và chính lẽ đó làm cô lo lắng. Cô băn khoăn không biết đến khi mình không thể đi dạy nữa thì có ai yêu thương, dạy cho các em con chữ nữa hay không. 

Với cái tuổi mà người ta sum vầy bên con cháu để an hưởng tuổi già, cô vẫn ngày ngày tận tụy đến với lớp học Linh Hoạt. Cô cười hiền: “Các em đã thiệt thòi quá rồi. Không thể để các em chịu thiệt thòi hơn nữa khi không thể đọc được con chữ. Cô chỉ mong các em được mạnh khỏe, sống có ích”.

“Về phần lớp học Linh Hoạt này cô vẫn sẽ duy trì được thêm này nào hay ngày đó. Cô chỉ mong sao xã hội quan tâm các em nhiều hơn, tạo điều kiện cho các em khi đến tuổi lao động có việc làm ổn định, để các em có thể tự lo cuộc sống của bản thân”, cô Côi tâm sự.

Nhắc đến cô Côi và lớp học Linh Hoạt, ông Dũng (trú tại phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) - một phụ huynh có con đang học tại đây, chia sẻ: “Từ ngày được cô Côi dạy, cháu nhà tôi cũng ngoan hơn rất nhiều, tuy rằng chưa biết viết như các bạn khác nhưng tôi nhận thấy đã có nhiều đổi khác. Tôi phải nói thật tôi chưa thấy ai tốt bụng như cô. Cô còn đi xin sách vở cho, rồi bỏ tiền túi ra mua quà cho học sinh. Thật sự, tôi chỉ biết gửi đến cô lời cảm ơn chân thành nhất. Hơn hết, tôi chỉ mong cô mãi khỏe mạnh thôi”.

Đưa đón cháu gái suốt 3 năm nay, bà Lê Thị Liên (trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngày nào cũng đứng cửa lớp học dõi theo đứa cháu gái đưa bàn tay nắn nót từng nét chữ. Cháu bà là Khánh Linh năm nay sang tuổi 13 nhưng trí tuệ như đứa trẻ lớp 1.

Không tìm thấy lớp học nào phù hợp với cháu gái, bà Liên đến gõ cửa lớp học Linh Hoạt và từ đó cháu bà bắt đầu có nhiều đổi khác. Bây giờ khi nhắc đến bà giáo Côi, bà Liên không biết dùng từ nào khác ngoài cảm phục. Bà Liên chia sẻ: “Không có cô chắc cháu tôi giờ vẫn chưa biết được mặt chữ. Giờ đây cháu gái tôi mười phần thì đã biết được ba phần. Tôi thật sự cảm ơn cô Côi, mà năm nay cô đã 78 tuổi rồi, tôi thấy rất ngưỡng mộ cô”.

Thấm thoắt, lớp học đầu tiên đã cách đây gần 25 năm, bao thế hệ học trò đã trưởng thành nhờ sự chỉ bảo của cô Côi. “Nhiều em ra đời đã có thể tự kiếm sống. Có em thì đi bán hàng, có em thì đi sửa xe, có những em thì lại đi may. Đặc biệt, có 2 em đi học cao hơn, giờ đã tốt nghiệp đại học, đi làm, lập gia đình và đã có con”, cô Côi nhận đó là niềm vui lớn nhất của bản thân, là một món quà quý giá nhất… Mà đó lại là món quà mà khó ai có được.